Showbiz

Nội dung bẩn như Nờ Ô Nô tràn ngập trên TikTok, cách nào dọn sạch?

28/11/2022, 10:00

Sự phát triển như vũ bão của TikTok khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt những nội dung bẩn như Nờ Ô Nô vẫn ngang nhiên tồn tại.

Xem xét xử lý TikToker Nờ Ô Nô

Những ngày qua, chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô đã đăng tải những đoạn clip bẩn, với nội dung được nhiều người cho là có hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo khiến dư luận bức xúc.

img

Hình ảnh trong clip bị chỉ trích vì miệt thị người nghèo của TikTok Nờ Ô Nô gây bức xúc

Trong diễn biến mới nhất, phía Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết đã ghi nhận những phản ánh về TikToker Nờ Ô Nô và đang tiến hành xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, phía TikTok cũng xác nhận đã nắm được thông tin và đang xem xét các report (báo cáo) của cộng đồng về vụ việc của TikToker này.

Đối diện chỉ trích, chiều 26/11, chàng trai đăng tải video xin lỗi, sau đó xóa một clip từ thiện gần nhất.

Nờ Ô Nô khẳng định những câu nói của mình chỉ là “cho vui” và hành động vẫn thể hiện sự tôn trọng người lớn. Anh cho biết mình vẫn đi làm từ thiện và ra clip, nhưng sẽ cẩn thận trong lời nói hơn. Tuy nhiên, lời xin lỗi của anh không làm xoa dịu dư luận. Đến sáng 27/11, Nờ Ô Nô đã khóa kênh TikTok của mình.

img

Nờ Ô Nô bị kêu gọi tẩy chay

img

Ca sĩ Thu Minh xóa clip từng hợp tác với Nờ Ô Nô trong một số sản phẩm trên TikTok

Được biết, kênh TikTok Nờ Ô Nô sở hữu lượng follower khủng với hơn 600.000 người theo dõi. Các clip của Nờ Ô Nô thường có nội dung đánh giá các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn TP.HCM.

TikToker này thường gắn với biệt danh “Thánh review” vì thành tích “ăn đâu chê đó”. Trong các clip được đăng tải trên mạng, Nờ Ô Nô thường có cách nói chuyện cộc lốc, thô lỗ với nhiều lời lẽ, hành động sỗ sàng.

TikTok "vượt mặt" Facebook, YouTube.. ra sao?

Theo phân tích của The Guardian, TikTok hiện tăng trưởng vượt trội so với các "anh cả" như Facebook, YouTube, Instagram... Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng.

img

TikTok tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát

Thành tích này rút ngắn một nửa thời gian so với Facebook, YouTube, Instagram và nhanh hơn 3 năm so với ứng dụng WhatsApp.

Cụ thể, ước tính, TikTok vượt 900 triệu người dùng trong năm 2021, tăng 28% so với năm liền trước và 578% so với năm 2018. Tương tự, phiên bản Douyin ghi nhận 710 triệu người dùng vào năm ngoái, tăng 21 lần so với năm 2017, giai đoạn mới thành lập. Tổng cộng, nền tảng có khoảng 1,2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng vào quý IV/2021 và dự kiến đạt 1,8 tỷ người vào cuối năm 2022.

Năm 2021, công ty thu về 4,6 tỷ USD, tăng 77% so với năm 2020. Trên thực tế, doanh thu của TikTok bắt đầu bùng nổ từ năm 2020. Đây cũng là thời điểm nền tảng ra mắt tính năng quảng cáo TikTok For Business dành cho doanh nghiệp và người dùng để đối đầu với các nền tảng mạng xã hội khác.

Trước đó, trong 3 năm 2017, 2018, 2019, TikTok chỉ thu về lần lượt 63 triệu USD, 150 triệu USD và 350 triệu USD. Năm 2020, nền tảng video ngắn thu về 2,6 tỷ USD, cao gấp 7,5 lần so với năm liền trước.

Theo số liệu từ Báo cáo Kỹ thuật số 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng Internet Việt Nam.

Chỉ trong 1 năm qua, TikTok tăng trưởng khủng khiếp về người dùng mọi thế hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ thuộc Gen Z (sinh từ 1997 - 2012) đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng TikTok với con số tăng trưởng tới gần 40%.

Cách nào để dọn rác trên TikTok?

TikTok nổi lên như một mạng xã hội chia sẻ video hướng đến nhóm người dùng trẻ tuổi và đang thành công khi lôi kéo được khách từ một số nền tảng khác.

Tuy nhiên, với thuật toán gợi ý theo thói quen của người dùng "vô cùng hiệu quả" khiến nhiều người lo ngại. Bởi, kể cả những tìm kiếm mang tính nguy hiểm hay độc hại, vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng, thuật toán vẫn sẽ gợi ý cho người dùng.

img

Vấn nạn nội dung bẩn trên TikTok khiến nhiều người dùng mạng xã hội ngán ngẩm

Mặc dù, TikTok thường xuyên báo cáo về việc kiểm soát nội dung bẩn bằng cách xóa kênh, nhưng cách này dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Trước đó, tháng 7/2022, TikTok cho biết đã xóa hơn 2,4 triệu video tại Việt Nam trong quý I/2022. Trong số hơn 40.000 video bị xóa mỗi ngày, có tới 92,5% bị loại chủ động khỏi nền tảng, 88,7% bị xóa trước khi có lượt xem đầu tiên. Có khoảng 94% trường hợp xóa trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ khi được đăng lên nền tảng.

Đây đều là những video được xác định đã vi phạm chính sách về Tiêu chuẩn cộng đồng do TikTok đặt ra. Các nội dung vi phạm rất đa dạng, gồm chứa thông tin, hình ảnh gây kích động, thù địch, chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Một vấn đề nhức nhối khác cũng "vào danh sách đen" là hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục, hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra còn có video chứa nội dung rùng rợn, quấy rối, vấn đề bắt nạt, tự tử...

Đến tháng 9/2022, TikTok cho biết, đã xóa 113 triệu video trên toàn bộ nền tảng, chủ yếu là do vi phạm chính sách chỉ trong quý II/2022.

Tuy nhiên, The Verge nhận định,con số này chỉ chiếm 1% tổng số video được đăng tải trong cùng quý. Nếu so với lượng nội dung được đăng tải trên nền tảng, số video bị gỡ vẫn chỉ là hạt cát trên sa mạc.

ABC News thậm chí thẳng thắn tuyên bố rằng công ty công nghệ đang không kiểm soát được những nội dung trên nền tảng của họ.

Theo các chuyên gia, rất khó để TikTok có thể "dọn sạch" các video độc hại trên nền tảng. Bởi, ứng dụng chỉ loại bỏ các video có sử dụng hashtag, gắn cờ liên quan đến nội dung vi phạm. Những video không gắn hashtag vẫn tồn tại, thậm chí thu hút hàng triệu lượt xem và được người dùng liên tục chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, nội dung bẩn là vấn đề nhức nhối đối với nhiều nền tảng chia sẻ thông tin trên internet khác như Facebook, Instagram... đặc biệt là YouTube. Dù những doanh nghiệp này đều cố gắng kiểm soát, thắt chặt chính sách, các nội dung bẩn vẫn tràn lan và tiếp cận người dùng thành công.

img

Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hoàng Thuý Hải cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ em không thể tuyệt giao với các thiết bị công nghệ.

Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin những gì mình xem, trong đó có cả nội dung bẩn và làm theo để thể hiện mình.

Trước thực trạng nội dung bẩn tràn lan trên không gian mạng, vị chuyên gia khẳng định: "Có lẽ, đã đến lúc kiểm duyệt nội dung chặt chẽ và nâng tầm vi phạm đối với những video nhảm nhí, phản cảm, băng hoại đạo đức..., thậm chí có thể ở mức hình sự.

Cùng với đó, rất cần sự chia sẻ và kết hợp của phụ huynh, trường học... thì chúng ta mới hy vọng hạn chế, loại bỏ những nội dung độc hại như trên".

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn đề xây dựng văn hóa mạng.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, mạng xã hội là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số.

“Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to thì chỉ có vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu là có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử”, ông Hùng nói.

Do đó, việc đầu tiên, ông Hùng cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số.

Hiện, Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và hy vọng rằng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình.

“Năm 2023, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ thì nên đi hai chân, một là pháp luật và hai là văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.