Trẻ em và phụ nữ là hai đối tượng chủ yếu mà bọn buôn người nhắm tới |
Hôm qua (5/5), các đội cứu hộ đến từ 34 nước trên thế giới bắt đầu rời đi, một ngày sau khi Chính phủ Nepal thông báo kết thúc hoạt động tìm kiếm cứu hộ và kêu gọi các đội cứu hộ nước ngoài trở về.
Kể từ khi xảy ra động đất ngày 25/4, khiến hơn 7.276 người thiệt mạng, đã có 4.050 nhân viên cứu hộ từ 34 quốc gia tới hỗ trợ cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế và vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm.
Những hệ lụy sau trận động đất đang khiến Nepal nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung lo ngại. Một trong số đó là nạn buôn người bùng phát. Giới chức Nepal và Ấn Độ cho biết, trẻ em và phụ nữ là hai đối tượng chủ yếu mà bọn buôn người nhắm tới để bán làm lao động và gái mại dâm. Điển hình, hôm 4/5, cơ quan chức năng của Ấn Độ giải cứu bốn trẻ em khỏi thị trấn biên giới Raxaul (bang Bihar) trên đường bị đưa đi bán. Một quan chức Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi e ngại nạn buôn lậu người từ Nepal sang Ấn Độ bùng nổ. Chúng tôi đã cảnh báo với cơ quan tình báo quốc gia để đề phòng và có biện pháp xử lý kịp thời”.
Một quan chức quân đội Nepal cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều tin báo mất tích. Mặc dù chưa thể nhận định tất cả vụ mất tích liên quan tới buôn người nhưng không thể loại trừ khả năng đó”.
Phóng viên Thời báo Ấn Độ tận thấy, nhiều gia đình không đủ ăn. Cánh đàn ông phải ra ngoài mạo hiểm tìm kế sinh nhai. Phụ nữ ở nhà lo cho con cái. Đây chính là cơ hội cho nạn buôn người phát sinh. Theo báo cáo về tình hình buôn người trên thế giới (TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ thì Nepal đứng thứ hai từ dưới lên trong việc đối phó với tình trạng buôn người. “Chính phủ không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu để hạn chế tình trạng buôn người”, báo cáo viết. Mỗi năm, có khoảng 5 - 10 nghìn phụ nữ và thiếu nữ Nepal bị bán sang Ấn Độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận