Du học sớm không được dự liệu tâm lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Đỗ Minh Loan, Phụ trách Khoa Sức khỏe vị thành niên, BV Nhi T.Ư cho biết: “Trong quá trình công tác, tôi gặp không ít các trường hợp bệnh nhân thăm khám và điều trị căn bệnh trầm cảm là các du học sinh. Đặc biệt, là với các trường hợp trẻ được gia đình cho đi du học rất sớm từ khi mới chỉ là học sinh đầu cấp 3 mà không dự liệu tâm lý trước cho trẻ. Đáng tiếc, nhiều bạn trẻ vốn dĩ sắc sảo, học giỏi nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn du học, không thể hòa nhập được với môi trường sống, môi trường văn hóa khác biệt đã “lặng lẽ” chán học, sống co cụm rồi rơi vào tình trạng trầm cảm”.
Theo TS. Loan, hiện có một bệnh nhân nam tên N.V. T., 16 tuổi đang được điều trị trầm cảm tại đây. Do mẹ kỳ vọng vì có thành tích học tập rất tốt trong suốt nhiều năm qua, T. được gia đình tạo điều kiện thuận lợi nhất để du học ở Úc. Ở bên đó, T. được thuê riêng 1 căn hộ, sống độc lập. Tuy nhiên, chỉ sau chừng 6 tháng, từ 1 cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, T. bắt đầu có những dấu hiệu tự nhốt mình trong phòng, ít giao tiếp. Trong những lần trò chuyện với mẹ, T. thường ca thán rằng, “mình là người bất tài, vô dụng, kém cỏi và bất kỳ việc gì dù lớn, hay nhỏ cũng không tự mình quyết định được”. Đón con về và đưa đi thăm khám tại BV Nhi T.Ư, mẹ T. không khỏi bất ngờ khi con được xác định trầm cảm, cần được can thiệp bằng thuốc và trị liệu tâm lý.
Tương tự, bạn T.V.H. (19 tuổi) đã được TS. Loan điều trị thành công căn bệnh trầm cảm sau 1 năm thăm khám. Cả gia đình H. cùng định cư ở Mỹ từ năm em học lớp 9. Khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học chừng một năm, H. bỗng thay đổi hoàn toàn tính cách, thường xuyên trầm buồn, không nói chuyện với bất kỳ ai trong gia đình. H. thường xuyên ở một mình và ít chịu đi học. Nhiều bài kiểm tra H. không hoàn thành yêu cầu.
TS. Loan cho hay, qua chia sẻ của bệnh nhân thì được biết khi ở môi trường đại học, H. không có bất kỳ người bạn thân nào. Vì thế, H. thấy mình lạc lõng và càng thấy cô đơn hơn khi “không thể hiểu được những câu chuyện cười mà bè bạn xung quanh trao đổi với nhau do sự khác biệt về văn hóa”.
“Một năm được điều trị bằng thuốc, trị liệu tâm lý, đồng thời hòa nhập lại với môi trường sống tại Việt Nam, H. đã hoàn toàn hồi phục. Dự kiến, thời gian tới, H. sẽ quay trở lại Mỹ để tiếp tục theo học lại. Hy vọng, em chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để hòa nhập và học tập tốt”, TS. Loan chia sẻ.
Phát hiện sớm, chữa được căn bệnh trầm cảm
Chia sẻ về ca bệnh đang được điều trị tại đây, Ths. Tâm lý Dương Thị Xuân cho hay, có trẻ được đưa đến đây khi đã có hành vi tự sát bất thành như việc dùng dao nhiều lần cắt vào cổ tay. Trường hợp này, theo gia đình chia sẻ, trẻ có dấu hiệu ẩn mình trong phòng, ít giao lưu, tuyệt đối không giao tiếp bằng mắt từ khá lâu nhưng chỉ đến khi trẻ tự cắt tay gia đình mới vội vàng đưa đi thăm khám.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh hoặc làm khởi phát bệnh
Những trẻ có tính cách như lòng tự trọng thấp, sống quá phụ thuộc hoặc thái độ bi quan trong cuộc sống; Trải qua các sự kiện hoặc bị căng thẳng trong cuộc sống như bị bạo hành thân thể hoặc bị xâm hại tình dục, bị mất người thân, mâu thuẫn bạn bè, sống trong gia đình bố mẹ có nhiều mâu thuẫn; Trong gia đình có người bị trầm cảm, nghiện rượu hoặc tự tử; Là đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính hoặc chuyển giới; Trẻ bị bệnh nặng hoặc bệnh mãn tính…
“Ca này trẻ cũng vốn luôn được gia đình “bao bọc”, rất có thể đó là 1 yếu tố khiến trẻ khó thích nghi, khó điều chỉnh với các mối quan hệ xung quanh, dễ gây sốc nếu trẻ gặp chuyện gì đó không như ý. Ca bệnh này đưa đến khá muộn, bởi bệnh tâm lý tuy dấu hiệu âm thầm nhưng thường diễn tiến khá nhanh. Việc đến trễ sẽ khiến thời gian điều trị dài hơn”, bà Xuân cho biết.
Theo TS. Loan, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn vị thành niên. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những yếu tố có tác động đến trầm cảm vị thành niên.
BS. Loan cảnh báo các dấu hiệu kéo dài từ 2 tuần trở lên như trẻ có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ; Lo lắng, kích động hoặc bồn chồn; Suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung; Cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội nhiều hoặc tội không đúng; hay trẻ khó suy nghĩ, khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ… hoặc khi có bất kỳ hành vi, thái độ bất thường trái ngược hoàn toàn với trạng thái bình thường của trẻ, cha mẹ cần cho trẻ đến cơ sở y tế đề được đánh giá xem có rối loạn tâm lý, trầm cảm hay không.
“Đây là bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị sớm cùng sự phối hợp và tuân thủ trong quá trình điều trị. Cha mẹ có con mắc căn bệnh trầm cảm cũng nên sẵn sàng tâm lý đối mặt, để hỗ trợ trẻ trong điều trị đạt kết quả tốt”, BS. Loan cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận