Y tế

Nỗi lo nhiều bệnh dịch nối tiếp hoành hành

09/10/2022, 06:59

Khoảng một tháng nay, số ca mắc các bệnh cúm, sốt virus, viêm phổi do Adeno virus, sốt xuất huyết… ở cả người lớn và trẻ nhỏ gia tăng nhanh.

Đáng lo ngại là tình trạng đồng nhiễm, “bệnh nối tiếp bệnh” khiến việc điều trị thêm khó khăn.

Gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm

img

Đông trẻ nhập viện điều trị các bệnh đường hô hấp như cúm, viêm phổi do Adeno virus, sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Hai tuần nay, gia đình anh Vũ Huy An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rối tung vì các con chưa khỏi cúm lại chuyển sang sốt siêu vi.

Bắt đầu từ cô con gái nhỏ hắt hơi, xổ mũi rồi đau đầu, cúm nhanh chóng lây cả nhà 4 người. Sau 3 - 4 ngày giảm triệu chứng, cơ thể chưa kịp hồi thì cả hai con của anh An lại sốt cao liên tục, cơ thể đau mỏi, mũi đờm rất nhiều và liên tục than đau đầu.

“Hai đợt ốm liên tục nối tiếp khiến hai đứa trẻ yếu đi trông thấy, phục hồi rất chậm. Hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau nghỉ ở nhà chăm con. Cho con tới bệnh viện khám mới thấy bệnh nhân đông quá”, anh An cho biết.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con nhỏ cũng lăn ra ốm, sốt cao, đau mắt đỏ kèm cả tiêu chảy.

Chị Huyền cho hay: “Cả hai cháu đều đủ dấu hiệu của bệnh do Adeno virus. Tuy nhiên, gia đình chăm sóc và theo dõi con ở nhà, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ đưa đi viện vì giờ nơi nào cũng quá tải”.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, riêng với bệnh nhi mắc Adeno virus, số ca có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay, chỉ trong 3 tuần gần đây đã ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno.

Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1 - 3 và ở Hà Nội. Đáng tiếc, tính đến thời điểm này đã có 9 trẻ mắc Adeno virus tử vong. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ốm, sốt vô cùng lo lắng.

Tại Khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Đa khoa SaintPaul, gần 50% số trẻ đang điều trị tại đây được xác định là nhiễm Adeno virus, đa phần trẻ dưới 5 tuổi.

Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, 3 tuần qua trung bình tiếp nhận 30 trẻ/ngày mắc bệnh về đường hô hấp, trong đó nhiều trẻ có biến chứng từ cúm hoặc Adeno virus.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, sau Covid-19, một số dịch bệnh như cúm, sốt xuất huyết, các bệnh ký sinh trùng, các bệnh lây truyền từ động vật sang người có chiều hướng gia tăng.

Điển hình như virus Adeno gây bệnh trên trẻ nhỏ, đây là một bệnh cũ nhưng gần đây tái nổi với số ca mắc tăng cao, đặc biệt ở Hà Nội.

“Sau dịch Covid-19, trẻ trở lại trường học, các cháu tiếp xúc, chơi đùa với nhau có thể dễ dàng lây bệnh. Bên cạnh đó, môi trường sống và thời tiết thay đổi kèm theo trẻ không được tiêm phòng các mũi cơ bản đầy đủ, đúng lịch sẽ khiến một số tác nhân gây bệnh phát triển và gây bệnh”, BS. Cường cho biết.

Gánh nặng vừa điều trị, vừa phòng bệnh từ xa

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng lên từng ngày. Hiện, số mắc sốt xuất huyết chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân tại đây, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng.

Để ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, ngành Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động phát hiện sớm, kiểm soát không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng; Làm tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn ở bệnh viện, giảm lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hệ thống y tế dự phòng cần củng cố lực lượng chống dịch ngay từ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần khuyến cáo để người dân chủ động phòng bệnh.

BS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư


Theo các bác sĩ điều trị, các bệnh nhân nặng ngay khi nhập viện đều có dấu hiệu cảnh báo như sốc, máu bị cô đặc, tăng men gan, tràn dịch đa màng… đặc biệt là sốt xuất huyết trên người bệnh nền và phụ nữ có thai.

Đồng thời, cũng đã ghi nhận một số trường hợp bị sốt xuất huyết lại chẩn đoán nhầm sang cúm hoặc Covid-19, dẫn tới điều trị sai, nhập viện muộn trong tình trạng nặng.

Ngoài dịch cúm, Adeno virus, theo nhận định của BS. Cường, dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội, thời tiết mưa nhiều càng tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển.

Dự đoán năm nay sốt xuất huyết bùng thành dịch lớn, tập trung vào cuối tháng 10 đến tháng 11. Nếu kèm theo đồng nhiễm Covid-19, cúm, Adeno, các dịch bệnh mới nổi, tái nổi thì nguy cơ tăng nặng cao.

BS. Cường cũng cho rằng, ngoài các bệnh nêu trên, nhiều bệnh mới nổi, tái nổi khác cũng đáng lo ngại trong thời điểm hiện nay, điển hình như các vi khuẩn đa kháng thuốc xuất hiện, bệnh lây từ động vật sang người (dại, lepto, liên cầu lợn...).

Một số dịch bệnh bị bỏ quên nay có xu hướng quay trở lại và trở thành gánh nặng, đòi hỏi ngành y tế không chỉ tập trung điều trị mà còn phải có chiến lược phòng bệnh từ xa.

Thêm vào đó, các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở trên nhóm bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, suy giảm miễn dịch...), trong đó, nhóm bệnh người già nhiễm trùng rất nặng, rất khó chữa.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm trong nước, các bệnh du nhập từ nước ngoài về sốt rét, đậu mùa khỉ… cũng đã xuất hiện.

“Vấn đề nhiễm trùng bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc đang trở nên đáng lo ngại. Các vi khuẩn kháng thuốc lây sang người trẻ, người khỏe mạnh khiến nhóm người này không có bệnh nền cũng nhiễm bệnh vì mức độ kháng thuốc tăng, phát hiện và điều trị không kịp thời dẫn tới biến chứng, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong”, BS. Cường cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.