Buổi chiều, trên góc đường nhỏ ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, một bà cụ gần 70 tuổi ngồi ngóng khách qua lại, chốc chốc lại liếc xuống 2 mẹt trái roi đỏ mọng còn đầy ắp.
Để có 2 mẹt roi mang đi bán, bà đã phải thuê người trèo cây hái, với giá tiền công là 100.000 đồng.
Nếu bán hết, chỗ roi này sẽ được 200.000 đồng, bà lãi 100.000 đồng. Còn nếu không, bà lỗ cả chỗ tiền thuê người ta trèo hái.
Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM
Bà than, mấy ngày nay thương lái vẫn không chịu mua, bỏ trái chín rụng thì tiếc, mà nhà cũng hết gạo, nên bà đành bỏ công thuê hái, đem bán mong được ít tiền để trang trải cuộc sống sau thời gian dài giãn cách.
Bà kể, trước đây khi TP.HCM chưa giãn cách, bà lên đó để làm giúp việc gia đình. Sau mấy tháng về quê tránh dịch, đến nay muốn quay trở lại nhưng không dám, vì mới được tiêm 1 mũi vaccine nên không hiểu có được vào hay không.
“Tôi trên 65 tuổi nên đã được tiêm mũi 1 từ sớm nhưng chờ hoài cũng không thấy ai gọi đi tiêm mũi 2”, bà kể.
Có lẽ, không phải bà mà rất nhiều người dân miền Tây hiện nay đang khao khát được tiêm đủ 2 mũi vaccine, thậm chí chỉ cần 1 mũi.
Bởi được tiêm 1 hay 2 mũi không chỉ khiến họ yên tâm hơn trước nguy cơ lây nhiễm, mà nó còn là giấy thông hành trên con đường kiếm kế sinh nhai.
Sau nhiều tháng giãn cách, mất thu nhập, giờ đây nhu cầu cơm áo gạo tiền của nhiều người dân đã lớn hơn trước đây rất nhiều. Nhưng trước yêu cầu phòng dịch của các địa phương, họ không còn cách nào khác.
Để được ra đường bán vé số, An Giang quy định, đối với các đại lý vé số và những người bán lẻ phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19.
Tương tự ở Trà Vinh, người bán vé số, hàng rong phải được tiêm ít nhất 1 mũi. Nhiều tỉnh, thành cũng quy định, các tiếp viên quán ăn, massage, karaoke… phải tiêm đủ 2 mũi.
Còn người lao động trở về quê tự phát trong những ngày qua, cũng phải chờ khi nào được tiêm 2 mũi mới có thể về TP.HCM, Bình Dương làm việc…
Đó là lý do những ngày qua, người dân khao khát vaccine đến vậy. Không được tiêm, đồng nghĩa cơ hội việc làm coi như không có.
Nỗi khát khao ấy có thể thấy rõ nhất khi tuần qua, xảy ra câu chuyện hàng nghìn người kéo về Trung tâm Y tế huyện Bình Tân, tranh nhau đòi tiêm vaccine.
Do lượng người đổ về đây ngày càng đông nên đã có không ít người chen lấn, thậm chí leo lên bàn, cửa sổ để đòi bốc thăm số thứ tự tiêm.
Cảnh tượng chen lấn kéo dài từ ngay cổng trung tâm y tế tới tận phòng cấp cứu, bàn tiếp nhận thông tin.
Nhiều người dân cho biết, họ đến đây là do có thông tin bốc thăm sẽ được tiêm. Mục đích là được tiêm phòng để có “thẻ xanh” đi làm việc sau nhiều tháng các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, họ không biết rằng, địa phương tổ chức tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 chứ không phải cho những người chưa được tiêm mũi nào.
Rồi nếu không may trong số hàng nghìn người chen lấn hôm đó, có vài ca F0 thì mọi chuyện sẽ thế nào? Và điều quan trọng nhất là việc thông báo của địa phương không rõ ràng, khiến người dân mù mờ thông tin.
Thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước, tuy nhiên đến nay mới có khoảng 71 triệu liều được tiêm trên toàn quốc.
Ngay cả các địa phương lớn như TP.HCM, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho dân số từ 18 tuổi trở lên mới đạt hơn 76%, Hà Nội 53,7%. Thậm chí có không ít địa phương có tỷ lệ tiêm 1 liều chỉ đạt 20 - 30%...
Bởi vậy, khi đặt ra các quy định phòng, chống dịch tại địa phương mình, có lẽ các tỉnh, thành phố cũng cần căn cứ vào tỷ lệ dân số được tiêm vaccine để có những quyết sách phù hợp với thực tế. Nếu quá khắt khe, rất khó để mọi hoạt động có thể sớm trở lại bình thường.
Hồ Hùng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận