TS. Lê Cảnh Nhạc |
“Công tác dân số trong tình hình mới” là một trong những nội dung quan trọng đặt ra tại Hội nghị T.Ư 6, được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc… Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Bộ Y tế về nội dung này.
Nên dừng chính sách giảm sinh
Một trong những nội dung được đề cập về công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Vậy cần hiểu đúng nội dung này thế nào, thưa ông?
Số con trung bình của mỗi phụ nữ giảm mạnh từ 3,74 con năm 1992 xuống 2,33 con năm 1999 và 2,09 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với Nghị quyết T.Ư 4 (khóa VII) đề ra và được duy trì suốt hơn 10 năm qua. Kết quả công tác dân số - KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Duy trì mức sinh thay thế (số con trung bình mỗi phụ nữ 2,1 con) là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. |
Trước đây, do tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, nhằm mục đích cao nhất là giảm sinh nên công tác dân số tập trung vào nội dung chính là KHHGĐ, vận động người dân sinh từ một đến hai con nhằm kiểm soát quy mô dân số. Hiện nay, Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Đáng lưu ý, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài giải quyết được vấn đề quy mô dân số nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng, tốc độ già hóa dân số cao. Đặc biệt, ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế như miền Đông Nam bộ, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đòi hỏi công tác dân số không chỉ tập trung về nội dung KHHGĐ mà cần phải giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bố dân số, hài hòa với phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển không có nghĩa là xem nhẹ công tác KHHGĐ mà đây vẫn là nội dung hết sức quan trọng, bởi quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đáp ứng được.
Nhiều người khi tiếp cận thông tin này cho rằng, sẽ có sự nới lỏng quy định về số con (không giới hạn sinh 2 con). Vậy sự thay đổi chính sách này có đồng nghĩa với việc mỗi gia đình muốn sinh bao nhiêu con tùy ý không, thưa ông?
Tôi không nghĩ như vậy, Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII) sắp tới sẽ chỉ rõ vấn đề này, nhưng theo tôi vẫn phải tiếp tục vận động người dân sinh 2 con để duy trì mức sinh thay thế càng lâu càng tốt. Về tổng thể, chúng ta nên dừng chính sách giảm sinh, không để mức sinh xuống thấp (duy trì mức sinh thay thế 2,1 con). Đối với những nơi mức sinh đang xuống thấp thì cần vận động người dân “sinh đủ 2 con”. Đối với những nơi điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí rất cao, vẫn phải tiếp tục vận động giảm sinh để đưa về mức sinh thay thế.
Hiện, khi sinh con thứ 3, nhiều gia đình gặp rào cản như bị xử lý kỷ luật tại đơn vị công tác hoặc bị phạt tiền ở địa phương… điều này có đúng pháp luật không, thưa ông?
Công tác dân số - KHHGĐ từ trước tới nay thực sự là một cuộc vận động xã hội rộng lớn. Pháp luật nước ta không có điều khoản nào quy định áp đặt chế tài xử phạt trong vấn đề sinh đẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cuộc vận động về KHHGĐ, người dân ở nhiều địa phương đã thống nhất đưa nội dung này vào hương ước, quy ước, thỏa ước tập thể và việc thực hiện các quy ước, thỏa ước này là quyền của cộng đồng dân cư các địa phương. Đối với cán bộ Nhà nước thì chấp hành các quy chế tập thể của cơ quan. Đối với đảng viên thì chấp hành kỷ luật của Đảng. Khi đã trở thành cuộc vận động xã hội rộng lớn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì ý chí của người dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong những cam kết dân sự - xã hội, góp phần quan trọng quyết định sự thắng lợi của công tác dân số trong thời gian qua.
Hiện mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, khu vực KT-XH nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao (ảnh minh họa) - Ảnh: Tạ Tôn |
Hội chứng 4-2-1 có xảy ra với Việt Nam?
Việt Nam thành công trong duy trì mức sinh thay thế suốt 10 năm qua, nhưng lại không có được kết quả đồng đều giữa các địa phương. Nhất là ở các thành phố lớn, phát triển mức sinh thấp và ngược lại ở khu vực vùng miền kém phát triển. Vậy giải pháp cho việc khuyến khích hay hạn chế tại từng vùng được đặt ra như thế nào?
Đúng là hiện mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Khu vực KT-XH nhiều khó khăn có mức sinh cao, có nơi rất cao. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế phát triển, mức sinh đã xuống thấp. Ở khu vực Đông Nam bộ, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,63 con, trong khi đó ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 2,69 con. Ở TP.HCM, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,45 con, trong khi đó, ở Lai Châu con số này là 3,1 con…
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, mỗi địa phương cần xác định mục tiêu cụ thể phù hợp với thực tiễn của mình. Cần tiếp tục giảm sinh ở những vùng, đối tượng có mức sinh cao; cần duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; cần nâng mức sinh đối với những khu vực, đối tượng có mức sinh thấp.
Để đạt mục đích này chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện mỗi cặp vợ chồng có hai con, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc; Tiếp tục thực hiện chính sách thi đua khen thưởng, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng có hai con. Từng bước rà soát, sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước về vấn đề xử lý kỷ luật và chủ yếu đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, Việt Nam cũng có thể đối mặt với hội chứng 4-2-1 trong tương lai gần, tương tự như Nhật Bản hay Trung Quốc. Ông nghĩ sao?
Hiện nay, chúng ta rất mong đợi những chủ trương đường lối sáng suốt của Đảng về vấn đề này trong Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) sắp tới. Với sự quan tâm định hướng đúng đắn, tôi tin rằng Việt Nam sẽ không đối mặt với hội chứng 4-2-1 trong tương lai (một đứa trẻ khi trở thành người lao động trong tương lai sẽ cõng trên vai 6 người phụ thuộc là hai cha mẹ và bốn ông bà nội, ngoại - bài học đắt giá do mức sinh xuống thấp). Bởi ngay trong dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận 119-KL/TW ngày 4/1/2016, “Đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành T.Ư (Khóa XII) ban hành Nghị quyết về dân số nhằm chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển”. Đảng đã nhìn thấy nguy cơ hội chứng 4-2-1 và vì vậy, sắp tới đây, ngành dân số nói riêng và tất cả chúng ta nói chung chắc chắn sẽ có các giải pháp, đường hướng rõ ràng về công tác dân số trong tình hình mới khi Nghị quyết T.Ư 6 ra đời.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ xuống rất thấp, dẫn đến dân số suy giảm, để lại hậu quả bất lợi cho KT-XH và sự phát triển bền vững của tương lai. Ông đánh giá thế nào về điều này, thưa ông?
Thực tế nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc tăng mức sinh trở lại, mặc dù có nhiều chính sách khuyến sinh. Hậu quả của thực trạng này chúng ta đã thấy rất rõ. Vì vậy, theo tôi, từng bước nới lỏng mức sinh là cần thiết, tuy nhiên để giải quyết được chênh lệch mức sinh hiện nay lại là vấn đề đầy nan giải. Nếu làm không khéo thì tâm lý “thả lỏng” này sẽ dẫn tới tình trạng khó vận động giảm sinh ở những vùng mức sinh còn cao và rất cao. Điều đó cũng có nghĩa sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu thu nhập đầu người và tăng chi cho an sinh xã hội ở những vùng kinh tế còn khó khăn. Vì vậy, cần có các giải pháp đặc thù cho từng vùng miền, từng địa phương ra sao? Nới lỏng mức sinh từng bước như thế nào, áp dụng ở đâu và xử lý nhuần nhuyễn các vấn đề về chính sách thế nào cho phù hợp…, đó là những vấn đề cần tính đến.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận