Anh Nguyễn Văn Túy, lái chính tàu SE2 và hồ sơ vụ án |
Tuy nhiên, suốt quãng thời gian hơn 5 năm qua họ đã chịu biết bao thiệt thòi, oan ức và quyết đi đến cùng sự thật, công lý. Hiện tại, họ đang đệ đơn lên tòa phúc thẩm để đòi bồi thường các tổn thất với số tiền 2,4 tỷ đồng mỗi người.
Ba lần bị gia hạn tạm giam
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Túy, lái chính tàu SE2 vụ TNGT đường sắt xảy ra vào tối 6/2/2011 tại cầu Ghềnh làm 2 người thiệt mạng, 22 người bị thương từng gây chấn động trong cả nước. Tiếp chúng tôi trong căn nhà yên tĩnh nằm ở đường số 25, phường Vĩnh Phú, TX Thuận An (Bình Dương), anh Túy vừa kể về vụ TNGT, vừa đem ra một chiếc cặp đựng nhiều giấy tờ, tài liệu gồm các đơn từ, công văn, cáo trạng, biên bản, kết luận… về vụ TNGT năm xưa. Anh Túy nói: “Tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để sẵn sàng cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới…”.
Trầm ngâm một lát anh Túy nhớ lại, tối 6/2/2011, khi xảy ra vụ TNGT đường sắt tại cầu Ghềnh thì ngay đêm hôm đó cả anh (lái chính) và lái phụ tàu SE2 bị Công an TP Biên Hòa bắt tạm giam. Dẫu sự việc đã trôi qua nhiều năm nhưng lúc trò chuyện với chúng tôi, anh Túy vẫn lộ vẻ căng thẳng và sợ hãi khi nhớ lại những ngày đen tối đó.
Theo lời anh Túy, ngay sau khi vụ TNGT xảy ra, anh và lái phụ đã bị tạm giam 9 ngày để điều tra. Anh tin tưởng rằng, mình không có tội thì sẽ sớm được tại ngoại. Nhưng ngờ đâu, 9 ngày sau, các anh nhận quyết định bị tam giam tiếp 3 tháng 21 ngày, rồi 3 tháng và thêm 2 tháng nữa… cho tới tận ngày 11/11/2011 họ mới được thả. “Hết 9 ngày đầu, chúng tôi đinh ninh sẽ được tự do bởi chắc chắn rằng mình không có tội. Nhưng khi nhận quyết định gia hạn tạm giam 3 tháng 21 ngày thì tôi vô cùng khó hiểu và hoang mang, không biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi việc trở nên phức tạp hơn tôi tưởng nhiều lần. Mỗi lần nhận quyết định thêm thời hạn tạm giam là mỗi lẫn tim tôi quặn thắt, hy vọng bị sụp đổ. Tôi tự đặt câu hỏi rồi tự trả lời và tôi tin mọi việc rồi sẽ được làm sáng tỏ…”, anh Túy nói.
Anh Túy cho biết thêm, các anh bị giam riêng biệt. Công an đã có 5 kết luận nhưng tổ lái vẫn phải đối diện với 4 bức tường giam, nhiều khi căng thẳng đến ngộp thở. Suốt thời gian bị tạm giam, công an hỏi sao thì anh nói vậy nên sau nhiều lần bị thẩm vấn, lời khai của các anh đều trùng khớp nhau.
Tuy nhiên, cho đến kết luận điều tra ban hành ngày 30/10/2011, lái chính và lái phụ vẫn bị kết tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt. Đến ngày 9/11 thì chuyển sang trại B5. “Cơm tù rất khó ăn, nên tôi phải mua cơm căng-tin (giá từ 40 - 50 nghìn đồng/suất) nhưng nhiều hôm còn không nuốt nổi. Ở trong trại, tôi càng thương vợ con nên mỗi lần vợ đến thăm nuôi, tôi dành lời động viên để cô ấy yên tâm mà lo cho con cái”, anh Túy nói.
Hiện trường vụ tai nạn 5 năm trước |
Cha bị bắt giam, con chào đời
Đêm 6/2, anh Túy bị bắt thì sáng hôm sau vợ anh sinh cháu trai (cháu đầu là gái, năm nay đã được 10 tuổi). Chuyến tàu “định mệnh” ấy, anh hẹn với vợ sẽ sớm về để đưa vợ đi “vượt cạn” nhưng đã không thực hiện được. Phải mấy ngày hôm sau anh mới biết tin vợ sinh con trai. Ngày đêm mong muốn được nhìn thấy con nên khi cháu bé mới được 1,5 tháng, vợ anh đã đưa con đến thăm cha. Khoảng thời gian ít ỏi được gặp người thân, anh Túy ôm vợ con vào lòng mà nước mắt cứ tuôn rơi…
Đêm mùng 4 Tết Tân Mão (6/2/2011), chiếc xe taxi BKS 56K - 9697 của hãng VinaSun do tài xế Nguyễn Quốc Hùng (32 tuổi) điều khiển lưu thông qua cầu Ghềnh đã không nhường đường để 5 ô tô khác qua cầu theo hướng ngược lại, gây ùn tắc kéo dài. Đúng lúc này, đoàn tàu SE2 do lái tàu Nguyễn Văn Túy điều khiển đang hướng từ TP HCM về Hà Nội đi qua. Do các nhân viên gác chắn tại địa điểm hai đầu cầu đã không phát tín hiệu là chưa thông cầu nên khi phát hiện sự cố phía trước, lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song, do khoảng cách quá gần, đoàn tàu vẫn trượt tới với vận tốc lớn nên đã đâm vào 6 ô tô đang lưu thông trên cầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm hai người chết và 22 người khác bị thương nặng. |
Sau 278 ngày bị giam, tổ lái tàu SE2 được tại ngoại, nhưng các lái tàu cho biết, họ vẫn phải thường xuyên làm việc với công an để tiếp tục phục vụ công tác điều tra. Trong thời gian ở trại, những người thân của họ đã gửi đơn lên Công an, VKSND TP Biên Hòa, VKSND Tối cao… Ngay khi được tại ngoại, anh Túy đã đi cầu cứu khắp nơi để đòi lại sự trong sạch cho bản thân và gia đình. Anh cho biết, từ cuối năm 2011 đến nay, anh đã cầu cạnh nhiều cơ quan chức năng như: Công an, VKSND TP Biên Hòa, Công an tỉnh, VKSND, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai… Ở Trung ương, anh cũng mang đơn đến gửi Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chính phủ để xin được minh oan…
“Sau khi tiếp nhận đơn thư của tôi, các cơ quan chức năng đã chuyển đơn và có các văn bản gửi VKSND tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2015, VKSND TP Biên Hòa vẫn khẳng định, tôi có tội bằng câu nhận xét “Qua kết quả điều tra, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Túy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…”. Và “Đình chỉ vụ án hình sự “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Chỉ sau khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có ý kiến, tháng 3/2016, Viện KSND TP Biên Hòa mới xác định tôi không có tội”, anh kể.
Chiều 28/9 vừa qua, TAND TX Thuận An, Bình Dương, nơi anh Túy cư trú đã tiến hành xét xử vụ án đòi bồi thường do bị tù oan của anh và tuyên án, yêu cầu bị đơn là VKSND TP Biên Hòa chính thức xin lỗi. Tòa xác định anh Túy bị oan sai, ngoài việc VKSND TP Biên Hòa xin lỗi công khai tại cơ quan làm việc và trên báo, còn phải bồi thường 274 triệu đồng. Mặc dù vậy, theo anh Túy số tiền bồi thường quá thấp so với 2,4 tỷ đồng anh đòi bồi thường nên anh đã kháng cáo.
>>>Xem thêm video:
Mong chờ phiên phúc thẩm
Theo anh Túy, thời gian qua, anh bị giảm sút mất khoảng 700 triệu đồng tiền lương, cộng với các khoản khác như tiền thăm nuôi, thuê luật sư, viết đơn, đi lại, tổn thất tinh thần… Anh Túy cho rằng, Tòa đòi biên lai, hóa đơn để làm cơ sở tính mức bồi thường là chưa hợp lý, bởi hầu hết các chi phí trong hành trình đi đòi công lý của anh làm gì có hóa đơn. Anh Túy khẳng định, đang hoàn tất các thủ tục để khởi kiện lên TAND phúc thẩm nhằm giải quyết thỏa đáng số tiền yêu cầu bồi thường là 2,4 tỷ đồng. Anh Túy và gia đình hy vọng ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới, HĐXX sẽ tuyên án bồi thường một cách thấu đáo cho anh và đồng nghiệp.
Anh Túy cho hay, anh vào ngành Đường sắt làm phụ lái từ năm 1998, đến năm 2006 thì được lên lái chính. Cho đến trước khi xảy ra vụ TNGT đường sắt tại cầu Ghềnh, anh chưa để xảy ra vụ TNGT nào. Rất may trong thời gian anh bị giam đến trước khi đi làm (tháng 4/2014), anh vẫn được cơ quan hỗ trợ 50% mức lương cơ bản. Sau đó, anh được bố trí làm quay ghi dẫn máy ở Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn.
Đến đầu năm 2015 về làm việc tại Chi nhánh ga Sóng Thần (Bình Dương) nhưng không lái tàu nữa và thu nhập thì cũng thấp hơn nhiều.
“Thời gian qua, tôi rất cảm ơn xí nghiệp đã hỗ trợ, giúp đỡ cũng như bố trí công việc phù hợp cho tôi. Mong muốn lớn nhất của tôi là được bồi thường thỏa đáng những thiệt hại mà bản thân và gia đình đã gặp phải để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”, anh Túy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận