Hạnh phúc được làm “chuột túi mẹ” ấp con
Những ngày áp Tết, trong căn phòng nhỏ ấm áp thuộc khu vực “ấp” của khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội, sản phụ Đoàn Thị Minh Trang (sinh năm 1988, Lào Cai) nhẹ nhàng đưa cậu con trai bé bỏng khẽ ấp lên bầu ngực. Sau 3 tuần được ở khu vực “ấp”, mọi hoạt động chăm sóc con được chị Trang thực hiện thuần thục, linh hoạt.
Chị Trang chia sẻ, khi ở tuần thai thứ 27, chị thấy ra máu nên gia đình vội đưa từ Lào Cai xuống thẳng BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu. Sau đó 2 ngày, chị Trang sinh con nặng có 1kg, vừa non tháng, vừa nhẹ cân.
"Chuột túi mẹ" ấp con sinh non tháng tại BV Phụ sản Hà Nội
“Lúc sinh non em vừa lo lắng vừa sợ vì không biết con bé thế có phát triển được không. Lúc sinh con ra mẹ đã không được nhìn, cô điều dưỡng quay lại clip con bé tí 1kg được cho vào túi ấp và can thiệp thở đưa lên khoa sơ sinh.
Suốt thời gian 3 tuần con nằm trong hồi sức, em thuê trọ ở ngoài, vắt sữa mang vào cho con và thường chỉ nắm tình hình của con ăn được thế nào, có phải thở oxy không, hay tự thở… qua điện thoại. Nên ở ngoài lúc nào cũng mong ngóng từng giây, từng phút được gặp con”, chị Trang nhớ lại.
Sau 22 ngày hồi sức, con được vào khu vực “ấp” cùng mẹ, lần đầu tiên được ôm con vào lòng, Trang bảo, “lúc đó chỉ biết khóc, niềm vui xen lẫn nỗi lo lắng vì không biết phải chăm con ra sao khi con bé tẹo “chỉ sợ bế lọt tay”, chưa kể loằng ngoằng nhiều ống dẫn quanh người”.
“Bác sĩ giải thích ấp tốt cho hô hấp, tim phổi của con. Tôi có tìm hiểu trên mạng và nghe theo bác sĩ. Đồng thời, nhìn thấy con mình tăng cân, có da thịt hơn. Lúc đầu lóng ngóng chạy ra chạy vào suốt. Đón bé được 2 tuần, được sự chỉ dẫn chu đáo của bác sĩ và các cô điều dường nên giờ có kinh nghiệm rồi. Con đã được 1,750gr, đang tập bú bình, bác sĩ nói nếu bé đáp ứng tốt sẽ được về ăn Tết. Thế nên rất mong ngày đoàn viên vui Xuân bên gia đình”, chị Trang tâm sự.
Nằm cùng phòng, sản phụ Lê Thị Mỹ Hạnh (41 tuổi, ở Chùa Láng) sinh con thứ 3 khi ở tuần thai thứ 28, trong trường hợp rỉ ối vào viện cấp cứu. Khi được đưa lên phòng siêu âm bác sĩ bảo mở 2 phân, thủng ối, cố gắng nằm giữ thai đến 30 tuần. Thế nhưng chỉ 1 tuần sau, tình trạng ối cạn, nguy cơ nhiễm trùng bé, chị Hạnh được chỉ định phẫu thuật bắt con. Bé gái ra đời sớm hơn dự kiến 9 tuần, với cân nặng 1,1kg.
Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của điều trị tích cực, bé gái được về bên mẹ nằm tại khu “ấp”. Dù sinh con lần thứ 3 nhưng với chị Hạnh, “việc chăm con khó khăn và nhiều lúng túng, bởi con vừa non tháng, vừa nhẹ cân. Ngay việc bế ra sao, ấp thế nào, cho ăn và theo dõi từng từng thay đổi của con cũng phải có sự hướng dẫn chi tiết từ các bác điều dưỡng”.
Chị Hạnh cho hay, “ở đây được hơn 2 tuần con đã được 1,5kg, tự thở, và tập bú. Hàng ngày bố và mẹ thay nhau ấp. Thấy con xỉnh sang hơn là thấy mừng. Tết này chỉ mong con khỏe, đón Tết ở đâu cũng vậy”, chị Hạnh nói.
Điều dưỡng Lan Anh hướng dẫn các sản phụ ấp con
Gian nan chăm sóc trẻ sinh non
Vừa quan sát, vừa hướng dẫn, chị Hà Thị Lan Anh, điều dưỡng khoa Sơ sinh thoăn thoát đôi tay làm mẫu cách chăm trẻ cho các “chuột túi mẹ”. Chị Lan Anh chia sẻ: “Các bạn sinh non đòi hỏi tỉ mỉ, chu đáo. Công việc ở đây vất vả, một tua trực có 5 cô chăm sóc 30 bạn, theo dõi cho ăn, thay bỉm, quan sát tỉ mỉ những chi tiết nhỏ. Phải nắm bắt từng bạn diễn biến trong ngày thế nào về ăn uống, hô hấp, diễn biến sức khỏe. Các bạn non tháng chăm sóc đặc thù hơn. Khu ấp này, các cô sẽ hỗ trợ tất cả các mặt giúp các mẹ tự tin để chăm được con và ra viện được về nhà với gia đình”.
BS. Quỳnh Hương, khoa Sơ sinh cho biết, “khi chưa có khu "ấp", khoa thường xuyên gặp cảnh đêm hôm các mẹ bế con nhập viện cầu cứu trong tình trạng con tím, không ăn được vì sặc sữa… Mặc dù trước khi trẻ xuất viện, các bà mẹ cũng được luyện tập và hướng dẫn cách chăm con nhưng chỉ ít buổi, chưa đủ.
Tiêu chuẩn trẻ non tháng, nhẹ cân được ra viện: Trẻ ăn được, lên cân,… mẹ tự tin chăm con là điều kiện tiên quyết, bởi khi trẻ về vẫn có thể xảy ra tình huống trẻ tím tái, sặc sữa… cần được các mẹ xử lý ngay tại nhà.
Ở khu “ấp” các mẹ được tập huấn từ việc cho ăn, giữ ấm, xử trí khi sặc sữa, biết cách cho trẻ thở khi bị tím, biết cách theo dõi con…
Bởi có trường hợp, trẻ được mẹ bế đến viện thì đã không thể cứu được cho dù nếu mẹ được tập huấn, đủ tự tin chăm con sẽ hoàn toàn xử trí cứu trẻ tại nhà”.
Còn BS. Nguyễn Ngọc Bình, khoa Sơ sinh cho biết, “lợi ích cho ấp con tốt, sẽ tăng tình cảm mẹ con, giúp hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch của trẻ phát triển toàn diện. Bạn sinh non phổi kém, ô xy kém, khi được ấp, thân nhiệt truyền ấm, dần bỏ oxy…
Theo BS. Bình, tỷ lệ sơ sinh nhập vào khoa những năm gần đây tăng lên đáng kể, thông thường là 20-30 trường hợp sinh non dưới 37 tuần, còn trẻ rất non tháng trung bình ngày 1-2 ca dưới 1 kg. Trẻ sinh non đòi hỏi chi tiết trong chăm sóc vì mọi thứ ở trẻ mong manh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận