Thế giới giao thông

Nơi người dân đi trực thăng để… tránh tắc đường

06/05/2023, 09:08

Đường thường xuyên tắc cứng hơn 200km, giới đại gia và không ít người dân tại Sau Paulo, Brasil phải chọn cách… di chuyển bằng trực thăng.

Thành phố của trực thăng

img

Di chuyển bằng trực thăng là cách tốt nhất để thoát tắc đường tại Sao Paulo

Khi đồng hồ Phòng tin tức chuẩn bị điểm 11h30 cũng là lúc cô Natalia Ariede, 26 tuổi, phóng viên làm việc tại hệ thống truyền hình lớn nhất Brasil - Globo, chuẩn bị tới hiện trường một vụ tai nạn để đưa tin.

Vài phút sau, nữ phóng viên đã ở trên độ cao 2.400 feet (731m) tại một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Cô đang tới khu vực xảy ra vụ tai nạn bằng chiếc trực thăng 4 chỗ Squirrel, được mệnh danh là “văn phòng bay” của đài truyền hình Globo.

“Dù có chuyện xảy ra ở đầu kia thành phố, chúng tôi cũng có mặt trong vòng 15 phút”, Ariede nói khi máy bay bay thẳng tới khu vực cần đưa tin.

Trong vài phút, khu vực xảy ra tai nạn đã hiện ra trước mắt. Con đường dẫn tới đây xảy ra tắc đường nghiêm trọng, nhân viên cứu hộ khẩn trương dọn dẹp hiện trường. Nếu không có trực thăng thì không biết đến bao giờ bản tin nhanh về tai nạn mới kịp phát sóng.

Đến gần 12h30, Ariede cùng trợ lý kỹ thuật rà soát mặt đất bên dưới trực thăng để tìm dấu hiệu của một ngôi nhà đã bị sập và có một nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

“Trên trực thăng, tôi tranh thủ viết xong bản tin về vụ tai nạn và tình hình giao thông ngày hôm nay”, cô Ariede chia sẻ.

Vài phút sau, chiếc Squirrel chở Ariede bay trên công trường xây dựng trong khi cô chuyển bản tin về trụ sở đài truyền hình. Từ trực thăng, có thể nhìn thấy gần chục máy bay trực thăng khác bay vụt qua đường chân trời.

Đây chỉ là một trong rất nhiều cách người dân tại TP Sao Paulo sử dụng để thoát tắc nghẽn.

Theo Cơ quan Hàng không Quốc gia Brasil, trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên (1999 - 2008), số lượng trực thăng tại Sao Paulo đã tăng từ 374 chiếc lên 469 chiếc, đưa thành phố này trở thành thủ phủ trực thăng của thế giới, vượt cả các thành phố lớn như New York hay Tokyo.

Mỗi ngày, dòng trực thăng đông đúc di chuyển tấp nập trên bầu trời thành phố đưa giới đại gia từ điểm đỗ này tới điểm đỗ khác.

Cách đi làm đặc biệt của giới đại gia

img

Đường phố Sao Paulo có thể tắc nghẽn tới 200km

Nếu như ở TP Rio de Janeiro, sự phân chia giàu nghèo thể hiện ở những ngọn đồi, khu ổ chuột nghèo khó trên đỉnh đồi nằm tách biệt với những khu chung cư giàu có bên dưới, thì ở Sao Paulo, sự phân chia giàu nghèo thể hiện qua việc sử dụng trực thăng.

Trên trời là tầng lớp đại gia, các CEO đi làm bằng trực thăng, tốc độ như gió, bên dưới là những giờ tắc đường ngột ngạt, người xe chen chúc trong màn khói bụi.

Nói về “đặc sản” tắc đường, anh Denis Cupertino, 24 tuổi một lái xe taxi ở Sao Paulo hài hước kể, anh đang tiết kiệm tiền mua máy chơi game PlayStation để chơi cho đỡ buồn khi tắc đường. “Nếu đường tắc, tôi sẽ tắt máy, ngồi chơi game vậy!”, Cupertino cười nói.

Ông Raymundo Barros, kỹ sư trưởng của Globo, người chịu trách nhiệm đội trực thăng GloboCop cho biết, trực thăng là phương tiện lý tưởng để đưa tin các vấn đề giao thông, cháy nổ và bạo loạn tại nhà tù với tốc độ nhanh chóng.

“Nếu không có trực thăng, chúng tôi sẽ mất khoảng 1 hoặc 1,5 giờ. Trong báo chí, cách biệt từng phút là có thể tạo khác biệt. Ở một thành phố như Sao Paulo, trực thăng không còn là thứ xa xỉ nữa. Đối với nhiều người, bây giờ trực thăng là phương tiện cần thiết”, ông Barros nói.

Nhiều ngân hàng và tập đoàn tại thành phố này sẵn sàng chi 1,5 triệu USD bao gồm tiền mua trực thăng, phí bảo trì và lương phi công để phục vụ và tối ưu thời gian đi lại cho các giám đốc điều hành.

Trong khi đó, các tỷ phú sẵn sàng chi hơn 6 triệu USD để mua những mẫu trực thăng mới nhất như: Dauphins, Sikorskys hay Bells có thể chở tới 12 khách để bảo đảm an toàn, thoát nỗi lo những kẻ bắt cóc có tổ chức. Giới chính trị gia, cảnh sát và bệnh viện cũng coi trực thăng là phương tiện cần thiết.

Với sự phát triển của công nghệ, người giàu Brasil còn có thể đặt trực thăng qua ứng dụng như đặt xe Grab. Giá của một chuyến trực thăng tới sân bay Congonhas trong 7 phút là khoảng 40 USD, còn 1 chuyến tới sân bay quốc tế của Sao Paulo trong 15 phút là 80 USD.

Không phận Sao Paulo ngày càng nhộn nhịp

Xu hướng sử dụng trực thăng bắt đầu xuất hiện tại Brasil từ năm 1994 sau khi Chính phủ Brasil công bố kế hoạch cải cách kinh tế. Kết quả, một loạt máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất đột ngột xuất hiện.

Vào giữa những năm 1990, gã khổng lồ máy bay trực thăng Bell của Mỹ đã tung ra hàng loạt khóa đào tạo phi công bằng tiếng Bồ Đào Nha do nhu cầu từ Brasil tăng lên.

Ông Cleber Mansur, 58 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Trực thăng Brasil kể, ông từng có nhiều năm làm phi công lái trực thăng cứu hộ tại Canada và Chile cũng như vận chuyển dầu tại Amazon. Khi hoạt động hàng không của thành phố bùng nổ, ông đã nhanh chóng chớp cơ hội quay trở lại Sao Paulo.

Ngày nay, nhờ kinh tế Brasil ổn định và tiền tệ Sao Paulo đã đạt mức cao nhất trong 9 năm so với đồng USD, không phận Sao Paulo sẽ ngày càng nhộn nhịp hơn.

Ở TP Sao Paulo với hơn 11 triệu dân và 6 triệu ô tô, tình trạng ùn tắc giao thông có thể kéo dài tới 130 dặm (hơn 209km).

Tắc nghẽn đường phố kéo giảm năng suất, lãng phí nhiên liệu và gây tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Theo ước tính gần đây của World Bank, tắc đường khiến Sao Paulo tổn thất 17,8 tỷ USD, tương đương 1% GDP của Brasil.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.