Xã hội

Nơi những mảnh đời có "H" hồi sinh

26/03/2014, 06:49

"Ở đây, chúng em được làm việc, được chia sẻ, đồng cảm, có thu nhập, nên luôn vui cười", Lê Thị Loan (sinh năm 1989) - một cô gái có HIV của xưởng may Sống tích cực đã chia sẻ...

Những người có HIV ở xưởng may Sống tích cực luôn lạc quan
Những người có HIV ở xưởng may Sống tích cực luôn lạc quan


“Nhà có nhiều cửa sổ”


Hôm chúng tôi đến, Loan và mọi người đang khẩn trương may xong 1.000 chiếc quần cho một công ty gấu bông để lấy số tiền công 450.000 đồng. Là người hài hước nhất xưởng, Loan liên tục pha trò khiến những đồng nghiệp đang cặm cụi may cũng phải bật cười, trêu đùa lại. Chồng cô là Phạm Văn Thành (SN 1987) cũng làm tại xưởng được hơn một năm. Ảnh hưởng của HIV đã khiến Thành hỏng mắt bên phải. Nhìn Loan cười vui, Thành đỏ hoe mắt: “Loan thiệt thòi quá, vì em mà Loan mới mắc căn bệnh thế kỷ này, nhưng cô ấy luôn tươi cười, động viên em và mọi người cùng vượt qua khó khăn như thế đó”. 
 

"CLB này sẽ giúp các thành viên trong xưởng may hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Đồng thời, đây là nơi để các đoàn viên, thanh niên trong phường giao lưu, chia sẻ thông tin về sức khỏe tình dục và các vấn đề xoay quanh căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS”.

 

Anh Ngô Văn Thành 
Bí thư Đoàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng

Hai năm trước, đôi vợ chồng Thành - Loan đang ngập tràn hạnh phúc sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, thì Loan nhận được “án tử” Thành đã có HIV trong một lần không giữ được mình... Vừa mới sinh, sức khỏe của Loan yếu, cú sốc lớn khiến cô suy sụp. Nhưng may mắn, cậu con trai nhỏ bé của Thành - Loan đã không bị lây HIV, và chính cậu bé là động lực để Loan gượng dậy và kéo Thành đứng lên. Hồi đầu năm 2013, hai vợ chồng Thành cùng xin vào làm may tại xưởng để tìm sự động viên, sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ. 

Hoạt động từ tháng 5/2011, xưởng may của nhóm Sống tích cực ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng hiện có 15 người làm việc hàng ngày. Đây là mô hình sinh kế mà Hội Chữ thập đỏ TP Hải Phòng hỗ trợ cho những người có HIV trong nhóm. 15 thợ may nơi đây, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều éo le. Anh Hoàng Đăng Quân (34 tuổi, quê ở Bàng La, Đồ Sơn) từng vượt biên sang Hồng Kông vào năm 2007 và bị lây HIV một năm sau đó. Một thành viên khác là em Vũ Thị Ngọc Ánh (16 tuổi, quê ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) bố mẹ em đều bị lây HIV. Bố mất vào năm 2009 cũng là lúc gia đình Ánh mỗi người một nơi. Trong khi mẹ mang theo em trai dạt về Hà Nội kiếm sống thì Ánh và chị gái về sống với bà ngoại, rồi nương nhờ cửa Phật. Không được đến trường, tuổi thơ của chị em Ánh là chuỗi ngày buồn nhiều hơn vui. Cuối năm 2012, chị em Ánh xin vào làm ở xưởng may. 

Không thể gục ngã


Chị Lê Thị Hằng (SN 1978, Phó chủ nhiệm nhóm Sống tích cực) cũng là một người bị nhiễm HIV từ người chồng nghiện ngập, hiện đã mất. Chị từng nghĩ đến cái chết nhưng vì thương cô con gái chịu cảnh mồ côi nên chị đành nuốt nước mắt vào lòng, gượng dậy sau bão tố cuộc đời. Năm 2008, chị tham gia làm tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS của CLB Hoa Hải Đường. Gặp những người đồng cảnh ngộ, lắng nghe những câu chuyện tận đáy tâm can, chị Hằng thấy niềm khát khao sống và vươn lên của những người có HIV mãnh liệt vô cùng. “Ai cũng có những nỗi khổ riêng nhưng trong lúc đau buồn nhất thì phải quyết không gục ngã. Đó như là sự vùng vẫy để chạy thoát nhưng cũng là cơ hội cuối cùng để làm một việc có nghĩa cho đời”, chị Hằng tâm sự.


Xưởng may của nhóm Sống tích cực hiện được đặt ở căn nhà rộng hơn 30m2 của trưởng nhóm Đoàn Thị Khuyên. Để đảm bảo công ăn việc làm, duy trì hoạt động của xưởng, các thành viên trong nhóm phải chủ động đến các công ty đặt vấn đề may gia công cho họ. Ngoài ra, mọi người còn mua vải về may quần áo, rồi tranh thủ làm hoa giả để mang ra chợ bán. Nhiều người biết tới nhóm cũng đã mua đồ hoặc đặt hàng may quần áo như một cách ủng hộ. 


Đầu tháng 12/2013, Đoàn Thanh niên phường Anh Dũng đã ký quyết định thành lập CLB Thanh niên sống tích cực ngay tại xưởng may đặc biệt này. Theo anh Ngô Văn Thành - Bí thư Đoàn phường Anh Dũng: “CLB này sẽ giúp các thành viên trong xưởng may hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Đồng thời, đây là nơi để các đoàn viên, thanh niên trong phường giao lưu, chia sẻ thông tin về sức khỏe tình dục và các vấn đề xoay quanh căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS”.


Anh Quân
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.