Hàng nghìn nữ phi công vừa chớm hạnh phúc khi hiện thực hóa giấc mơ bay lượn trên bầu trời, khẳng định vị thế của phái yếu nay lại ngậm ngùi vì trở thành những cá nhân nằm trong danh sách giảm biên chế đầu tiên.
Những giấc mơ không trọn vẹn
Với Megyn Thompson (32 tuổi), 2019 là một năm đáng nhớ khi cô đã biến giấc mơ cả đời - làm phi công lái máy bay thương mại - thành hiện thực. Megyn là một trong hàng nghìn phụ nữ trên toàn cầu được tuyển dụng làm phi công, trong các chiến dịch cân bằng nữ quyền của ngành hàng không nổi rần rần suốt nhiều năm qua.
Để lấy được bằng lái, người phụ nữ 32 tuổi đã hoãn kế hoạch sinh con, dành toàn lực phấn đấu đạt đủ số giờ bay quy định. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, Megyn Thompson được tuyển vào hãng hàng không khu vực PSA thuộc hãng bay American Airlines.
Nhưng, niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu khi dịch bệnh ập đến. Megyn Thompson là một trong ít nhất 600 nữ phi công tại Mỹ phải tạm nghỉ việc từ ngày 1/10 trong bối cảnh chính phủ không rót thêm trợ cấp tiền lương hoặc đạt được thỏa thuận với công đoàn ngành hàng không vào những thời điểm khó khăn. Người mẹ 3 con (đều là nhận nuôi) giờ đây phải xoay xở xin việc mới tại các công ty không liên quan tới hàng không như: Amazon, Kellogg và PepsiCo.
Riêng tại Mỹ, 2 hãng hàng không hàng đầu (American Airlines và Delta Air Lines) vừa thông báo kế hoạch cho hơn 3.000 phi công tạm nghỉ vào thời điểm gói hỗ trợ của chính phủ hết hạn trong tháng này. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ chiếm đa phần danh sách.
Theo thỏa thuận cho nghỉ việc giữa hai hãng hàng không và công đoàn, yếu tố quyết định ai phải nghỉ việc phụ thuộc vào thâm niên, không tính đến chủng tộc, tuổi tác hay giới tính. Điều này đồng nghĩa với việc những người mới tuyển sẽ phải nghỉ việc trước. “Trong khi tỉ lệ nữ tân binh cao hơn nhiều so với trước đây, xuất phát từ các chương trình tuyển dụng từ năm ngoái”, Hiệp hội Phi công Nữ Quốc tế (ISWAP) cho biết. Do đó, họ sẽ là những người phải ra đi đầu tiên.
Megyn Thompson có mức thâm niên thấp nên rơi đúng vào danh sách phải nghỉ việc của công ty. Hãng bay mà cô phục vụ dự định sẽ cắt khoảng 35% tổng số phi công.
Ngoài tạm nghỉ, thời gian này, còn nhiều nữ phi công khác quyết định nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ hẳn việc trong lúc các hãng bay gặp khó khăn. Nữ phi công thương mại đầu tiên của Australia, Cơ trưởng Deborah Lawrie là 1 trong 220 phi công phải nghỉ việc vào tháng 4 vừa rồi khi hãng bay giá rẻ TigerairAustralia đóng cửa.
Gốc rễ nằm ở đâu?
Nguyên nhân sâu xa đập tan giấc mơ bay của nhiều nữ phi công chính là đại dịch Covid-19. Đại dịch lan ra toàn cầu đã chuyển đổi nhu cầu phi công trên thế giới từ thiếu hụt trầm trọng sang thừa thãi.
Trước khủng hoảng, ngành vận tải hàng không quốc tế phát triển với mức kỷ lục 5%/năm, phát sinh nhu cầu 804.000 phi công trong 20 năm tới, theo ước tính từ Công ty Boeing.
Chính nhu cầu đã đưa việc tuyển dụng nữ vào vị trí phi công lên chương trình nghị sự hàng đầu của rất nhiều hãng hàng không nói riêng, thậm chí ở tầm cỡ quốc gia. Bất ngờ, dịch bệnh Covid-19 ập tới, làm chao đảo ngành hàng không đến mức, phần lớn dự đoán đều cho rằng phải tới năm 2024, lưu lượng vận tải bằng máy bay mới đạt về mức trước dịch (năm 2019).
“Năm nay, chúng tôi đã dự định mở một chiến dịch thật lớn để thu hút thêm phi công mới nhưng cuối cùng đã phải tạm ngừng vì dịch bệnh”, phi công Australia Davida Forshaw, người đứng đầu bộ phận Đào tạo và Phát triển tại ISWAP cho biết.
Dù American Airlines từ chối bình luận trực tiếp về vấn đề này nhưng theo một phát ngôn viên, dữ liệu công đoàn của hãng cho thấy, số lượng nữ phi công thời hậu sa thải sẽ giảm chỉ còn chiếm 4,9% so với mức 5,1%.
Nữ phi công được ca ngợi như anh hùng cũng phải nghỉ việc
Tammie Shults, một trong những cơ trưởng nữ phi công hiếm hoi khác, từng được ca ngợi là anh hùng khi bình tĩnh hạ cánh thành công một chuyến bay của Southwest Airlines gặp trục trặc nghiêm trọng vào năm 2018, cũng vừa buộc phải quyết định nghỉ hưu sớm. “Việc vừa phải cân bằng gia đình và công việc trong khi đặc thù công việc đòi hỏi di chuyển liên tục, đã trở thành thách thức vô cùng lớn với những nữ phi công. Chưa kể, dịch bệnh càng hoành hành, triển vọng nghề nghiệp càng bấp bênh”, Tammie Shults chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận