Bộ trưởng Đinh La Thăng tiễn đoàn tàu SE3 - đoàn tàu cuối cùng trong năm 2014 Âm lịch - xuất phát tại ga Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh 22h đêm 30 Tết Ất Mùi (ngày 18/2/2015) - Ảnh: Thiện Anh |
Vui “Tết Quang Trung”
Đây là cách gọi vui của anh em lái tàu các xí nghiệp đầu máy, nhất là các xí nghiệp đảm nhận nhiệm vụ kéo tàu trên tuyến Bắc - Nam khi đón Tết trên tàu. Anh Lê Xuân Linh, Quản đốc Phân xưởng Vận dụng Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cho biết, từ này có lẽ xuất phát từ truyền thống của một số xí nghiệp đầu máy tổ chức ăn Tết sớm cho anh em lái tàu.
Xưa, Vua Quang Trung cho khao quân trước Tết Kỷ Dậu (1789) để khích lệ tinh thần tướng sĩ trước khi tiến quân ra thành Thăng Long, đại phá quân xâm lược nhà Thanh. Kết quả, chỉ trong 5 ngày, 20 vạn quân Thanh đã thua trận tan tác. Nay, các xí nghiệp đầu máy tổ chức lễ ra quân chạy tàu Tết động viên anh em lái tàu yên tâm đưa tàu đi - đến an toàn.
"Tình hình chung của ngành Đường sắt còn khó khăn, thị phần, doanh thu còn thấp. Lái tàu Tết áp lực nặng nề, vừa phải đảm bảo an toàn, vừa phải đảm bảo thời gian hành trình, đi - đến đúng giờ. Mấy ngày Tết, người ta sum họp gia đình, mình rong ruổi theo tàu. Nhưng với mình, đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vui vì góp phần đưa bà con về đón Tết với gia đình bình an." Anh Ngô Anh Phương |
Anh Linh kể, năm nào cũng vậy, trước khi vào chiến dịch vận tải Tết, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng lại tổ chức lễ ra quân, gọi vậy cho long trọng, chứ thực chất là gặp mặt anh em lái tàu cùng gia đình. Xí nghiệp mời vợ con anh em lái tàu từ các khu vực về dự, tổ chức đưa đón, chỗ ăn, nghỉ chu đáo. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo xí nghiệp gửi lời cảm ơn đến “hậu phương” vững chắc của anh em đã thông cảm với đặc thù nghề nghiệp của chồng, hầu như Tết nào cũng vắng bóng người chồng, người cha. Kết thúc lễ ra quân là bữa tiệc cuối năm ăn Tết sớm, giản dị nhưng đầm ấm.
Anh Lý Tường Liêm, công nhân lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn khoe: “Hôm 21/1 vừa rồi, xí nghiệp tổ chức ra quân phục vụ chiến dịch vận tải Tết, mời cả bà xã các anh em lái tàu khu vực Sài Gòn đến dự. Rồi Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Tá Tùng, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Mai Thành Phương cũng đến dự, chung vui. Xí nghiệp đã phát lương, thưởng đợt đầu trước Tết, bình quân mỗi anh em lái tàu được khoảng 14 triệu đồng. Anh em phấn khởi lắm…”.
“Nghề lái tàu vốn đã vất vả, căng thẳng, lái tàu Tết lại càng áp lực. Vì vậy, cái chính vẫn là quan tâm, lo Tết cho anh em để anh em yên tâm đi tàu”, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng Lê Văn Tiến chia sẻ và cho biết thêm, bên cạnh việc chăm lo về vật chất, chuyên môn và công đoàn xí nghiệp thực hiện nhiều hoạt động động viên về tinh thần như: Trao quà Tết tại các trạm đầu máy; Đi áp máy (cùng trên cabin đầu máy kéo tàu với ban máy) vừa là kiểm tra, vừa là động viên lái tàu; Thăm hỏi các gia đình công nhân lái tàu có hoàn cảnh khó khăn, gia đình các lái tàu đi tàu đêm Giao thừa, mùng 1 Tết...
Cũng là đơn vị chủ lực tham gia kéo tàu tết tuyến Bắc - Nam nhưng Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội không tổ chức lễ ra quân do lực lượng công nhân lái tàu đông, lại phân ra trên các tuyến phía Bắc. “Tuy vậy, việc chăm lo Tết cho công nhân lái tàu vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội Đậu Hồng Điệp chia sẻ.
Ông Điệp cho biết, xí nghiệp quan tâm đảm bảo điều kiện ăn nghỉ tại các trạm đầu máy sao cho anh em xuống ban được nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe tốt khi lên ban lái tàu. Phân chia thu nhập Tết đợt đầu sớm, năm nay bình quân khoảng 10 triệu đồng để anh em lo Tết trước cho gia đình…
Vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui
Những ai dù chỉ một lần đặt chân lên đầu máy, theo những người lái tàu mới thấy hết những áp lực, căng thẳng mà người lái tàu phải đối mặt. Trên cabin đầu máy chật hẹp, mùa hè nóng như nung, như đốt, mùa đông trên đất Bắc rét cắt da, cắt thịt. Đập vào tai là cả mớ âm thanh ầm ầm, hỗn độn: Tiếng bánh sắt đập, nghiến trên thanh ray, tiếng còi tàu như ép vào lồng ngực, tiếng động cơ đầu máy… Quá trình ngồi trên cabin bám máy bám đường căng thẳng, không chỉ tập trung cao độ mắt nhìn, quan sát, tay điều khiển, miệng hô - đáp liên tục, mà còn phải cho tàu chạy đúng tốc độ, thời gian quy định. Trong khi đó, đường ngang, đường dân sinh dày đặc, nguy cơ tai nạn rình rập, xảy ra không biết lúc nào.
“Tết đến tăng tàu, anh em cũng phải tăng ban, tăng chuyến. Mà mật độ người và phương tiện giao thông đường bộ qua lại đường ngang dịp Tết càng đông nên lái tàu chúng tôi càng áp lực”, anh Đoàn Ngọc Thạch (Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) đã 33 năm kinh nghiệm lái tàu chia sẻ.
Hiểu được áp lực ấy nên lực lượng lái tàu Tết luôn nhận được sự động viên của lãnh đạo ngành Đường sắt. Ngoài quà công đoàn gửi tặng các ban máy lên ban đêm Giao thừa, công đoàn các xí nghiệp cũng tặng quà các ban máy, năm thì bao lì xì, năm thì túi quà Tết. Trong những ngày Tết như: Đêm Giao thừa, mùng 1, mùng 2…, ngoài chế độ ăn ca của ngành quy định, tại các trạm đầu máy tổ chức “ăn tươi”, tăng thêm tiền ăn cho anh em từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày/người; Tăng thêm thu nhập làm Tết… “Đúng đêm Giao thừa, lãnh đạo xí nghiệp, lãnh đạo các trạm tổ chức đón Giao thừa, chúc Tết và lì xì anh em lái tàu, CBCNV các trạm trên toàn tuyến, kể cả anh em lái tàu các xí nghiệp khác nghỉ tại trạm”, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng Lê Văn Tiến cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận