Các phi công của Đoàn bay 919 và tiếp viên của Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines |
Tết đến, hàng triệu hành khách trong và ngoài nước chọn máy bay là phương tiện về quê sum vầy cùng gia đình. Trên những chuyến bay đó, hàng nghìn phi công của các hãng hàng không đã phải chấp nhận thiệt thòi, làm việc xuyên giao thừa để có những chuyến bay đoàn tụ.
Không còn buồn khi phải bay Tết
Anh Lại Tuấn Nam, Cơ phó Airbus 350 (Đoàn bay 919, Vietnam Airlines) có 6 năm bay cho Vietnam Airlines, tất cả mọi năm đều tham gia bay Tết. Anh Tuấn Nam cho biết, không riêng gì anh mà tất cả các phi công của VNA đều phải thực hiện những chuyến bay Tết. Anh chia sẻ: Những năm đầu bay chuyến bay xuyên Giao thừa, tâm trạng anh rất bâng khuâng, phảng phất nỗi buồn. Nhìn bạn bè post ảnh với vợ con đầm ấm ở nhà, ở chợ hoa, resort hay khu vui chơi, du lịch... khiến bản thân cùng những phi công khác có chút chạnh lòng. Thế nhưng khi vào công việc là quên hết để tập trung cho nhiệm vụ đưa hàng trăm hành khách đoàn tụ cùng gia đình.
“Thời gian đầu, từ chỗ phải chấp nhận thực hiện nhiệm vụ, đến nay sau khi trải nghiệm thực tế, được lãnh đạo các cấp quan tâm hơn. Ngoài ra, khi đón Giao thừa trên máy bay được nhận từ hành khách những lời chúc tốt đẹp, được thấy những khuôn mặt rạng ngời của người xa xứ về quê hương, đoàn tụ với gia đình, tôi không còn cảm thấy buồn nữa mà càng ngày càng sâu sắc hơn ý nghĩa và trách nhiệm công việc mình đang làm”, anh Tuấn Nam tâm sự.
Với anh Hà Nguyên Bình, Cơ trưởng máy bay Boeing 787, có 25 năm kinh nghiệm bay, đã từng ăn Tết ở nước ngoài nhưng mỗi khi Tết đến cũng thấy xốn xang. Anh Bình tâm sự: Tết nhất ai cũng muốn ở nhà với gia đình, về thăm quê, hương khói ông bà, đó là tâm lý chung của người Việt, nhưng mình làm lâu rồi cũng quen, khi vào bay là quên hết, chỉ tập trung cho nhiệm vụ. “Cũng có những lần ăn Tết trên bầu trời, điều đó không phải ai cũng có được. Có lần thực hiện chuyến bay xuyên Giao thừa, khi đến địa phận Ấn Độ là thời khắc Giao thừa, cả tổ bay chúc mừng nhau. Tổ tiếp viên chúc mừng hành khách và nhận được những lời chúc trở lại và cảm thấy rất hạnh phúc”, anh Bình chia sẻ.
Anh Hà Nguyên Bình, Cơ trưởng máy bay Boeing 787, có 25 năm kinh nghiệm bay và nhiều năm ăn Tết xa nhà, có những lần đón Giao thừa trên không trung |
Hậu phương, lãnh đạo là nguồn động viên để yên tâm bay
Anh Tuấn Nam chia sẻ: Những năm đầu phải xa nhà trong dịp Tết, vợ anh cũng cảm thấy khá hụt hẫng khi không có chồng chia sẻ công việc nhà, đưa đi thăm họ hàng… Nhưng dần dần cô ấy cũng hiểu và cảm thông hơn với công việc mà anh đang làm. Con thì còn quá bé nên chưa hiểu rõ nhiều nhưng cũng quen với việc thường xuyên bố vắng nhà. “Vợ mình là nguồn động viên giúp đỡ nhiều cho mình trong cuộc sống cũng như trong công việc. Gia đình mình vẫn đón Tết ở quê, mọi công việc 2 bên cô ấy đều quán xuyến hết, cố gắng để mình tập trung thực hiện nhiệm vụ”, anh Tuấn Nam tâm sự.
Với cơ trưởng Hà Nguyên Bình, khi hành khách lên máy bay về quê cũng khiến bản thân nôn nao. Nhưng vào thời điểm như vậy các phi công phải đặc biệt tập trung, không để chuyện Tết nhất, gia đình làm sao nhãng. Quy định của ngành Hàng không yêu cầu phi công 8 giờ trước khi bay không được sử dụng rượu, bia. Vì vậy, các phi công dù đã hạ cánh, nghỉ ngơi cũng không được vui say quá đà. Trách nhiệm với hàng trăm hành khách ngồi phía sau khiến người phi công có một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm với công việc, trong quá trình nghỉ ngơi bù khú với bạn bè, người thân cũng không được quá chén, ảnh hưởng đến lịch bay sắp tới.
“Những khi hạ cánh, đặc biệt là khi điều khiển tàu bay từ quốc tế về Việt Nam dịp Tết tôi thường nán lại một chút ở nhà ga để quan sát hành khách là những Việt kiều về quê. Thấy những bà con xa xứ lâu ngày về quê đón Tết, được người thân gia đình đón tại sân bay, họ ôm chầm lấy nhau rất hạnh phúc, mừng rơi nước mắt, bản thân mình cũng cảm thấy vui lây. Đó là động lực để những năm sau mình tiếp tục bay Tết”, anh Bình bật mí.
Ông Tô Ngọc Giang, Đoàn trưởng Đoàn bay 919 cho biết, với lực lượng phi công hiện có của Vietnam Airlines nên vào cao điểm dịp Tết đoàn bay phải xếp lịch bay rất chi tiết, ngoài ra còn tổ chức các tổ bay dự bị để không bị động khi có tình huống phát sinh. Hàng năm cứ đến dịp Tết, đoàn bay có thông báo đến tất cả phi công, ai có các việc riêng quan trọng như cưới hỏi, giỗ chạp… dịp Tết thì đăng ký trước, tinh thần là ai các năm trước đã xin nghỉ thì năm nay nhường cho người khác. Sau đó Đoàn bay sẽ xếp lịch, công khai cho tất cả mọi người đều biết. Đoàn bay cũng cố gắng xếp lịch làm sao để mỗi phi công có ít nhất 2 ngày nghỉ Tết theo lịch của Nhà nước.
Trước dịp bay Tết, lãnh đạo Vietnam Airlines và đoàn bay đều tổ chức chúc Tết tổ bay trước khi đi bay. Tối 30 Tết, lãnh đạo tổng công ty và đoàn bay trực tiếp ra sân bay chúc các tổ bay hoàn thành tốt nhiệm vụ của những chuyến bay xuyên Giao thừa. Sáng mồng 1 Tết, khi các tổ bay về đến sân bay cũng được đón tiếp chu đáo. “Nghề phi công nói riêng và ngành hàng không nói chung là ngành dịch vụ, vì vậy vào dịp lễ, Tết tất cả mọi người đều có tâm lý sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần cao nhất. Lãnh đạo tổng công ty và đoàn bay cũng kịp thời động viên các tổ bay, phi công để họ yên tâm tập trung cao nhất để có những chuyến bay an toàn, đưa người dân về sum họp gia đình dịp Tết cổ truyền của dân tộc”, ông Giang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận