Ông Hoàng Đình Kế, đại diện doanh nghiệp vận tải Thanh Hóa phát biểu tại cuộc đối thoại chiều 1/3 |
Chiều qua (1/3), lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp vận tải có xe điều chuyển luồng tuyến. Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội cam kết tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN.
Vẫn chuyện bến vắng, khách thưa, ngân hàng thúc nợ
Báo cáo với đại diện Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, đại diện doanh nghiệp (DN) vận tải Thái Bình cho biết, sau gần 60 ngày chuyển về bến Nước Ngầm, DN đang đối diện với rất nhiều khó khăn. “Vấn đề giá và phí cao nhưng chưa phải là chính yếu. Quan trọng bến không có khách. Ngày lễ, Tết cũng vắng chưa nói ngày thường. Trong khi đó, DN vận tải khách nào cũng đang phải vay nợ ngân hàng, người ít vài tỷ đồng, nhiều hàng chục tỷ đồng”, vị này nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty Mạnh La cụ thể hơn: “Xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tràn lan mà không được xử lý. Phương tiện công cộng kết nối đến bến không có, xe khách liên tỉnh về đây mất khách là đương nhiên”. Ông La cũng đề nghị xin được trở lại bến Mỹ Đình. “Nếu không được, đề nghị Hà Nội mua lại toàn bộ 600 xe khách của chúng tôi để chúng tôi trả nợ ngân hàng”, ông La nói.
Sau 4 ý kiến nữa của các DN về chủ trương, lộ trình thực hiện chưa phù hợp, chưa tính đến lợi ích của DN khi điều chuyển,... Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện một lần nữa khẳng định, điều chuyển luồng tuyến xe khách là một trong số các giải pháp chống ùn tắc tại Hà Nội. “Kết cấu hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu tăng lên của phương tiện. Phương tiện tăng quá năng lực của hạ tầng phải tổ chức lại giao thông. Nhiều tuyến đường đã cấm xe tải, taxi và xe khách. Tuyến vành đai 3 thường xuyên ùn tắc, nhất là ở ngã tư Trung Hòa - Phạm Hùng. Do vậy, UBND TP đã thống nhất phải điều chuyển xe khách theo quy hoạch”, ông Viện lý giải.
Khảo sát lại hoạt động của bến Mỹ Đình, Nước Ngầm
Chia sẻ với khó khăn của DN, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, ông đã trực tiếp thị sát bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình. “Tôi đã lên từng xe khách và thấy rằng khách rất ít. DN khó khăn là đúng. Tôi rất chia sẻ về điều này”, ông Hùng nói và khẳng định, sẽ cùng Bộ GTVT tiếp thu toàn bộ ý kiến của DN để báo cáo Thủ tướng.
Ông Hùng cũng khẳng định, ngay tuần này sẽ giao nhiệm vụ cho CATP và thanh tra giao thông xử lý nghiêm xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình đón khách. “Xe nào đón khách sai quy định, đón khách dọc đường sẽ giữ luôn”, ông Hùng nói và cam kết tổ chức ngay các tuyến buýt kết nối bến xe Mỹ Đình với Nước Ngầm. “Tại tuyến xe buýt này, hành khách được phép mang hành lý phù hợp, giá vé như xe buýt nội thành”, ông Hùng cho biết.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, việc điều chuyển luồng tuyến được thực hiện theo đúng chủ trương của UBND TP Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông, tránh xe khách đi xuyên tâm trên đường vành đai 3. Đến ngày 12/2 đã điều chuyển 623/628 nốt tuyến, chiếm trên 99%. Còn 5 nốt doanh nghiệp không thực hiện điều chuyển. Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản phối hợp với Sở GTVT Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai xử lý theo quy định. |
Bất chấp cam kết của Phó chủ tịch Hà Nội, nhiều DN cho rằng, khó có thể xử được xe dù, bến cóc, đồng thời bày tỏ mong muốn được về bến xe Mỹ Đình cho đến khi nào việc kết nối phương tiện tới bến xe Nước Ngầm đầy đủ, thuận tiện mới điều chuyển.
Sau khi lắng nghe toàn bộ các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, sẽ nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của DN, báo cáo Thủ tướng. “Ngay ngày mai, Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Hà Nội sẽ khảo sát cụ thể bến xe Nước Ngầm và Mỹ Đình để có con số chính xác nhất về lượng khách, hoạt động của các xe... Rà soát chi phí bến bãi sao cho hợp lý nhất”, Thứ trưởng Trường nói, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp khi thực hiện điều chuyển cần tôn trọng các quy định của pháp luật.
“DN không nên mang xe ô tô xếp thành hàng dài trên đường phản ứng quyết định điều chuyển của thành phố gây mất ATGT và an ninh trật tự, làm mất đi hình ảnh của DN. Việc điều chuyển là chủ trương của TP Hà Nội và DN phải chấp hành. Khi có khó khăn sẽ điều chỉnh, tìm cách tháo gỡ”, Thứ trưởng Trường nói và nhấn mạnh: Chủ trương khi điều chuyển là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.
Về đề xuất quay trở lại bến Mỹ Đình của DN, Thứ trưởng cho rằng, tuyến đường vành đai 3 kết nối với QL1 thường xuyên xảy ra ách tắc, thậm chí ùn tắc kéo dài vài chục phút. Xe khách đi trên tuyến này sẽ lại càng ùn tắc thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận