Ảnh minh họa |
Mạng xã hội là một phát minh vĩ đại của nhân loại giúp con người trên thế giới xích lại gần nhau. Nó mang lại nhiều niềm vui, hiểu biết, thấu cảm và cả một kho tàng kiến thức, thông tin vô tận.
Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt sau của nó, nhiều khi nó trở nên lạnh lùng và tàn nhẫn đến nghiệt ngã.
Chính vì thế, nhiều người, kể cả người dân và cả cán bộ rất dị ứng với mạng xã hội. Cụm từ “lên mạng nói xấu” trở thành câu cửa miệng của những người “chống mạng”.
Nhưng thế nào là nói xấu?
Không cần tra từ điển, cách hiểu thông thường nhất nó là bịa ra, phóng đại một câu chuyện tiêu cực rồi mang đi rêu rao với người khác. Cách rêu rao cho nhiều người biết nhất là đưa lên mạng xã hội.
Một cách nôm na là dựng chuyện để phỉ báng người khác vì động cơ cá nhân.
Đó là một hành động xấu cần lên án. Nhưng ngày nay, có vẻ như rất nhiều người hiểu sai hoặc đang cố tình hiểu sai khái niệm này. Họ gom việc nói xấu “vào một rổ” với chuyện bị nói đúng cái xấu của mình để rồi tìm mọi cách xử lý, xử phạt hoặc ngăn chặn.
Ví dụ, một cơ quan ban hành văn bản pháp luật mà viết sai chính tả, ngữ pháp; một cơ quan dự thảo thông tư lại quy định trên cả luật... được người khác chỉ ra thì đó là nói đúng cái sai của cơ quan đó, dù vì thế, uy tín của cơ quan đó bị ảnh hưởng thì cũng không quy cho người ta nói xấu mình được.
Một cán bộ bị bắt quả tang trên giường nhà nghỉ với vợ người khác bị tung lên mạng với đầy đủ bằng chứng thì đó không phải là nói xấu mà nói đúng cái xấu.
Cách đây chưa lâu, một người dân bị cơ quan chức năng Cần Thơ mời lên làm việc vì đưa lên mạng xã hội hai bức ảnh hàm ý so sánh cái cổng chào ở Cần Thơ giống như đồ lót phụ nữ. Người này không gỡ ảnh thậm chí còn đưa thông tin vụ việc lên mạng khiến chính quyền Cần Thơ chịu búa rìu dư luận một thời gian dài. Hay như việc bác sỹ Hoàng Công Truyện bị yêu cầu viết bản kiểm điểm vì phê bình Bộ trưởng ngành mình trên mạng, rồi một người dân bình luận vẻ mặt kênh kiệu của Chủ tịch tỉnh bị phạt 5 triệu đồng.
Thực tế, có nhiều câu chuyện, nhiều sự việc nhờ mạng xã hội mà các đơn vị, cá nhân lắng nghe, nhận ra và tiếp thu, sửa chữa.
Bất kỳ một sự việc gì mỗi người hiểu về nó cũng không hoàn toàn nhất quán. Nhiều sự việc nhạy cảm, nhiều câu chữ đa nghĩa... được cư dân mạng bình luận đa chiều, đúng có, chưa đúng có, sai có... nếu biết lắng nghe, sẽ có thêm nhiều kiến thức.
Nếu thày cô có những điều chưa đúng, hành xử không đúng mực... mà học sinh đưa lên mạng đúng bản chất sự việc thì đó cũng không phải nói xấu thày cô dù vị trí học sinh khác thày cô rất nhiều. Mới đây nhất là sự việc xôn xao dư luận ở Thanh Hóa, khi 7 em học sinh bị cho nghỉ học vì nói xấu giáo viên trong một nhóm kín trên mạng xã hội. Rất mừng là sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh này đã yêu cầu nhà trường thu hồi quyết định xử phạt trên.
Tuy nhiên, phải thừa nhận có một tình trạng là “chuyện gì cũng đưa lên mạng” mà không cần biết đến hậu quả của nó. Chuyện cá nhân có thể gặp nhau giải quyết, chuyện cơ quan có thể góp ý trong cuộc họp nhưng nhiều người đã không làm như thế, đụng cái là đưa lên mạng cho đã.
Có chuyện đưa lên mạng không sai nhưng nó tàn nhẫn. Ví dụ, soi mói cuộc sống riêng tư, khơi sâu bi kịch của người khác. Ai nói một câu làm mình tổn thương cũng khiến mình dằn vặt, mất ngủ, huống chi mang chuyện đó phơi bày lên chỗ công khai.
Suy cho cùng, tất cả đều nằm ở văn hóa của mỗi người, cả người viết và người đọc.
Người phê bình nên cân nhắc, đặt mình vào vị trí người bị phê bình; người bị phê bình nên bình tĩnh tiếp nhận và ứng xử.
Thế giới phẳng, chúng ta phải chấp nhận sống chung với ý kiến đa chiều. Phản biện, xét về bản chất là để làm xã hội phát triển hơn.
Bóp nghẹt ý kiến đa chiều một cách thiếu hiểu biết là kìm hãm sự phát triển và kìm hãm cả trí tuệ của ta.
Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, làm gì cũng phải có văn hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận