Tạo khối, cụm du lịch an toàn
Liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kỳ cựu về hàng không chia sẻ: Theo dõi cách làm của các nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore... là tạo ra những “Travel bubbles” (khối, cụm du lịch an toàn).
Đây là những thoả thuận song phương hoặc đa phương để quy định rõ những quy định về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các quy định phòng và kiểm soát dịch. Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết như thế mới tạo được niềm tin cho người đi lại về quy định rõ ràng, đi lại an toàn.
Nếu không, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng các nước không có bắt buộc về giãn cách nhưng người dân sẽ tự giãn cách, họ sẽ không thấy an toàn khi đi lại và họ sẽ không đi. Trong trường hợp đó, các hãng cũng không có khách để mà bay, hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì càng bay càng lỗ.
Về e ngại mở lại đường bay quốc tế sẽ khiến dịch dịch Covid-19 được “nhập khẩu” về Việt Nam, ông Nam khẳng định: Việc mở cửa hàng không có nhập dịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở.
Thứ hai là chúng ta thoả thuận với các quốc gia đó về những quy trình về việc 2 bên phải làm. Vậy nên, không thể nói chung chung là mở cửa sẽ nhập dịch về nếu công tác phối hợp kiểm dịch giữa các quốc gia tốt. Đấy là lý do tại sao Malaysia và Singapore mở được mà không quá lo ngại.
Cụ thể, Malaysia và Singapore mở cửa thông thương cả đường bộ với số lượng người qua lại rất nhiều nhưng họ có những thoả thuận về quy trình mà 2 bên phải làm nên không sợ việc xuất nhập khẩu dịch qua lại giữa hai quốc gia. Quan trọng là những thoả thuận này phải chi tiết và tỷ mỷ, là sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm dịch, các đơn vị khác tham gia vào công tác phòng chống dịch ở nước ta và các nước đối tác.
Đừng thận trọng đến đến mức không làm gì hoặc chỉ mở lại đường bay kiểu hình thức
Cũng theo ông Nam, Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch.
“Chúng ta nên tìm ra những thoả thuận với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch càng sớm càng tốt để mở cửa trên những nguyên tắc rất chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và cách mở phải tạo được niềm tin cho người đi lại và người dân thì lúc đó mới có thị trường được”, ông Nam nói và nhấn mạnh: Thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị thiệt hại không đáng có. Thận trọng có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội, thiếu những sự sáng tạo cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay.
Nếu chúng ta không tiếp cận bay quốc tế đón khách du lịch theo khối, cụm du lịch an toàn trên cơ sở thoả thuận song phương hoặc đa phương thì không khu vực nào trên thế giới hiện nay có thể mở được chuyến bay quốc tế. Và, chúng ta sẽ lại bỏ lỡ cơ hội phục hồi hàng không, du lịch và phát triển kinh tế.
Cục Hàng không VN vừa báo cáo Bộ GTVT việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam.
Theo đó, với kế hoạch do Vietnam Airlines và Vietjet Air đệ trình, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ 3,4,5 (tổng số tối đa là 1.304 ghế) và có 5 chuyến bay hạ cánh Tp. HCM vào các ngày thứ 3 (02 chuyến); 4, 5, 6 (tổng số tối đa 1.290 ghế).
Đối với phía nước ngoài, ngày 11/9/2020, Cục Hàng không VN đã có thư chính thức gửi Nhà chức trách hàng không 4 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác. Các đối tác đều nhất trí với phương án mà Việt Nam đưa ra.
Theo đó, phía Trung Quốc chỉ định hãng hàng không China Southern Airlines (CZ) khai thác đường bay Quảng Châu- Tp. Hồ Chí Minh với tần suất 1 chuyến/tuần.
Nhật Bản chỉ định Japan Airlines (JL) và All Nippon Airways (NH) khai thác luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và Tp. HCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.
Hàn Quốc sẽ thông tin về các hãng hàng không chỉ định trong thời gian tới.
Phía Đài Loan cũng đã chỉ định China Airlines (CI) và Eva Air (BR) khai thác Đài Bắc đến Hà Nội và Tp. HCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Kế hoạch khai thác cụ thể sẽ được các hãng hàng không đệ trình Cục Hàng không VN trong thời gian sớm nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận