Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura dự báo kinh tế châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nhu cầu hàng hoá từ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu - giảm; ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine và tình trạng tăng giá năng lượng, lương thực.
Nomura dự báo kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu suy thoái vào nửa cuối năm 2022 và tình trạng này sẽ kéo dài tới mùa hè năm 2023, với GDP giảm 1,7%.
Cơ sở lưu trữ khí đốt Haidach gần thị trấn Straßwalchen, Áo. Ảnh- AFP
Ông George Buckley, nhà kinh tế thuộc Nomura, cho rằng châu Âu đang gặp nhiều khó khăn với những vấn đề thuộc quy mô toàn cầu như lạm phát, giá năng lượng tăng cao, bất ổn địa chính trị dẫn tới khả năng các nền kinh tế châu Âu sẽ lâm vào cảnh suy thoái giống như Mỹ.
Lạm phát hàng năm ở khu vực đồng euro lên đến mức 8,6% vào tháng 6 - cao nhất kể từ năm 1999.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan Chase cho rằng tình hình có thể khó khăn hơn nếu Nga giảm nguồn cung dầu mỏ ra thị trường thế giới. Nếu Nga giảm nguồn cung xuống còn 5 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể tăng gấp 3 tới 380 USD/thùng.
Đồng quan điểm trên, các nhà kinh tế học Kay Neufeld và Jonas Keck thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế cho rằng khả năng châu Âu lâm vào suy thoái là khoảng 40%.
Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, các nước châu Âu cáo buộc Nga đã giảm dần lượng khí đốt cung cấp cho khu vực để đáp trả trừng phạt.
Chẳng hạn, đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức sẽ ngừng hoạt động trong 10 ngày bắt đầu từ 11/7 để bảo trì thường niên theo kế hoạch. Song Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Chính phủ Đức quan ngại Nga có thể không mở lại đường ống, dẫn đến khả năng Đức bị thiếu năng lượng vào mùa đông.
Hãng tin Guardian cũng chỉ ra, Nga cũng đã cắt khí đốt qua đường ống TurkStream tới Bulgaria và cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan qua đường ống Yamal. Moscow cũng yêu cầu các quốc gia không thân thiện thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Theo các nhà kinh tế học Neufeld và Keck, trong trường hợp châu Âu thiếu khí đốt, khả năng suy thoái kinh tế trầm trọng là rất lớn do các quốc gia châu Âu không chỉ liên kết với nhau qua mạng lưới năng lượng mà còn ở các chuỗi cung liên kết sâu rộng.
Theo 2 chuyên gia, hạn chế trong nguồn cung khí đốt sẽ khiến người tiêu dùng phải chịu giá năng lượng tăng cao, buộc các hộ gia đình phải chi một phần lớn hơn trong thu nhập cho năng lượng và gia tăng áp lực lạm phát. Những yếu tố này là nguy cơ dẫn tới suy thoái.
Trước tình hình trên, các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào khí đốt từ Nga đang nỗ lực tìm các nguồn cung năng lượng thay thế. Chính phủ Đức kỳ vọng có thể đưa 2 cơ sở tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng vào vận hành vào mùa đông tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận