Xã hội

Nóng bỏng câu hỏi quản lý giao thông đô thị

07/12/2017, 07:05

Những tồn tại trong quản lý giao thông đô thị trở thành vấn đề nóng bỏng ở các phiên chất vấn HĐND thành phố...

1

Bãi giữ xe trên phố Giảng Võ (Hà Nội) không chỉ cày nát vỉa hè mà còn gây ùn tắc giao thông  - Ảnh: Lê Tươi

TP.HCM: vỉa hè bị tái chiếm, ùn tắc, úng ngập gia tăng

Chiều 6/12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP.HCM tại kỳ họp thứ 6.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi nêu 3 vấn đề: "Yêu cầu người đứng đầu thành phố đánh giá lại thực trạng này tái chiếm vỉa hè có phải thiếu một kế hoạch tổng thể trong chiến dịch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè? Giải pháp gì giải quyết bền vững, tạo được sự đồng thuận của người dân và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào chưa khi để vỉa hè bị tái lấn chiếm?".

Hà Nội Sẽ triển khai IParking tại 4 quận trong quý I/2018

Trả lời các chất vấn về quản lý trật tự hè phố, trong đó có các điểm trông giữ xe, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, hiện nay cho phép ở đô thị có thể tận dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông khi chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung. Về việc giá trông giữ xe thường thu cao hơn quy định, ông Viện cho biết, thành phố đã cho thực hiện thí điểm đỗ xe iParking trên 2 tuyến phố và có kết quả tốt, doanh thu tại các điểm này tăng lên 33%. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo trong quý I/2018 sẽ triển khai iParking tại 4 quận. Việc triển khai này sẽ khắc phục được các tồn tại như: lấn chiếm diện tích điểm trông giữ xe, quản lý doanh thu chặt chẽ hơn vì không thu bằng tiền mặt... 

Hoài Vũ

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, phải hết sức kiên trì, đeo bám, không thể làm theo kiểu phong trào, chiến dịch dẫn tới tái chiếm, ảnh hưởng chủ trương chung của thành phố. Ông Phong cho biết đã giao chủ tịch các quận huyện sắp xếp lại vỉa hè phù hợp tình hình điều kiện từng nơi và biện pháp xử lý các trường hợp tái chiếm.

"Qua báo cáo của các địa phương, tôi chưa thấy xử lý cán bộ nào để xảy ra tái chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, về tinh thần như tôi đã nêu, đối với những cán bộ không riêng lĩnh vực này, mà các lĩnh vực khác, nếu trì trệ không hoàn thành nhiệm vụ phải thay thế", ông Phong khẳng định.

Nói về các vấn đề gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước..., ông Phong nhìn nhận: TP.HCM đứng vị trí trung tâm kinh tế cả nước, có sức tăng trưởng cao, quy mô dân số đang tăng nhanh, thống kê dân số 8,4 triệu người nhưng dân sinh sống thường xuyên là 13 triệu. Dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến bất cập về hạ tầng đô thị, là điểm nghẽn tác động đến giao thông, ngập nước, môi trường, an toàn thực phẩm.

Ông Phong cho biết, giao thông thành phố hiện nay đang đứng trước áp lực do lượng phương tiện tăng lên khá nhanh. Mỗi quý, thành phố có hơn 30.000 phương tiện đăng ký mới nhưng cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp. “Hiện thành phố có khoảng 7,5 triệu xe máy, hơn 700 nghìn ôtô. Đây chính là thách thức đặt ra cho thành phố khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Muốn giải quyết vấn đề này, thành phố cần đòi hỏi nguồn lực rất lớn”, ông Phong nói.

2

Vỉa hè mới lát đá trên tuyến đường Vạn Phúc, Vạn Bảo (Hà Nội) bị bong tróc, nứt vỡ do xe ô tô đi lên - Ảnh: Như Trường

Hà nội: chưa quy hoạch phù hợp bến, bãi đỗ xe

Ngày 6/12, tại phiên chất vấn và tái chất vấn kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội, ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) chất vấn trách nhiệm sở, ngành về nguyên nhân và trách nhiệm của thực trạng chậm đầu tư quy hoạch bãi đỗ xe, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp. Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe được phê duyệt từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn. “Trước đây, phương tiện giao thông cá nhân chưa tạo nhiều áp lực cho thành phố, nhưng nay, áp lực đối với bến bãi đỗ xe đã tăng lên rất nhiều mà thành phố chưa bố trí được quỹ đất ưu tiên”, ông Quyền nói.

Ông Quyền cho biết, thành phố đã kêu gọi được 89 dự án bãi đỗ xe đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó có 22 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 54 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương. Ông thừa nhận, tiến độ triển khai quy hoạch bến, bãi đỗ xe còn chậm, qua thanh tra, có 8 dự án vi phạm hành chính và bị xử phạt 132,5 triệu đồng.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho rằng, do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng giao thông; hiện tượng người dân ngoại tỉnh về kinh doanh, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến. Bên cạnh đó cũng có dấu hiệu chùng xuống trong công tác của các lực lượng chức năng, thậm chí là khoán trắng cho lực lượng chức năng.

3

Cách lát đá tự nhiên cho vỉa hè các tuyến phố là một trong những yếu tố quan trọng quyết định độ bền - Ảnh: Khánh Linh 

Đà Nẵng: Vận tải “chui” vẫn hoành hành

Ngày họp thứ 2 kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 6/12, nhiều cử tri quan tâm về tình trạng hoạt động "chui" của các dịch vụ vận tải và khách sạn.

Theo đại biểu Phùng Phú Phong, quy hoạch của TP Đà Nẵng về số lượng taxi đến năm 2030 sẽ có 2.850 xe. Tuy nhiên mới năm 2017 đã có hơn 3.000 xe hoạt động như taxi, khiến loại hình này tăng mất kiểm soát. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà cũng đặt vấn đề về quản lý Grab, Uber trước tình trạng “tăng nóng” hiện nay. Các đại biểu lo ngại hoạt động này vẫn tự phát, chưa được phép, vấn đề quản lý, thu thuế...

Theo thống kê của Sở GTVT Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 8 đơn vị kinh doanh taxi với 1.800 đầu xe hoạt động khá ổn định và đáp ứng đúng theo quy hoạch phát triển của Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian qua, các loại hình vận tải như Grab, Uber chưa được cấp phép vẫn hoạt động “chui” tại Đà Nẵng khiến quy hoạch taxi truyền thống bị phá vỡ.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, hiện nay vẫn chưa có khung pháp lý quản lý loại hình này. Bộ GTVT đang cho phép thí điểm các loại hình này ở 5 tỉnh thành, riêng Đà Nẵng đã xin không thí điểm các loại hình này, chờ có kết quả tổng kết của Bộ GTVT sau 2 năm thí điểm (2016-2018) để có khung pháp lý và quy định cụ thể về quản lý. Từ đó, Đà Nẵng sẽ phối hợp với đơn vị vận tải xây dựng lộ trình phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.