Xem - ăn - chơi

Nóng cạnh tranh gameshow điện thoại với gameshow truyền hình

24/05/2018, 07:52

Không chỉ là xem gameshow trên truyền hình, khán giả bây giờ cũng có thể trực tiếp tham gia cùng chơi gameshow...

24

Giao diện Vietnam IQ ban đầu và khi phát sóng trực tiếp

Chơi gameshow trên điện thoại

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, smartphone trở thành công cụ chủ yếu được sử dụng để đọc báo, xem truyền hình, các nhà sản xuất gameshow cũng bắt đầu tìm cách chinh phục thị trường này. Vietnam IQ là gameshow tương tác trực tiếp đầu tiên trên điện thoại thông minh tại Việt Nam. Gameshow được phát sóng trực tiếp 3 lần/tuần trên nền tảng di dộng, vào lúc 20h chủ nhật, 13h30 thứ hai và thứ ba. Theo đó, tất cả mọi thứ đều diễn ra trực tiếp. MC ở trường quay đọc câu hỏi, 10 giây suy nghĩ và trả lời bắt đầu đếm ngược. Trả lời sai, người chơi sẽ bị loại.

Để tham gia trò chơi này, chúng tôi đã tải chương trình trên App Store và đăng ký thông tin cá nhân. Chương trình theo dạng Quiz-show (chương trình trò chơi trí tuệ), với thời lượng khoảng 15 phút cho 10 câu hỏi trắc nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực. Trong trò chơi này, các câu hỏi đều được tư vấn bởi các ban cố vấn là những chuyên gia trong các lĩnh vực. Người chơi sẽ có những quyền trợ giúp nhất định. Trả lời đúng cả 10 câu hỏi, sẽ có cơ hội nhận 20 triệu đồng tiền mặt thông qua ví di động (được tải cùng với việc cài ứng dụng Vietnam IQ). Số tiền này sẽ được chuyển cho người chiến thắng trong vòng 24 - 48 giờ.

Thực tế, gameshow tương tác trên điện thoại không quá xa lạ với thế giới, nhiều gameshow nổi tiếng như: HQ Trivia, iQ Live… Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên loại hình này có mặt tại Việt Nam. Trao đổi với bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc điều hành Công ty BHD Chi nhánh TP HCM (Đơn vị sản xuất Vietnam IQ), bà Hiền khẳng định đây là sản phẩm dẫn đầu xu hướng phát triển và sản xuất những chương trình giải trí mới trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Đơn vị sản xuất phải mất khoảng 6 tháng để nghiên cứu và thử nghiệm. Một mô hình mới sử dụng những công nghệ mới và tiên tiến nhất như: Cloud Computing, Ultra-low latency Live Streaming... nên đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm và triển khai.

Vấn đề lớn nhất là hạ tầng mạng internet của Việt Nam vốn đang phát triển, vẫn chưa đáp ứng tốt cho việc nhiều người chơi xem video streaming cùng một lúc. Bên cạnh đó, cấu hình thiết bị của điện thoại vốn không cao, trong khi lượng dữ liệu cần xử lý đồng thời ở mức cao (gửi, nhận dữ liệu, tính toán kết quả...). Ngoài ra, mức độ phân mảnh của các hệ điều hành rất lớn. “Các hệ máy lại khác nhau nên chúng tôi cần phải thử nghiệm nhiều lần trên nhiều thiết bị nhất có thể, để tối ưu hóa trải nghiệm cho người chơi”, bà Hiền chia sẻ.

Để khắc phục những hạn chế này, theo đại diện của BHD, đơn vị phải sử dụng cả những biện pháp “cổ điển” mà hiệu quả trong sản xuất gameshow lẫn những công nghệ mới nhất như điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu thời gian thực. Các giải pháp công nghệ tiên tiến luôn được nghiên cứu áp dụng để có kết quả tốt nhất.

Dễ cạnh tranh với gameshow truyền hình

Từ chối tiết lộ chi phí cụ thể nhưng theo đại diện của nhà sản xuất, chi phí cho một gameshow trên điện thoại cao hơn chi phí cho một gameshow truyền hình. Bởi, ngoài việc xây dựng trường quay, âm thanh ánh sáng như gameshow thông thường, còn có một số chi phí khác cần được đầu tư thêm như: Sản xuất ứng dụng cho điện thoại, trang bị thêm nhiều phần cứng cho việc xử lý hình ảnh và truyền tải hình ảnh trực tuyến, thuê băng thông, thuê các hệ thống điện toán đám mây...

Hiện tại, trên fanpage chính thức của Vietnam IQ nhận khá nhiều phản hồi liên quan tới việc hệ thống bị chậm khi mới có hơn 1.000 người truy cập, người chơi bị bật khỏi game khi đang chơi… Nói về những điều này, bà Bích Hiền khẳng định, đơn vị đang cố gắng áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhất để cải thiện. Ngoài ra, phần kỹ thuật cả cho Android cũng sẽ được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất (hiện tại chương trình mới sẵn có cho iOS).

Sau hơn hai tuần chính thức ra mắt, Vietnam IQ đạt tốc độ tăng trưởng (số lượng người dùng tải app và tham gia chương trình) tăng khoảng 200% qua mỗi tuần. Đây là một tín hiệu khá khả quan với một chương trình mới. Bên cạnh những phàn nàn về các lỗi băng thông, nhiều khán giả bày tỏ sự háo hức khi chương trình giống chơi game kiến thức thông thường, nhưng lại có tiền thưởng thật. Không chỉ vậy, MC Lại Văn Sâm ở trường quay cũng trò chuyện, tương tác trực tiếp với những người chơi như đang livestream. “Game mới khá thú vị, rảnh rỗi chơi mà cũng được tiền”, “Chơi vui và hồi hộp. Vừa có kiến thức lại vừa có thể được tiền tươi thóc thật”… là những bình luận được khán giả đánh giá về loại hình này.

Đạo diễn Bảo Nhân tâm sự, anh đã trải nghiệm gameshow này vài lần và cảm thấy khá tiện lợi. Người chơi có thể chơi ở bất cứ địa điểm nào thuận tiện cho mình. Mọi người đều có thể tham gia chứ không bị cố định số người chơi như trên truyền hình.

Dù vậy, nam đạo diễn tiếc vì băng thông vẫn chưa đủ mạnh, khi số lượng người chơi tăng nhanh dẫn tới nghẽn mạng. Khi có quá nhiều người chơi, một số tài khoản sẽ bị văng ra ngoài. “Tôi cũng bị văng ra vài lần rồi. Vả lại, gameshow này hiện mới phổ biến trên iOS nên đối tượng tham gia cũng bị hạn chế vì không phải ai cũng dùng hệ điều hành này. Nhưng có lẽ nó sẽ dễ tiếp cận người chơi hơn là trên truyền hình vì thuận tiện và có tính giải trí”, đạo diễn Bảo Nhân nhận xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.