Đời sống

Nông dân Đà Nẵng bật khóc nhìn lúa chín nảy mầm ngay trong ruộng

14/09/2021, 11:54

Không có máy gặt thu hoạch lúa trước bão số 5, cánh đồng thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) ngập nước, lúa chín nảy mầm...

Lúa chín nảy mầm ngay trong ruộng

Sáng 14/9, trời hửng nắng, cánh đồng thôn Phú Sơn Tây (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn còn ngập ngụa, lúa chín vàng ngã rạp, trầm mình trong nước.

img

Lúa chín nảy mầm ngay trong ruộng do không thu hoạch kịp, nhiều ngày ngâm nước

Đứng nhìn 3 sào ruộng đang thời điểm thu hoạch đã hư hỏng, nảy mầm, bà Trần Thị Phẩm (trú thôn Phú Sơn Tây) cho hay, từ hôm 8/9, khi chưa có thông tin về bão số 5, người dân đến gặp trưởng thôn Phú Sơn Tây để sắp xếp thuê máy gặt, lên lịch gặt sớm.

"Nhưng trưởng thôn thông báo vài ngày nữa mới có thể thuê xe đến gặt, trong khi các thôn khác đã gặt xong. Kinh nghiệm mùa vụ hè thu thì phải gặt sớm hơn để chạy mưa, bão. Mấy hôm vừa qua mưa lớn do ảnh hưởng bão số 5, đồng lênh láng nước, lúa nảy mầm hết rồi”, giọng bà Phẩm chùng xuống.

Bà Phẩm lội bì bõm dưới ruộng, cầm lên một nắm lúa chín hạt to, tròn đã nảy mầm dài 3-5 cm.

"Nhìn lúa ngâm dưới nước xót ruột quá nhiều người kéo nhau ra đồng cố gặt lúa thủ công, được chừng nào hay chừng đó, gỡ gạc cho một vụ mùa gần như tay trắng", bà Phẩm xót xa.

Phía xa, bà Trần Thị Thương (trú thôn Phú Sơn Tây) cũng đang cố vớt vát những hạt lúa chưa nảy mầm. Bà Thương cho hay, trước hôm chạy bão, có người cắt lúa chín mang đến tận trụ sở xã yêu cầu thuê máy gặt. Cấp xã chỉ về thôn, trưởng thôn thì nói ráng chờ vài hôm sẽ có máy gặt. Bây giờ lúa nảy mầm hết.

"Dịch bệnh không làm ăn được gì đã khổ lắm rồi, cả nhà mấy miệng ăn cố bám vào mấy sào ruộng còn lại, suốt mấy tháng ròng chăm bẵm, giờ thì mất trắng”, bà Thương chua chát nói.

img

Lúa nảy mầm, mọc cây non sau nhiều ngày ngâm nước

Ghi nhận của PV, cả chục ha lúa thuộc thôn Phú Sơn Tây đã chín đều, chưa được gặt trước bão số 5. Còn ruộng lúa tại các thôn khác tại xã Hòa Khương như Gò Hà, La Châu, thôn 5… đã gặt xong từ nhiều ngày trước.

“Người dân cầu cứu đưa máy gặt đến gặt, nhưng họ cứ nói lúa chưa chín, giờ thì nảy mầm luôn rồi, chẳng còn gì nữa", bà Phẩm bật khóc, nói.

Các nông dân Phú Sơn Tây cho biết việc thu hoạch lúa lâu nay phải theo kế hoạch của thôn, đại diện thôn sẽ đi thỏa thuận thuê máy và lên thời gian gặt. Điều này nhằm tránh trường hợp người dân tự tổ chức không đồng bộ, máy gặt di chuyển để gặt đám ruộng phía trong trước sẽ ảnh hưởng đến các đám ruộng khác ở phía ngoài.

Thiếu máy gặt!

Theo ông Phan Công Khôi, Trưởng thôn Phú Sơn Tây, những năm trước, bà con thuê máy gặt tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và tỉnh Quảng Ngãi. Do dịch bệnh, người dân biết lúa chín nhưng đành chịu vì không thể đưa máy gặt từ địa phương khác đến.

“Toàn thôn Phú Sơn Tây có 12 héc ta lúa là nguồn thu chính của 100 hộ dân. Bà con mới gặt chỉ được 1 ha nhưng cũng không kịp phơi, mưa mấy ngày liền ảnh hưởng rất nhiều”, ông Khôi cho biết.

img

Nông dân cố vớt vát những hạt lúa còn dùng được sau nhiều tháng chăm bẵm

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho hay, trên địa bàn xã hiện còn khoảng 30 ha lúa chưa được thu hoạch. Trong đó, có 20 ha còn xanh và 10 ha đã chín được 70 - 80%.

Những ngày vừa qua, do vướng mưa bão nên chưa thể thu hoạch. Với diện tích lúa ngã đổ, nảy mầm do ngập úng, đến nay nước vẫn chưa rút hẳn nên việc thống kê cụ thể gặp khó khăn.

"Tại xã Hòa Khương chỉ có 2 máy gặt, mọi khi thu hoạch thì địa phương phải thuê máy gặt ở các xã lân cận. Việc thu hoạch gặp khó do mưa bão. Chính quyền sẽ thống kê diện tích ngã đổ, nảy mầm để báo cáo huyện đưa ra các phương án hỗ trợ bà con”, ông Trí nói.

Trước đó, tại các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã nhấn mạnh, yêu cầu chính quyền cơ sở chủ động, tạo mọi điều kiện cho người dân chống bão, thu hoạch nông sản.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hàng chục ha lúa chín đã hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, đặc biệt trong thời điểm thành phố giãn cách do dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.