Giá lúa càng cuối năm càng giảm
Ngày 22/12, ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang cho thấy, giá lúa hiện đang lao dốc, giảm khoảng 500 đồng/kg so với đầu vụ Thu Đông. Cụ thể, lúa khô giống Đài Thơm và OM khoảng 7.200 đồng/kg, giảm còn khoảng 6.500-6.600 đồng/kg, trong khi đó lúa tươi từ 6.100-6.200 đồng/kg, giảm còn 5.500-5.600 đồng/kg.
Còn tại An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… giá lúa cũng giảm từ 100-200 đồng/kg đối với một số giống lúa như IR 50404, Đài Thơm 8 và OM 5451.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Công (tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình ông trồng 7 công (1 công = 1.000m2) lúa Thu Đông. Đầu tháng 11 vừa qua dù giá lúa tăng cao, và dao động từ 5.600-6.200 đồng/kg; tuy nhiên, nông dân vẫn không có lợi nhuận cao, vì giá phân bón liên tục tăng. Nay đến cuối vụ giá lại xuống thấp khiến bà con thêm lo lắng.
Còn bà Nguyễn Thị Hai (tỉnh Đồng Tháp) cho biết thêm: Vụ lúa thu đông năm nay được sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương miền Tây. Cùng với những quy định về giãn cách xã hội, chi phí sản xuất tăng, thời tiết bất lợi nên đây được xem là vụ sản xuất vất vả của bà con nông dân.
“Giá thuốc trừ sâu mỗi chai lên gần cả trăm ngàn, công cắt, chi phí kéo lúa cũng tăng lên. Hồi trước kéo 7.000.000 đồng/bao, giờ trời mưa sình lầy, đã tăng lên 10.000 đồng/bao. Trước kia trồng lúa, mỗi ha lãi 20 triệu đồng là coi như ngon lành, bây giờ phải làm được 35 triệu đồng/ha mới xem có lãi.
Mới bữa trước giá lúa còn ở mức tốt, nay giảm xuống tận 500 đồng/kg, tui vừa bán khoảng 4 tấn lúa, với tình hình này, không lãi nổi”, bà Hai nói.
Giá lúa giảm khiến nông dân lo lắng.
Giúp nông dân giảm chi phí sản xuất
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, vụ Thu Đông này, toàn tỉnh Đồng Tháp sản xuất trên 119.000 ha lúa, chiếm 21% tổng diện tích vùng ĐBSCL. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được trên 80.000 ha. Do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, sâu bệnh, chuột gây hại nên năng suất lúa chỉ đạt bình quân 5,7 tấn/ha.
Ông Lưu Chí Tâm, Quản lý kho Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang cho biết, nguyên nhân giá lúa giảm là do một phần cuối năm khả năng xuất khẩu, sản lượng muốn cạn kiệt. Ngoài ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tàu đi vào cũng hạn chế kéo theo giá lúa và giá gạo đang sụt giảm mạnh.
Công ty không ký bao tiêu nữa mà đến thời điểm thu hoạch, nhà máy liên hệ với các HTX để thu mua theo giá thị trường, nhưng vẫn hỗ trợ giá cho bà con. Chẳng hạn mua nhích hơn giá thị trường, ngoài ra nếu giá có sụt đi nữa nhà máy cũng không bỏ bà con. Đầu năm đến nay, nhà máy thu mua chế biến được khoảng 70.000 tấn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giá thành sản xuất lúa hiện nay, chi phí phân bón chiếm khoảng 25%, giống khoảng 10%. Lâu nay, nông dân vẫn đang sử dụng quá nhiều phân bón và phần lớn diện tích lúa vẫn đang sử dụng lượng giống quá nhiều, từ trên 100 kg/ha trở lên.
Do đó, trong bối cảnh giá phân bón lại đang tăng cao trở lại, ngoài việc đẩy mạnh kiểm soát thị trường phân bón của cơ quan quản lý, ngành nông nghiệp các địa phương cũng cần phổ biến các giải pháp giúp nông dân giảm lượng phân bón sử dụng và giảm lượng giống gieo sạ…
Theo Bộ NNPTNT, vụ lúa Thu Đông 2021 các tỉnh, thành ĐBSCL gieo sạ 714.600 ha, đạt 102% kế hoạch và giảm 9.500 ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, giảm 22 nghìn tấn so vụ Thu Đông 2020.
Hiện tại nhiều tỉnh, thành đã thu hoạch dứt điểm vụ Thu Đông, nông dân đang chuẩn bị và đã xuống giống cho vụ Đông Xuân 2022. Theo kế hoạch, toàn khu vực Nam Bộ sẽ có tổng diện tích xuống giống là 1,6 triệu ha, tăng 2.000 ha so với vụ Đông Xuân trước. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Năng suất dự kiến trên toàn khu vực là 7,189 tấn/ha, sản lượng dự kiến 11,5 triệu tấn, tăng 50.420 tấn so với Đông Xuân 2020-2021. Trong đó, sản lượng dự kiến ở ĐBSCL là 11,024 triệu tấn.
Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 ở mức ở mức sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021. Ngoài các khu vực đã xuống giống, trong tháng 12, sẽ tiếp tục xuống giống khoảng 400.000 ha. Diện tích còn lại ở một số vùng Đông Xuân muộn, kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận