Các nghệ nhân e dè
Ông Huỳnh Văn Tùng, người trồng hoa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cho biết trong hơn 4 tháng qua, ông và bà con xung quanh đã phải để hoa héo ngoài đồng. Giãn cách xã hội đã khiến việc đi lại khó khăn, các nguồn hàng bị ùn ứ không bán được. Thời điểm này, thay vì xuống giống hoa kiểng Tết, ông đã chuyển qua trồng cải làm dưa, vì lo sợ dịch bệnh bùng phát, hoa lại không bán được.
Chăm sóc hoa kiểng trong nỗi lo về thị trường. Ảnh: Trà Giang
Còn ông Lương Tấn Tài (62 tuổi, cùng địa phương) cho biết: “Nếu năm trước, tôi trồng 3.000 giỏ hoa cúc, thì năm nay giảm còn một nửa. Hiện nay, dịch bệnh lại bùng phát, chưa biết khi nào có điểm dừng. Nhưng nếu không trồng hoa, tui cũng không biết phải trồng gì khác, nên cứ trồng đại. Phần lớn là vì yêu cái nghề mình gắn bó hơn 40 năm”, ông Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, người trồng hoa, cho biết năm ngoái trồng hơn 1.000 chậu hoa cho vụ Tết thì năm nay dự tính chỉ trồng khoảng 500 giỏ.
“Thật sự vụ hoa Tết năm nay nhiều nỗi lo lắm. Vì muốn giữ nghề của gia đình, trồng hoa cho có không khí Tết nên tôi cố gắng duy trì, nhưng ở mức độ dè chừng”, ông tâm sự.
Theo ghi nhận, quận Bình Thủy hiện có hơn 200 hộ, nghệ nhân trồng hoa kiểng, trong đó có 90 hộ tại phường Long Hòa và 127 hộ tại phường Long Tuyền. Nhiều tháng qua, do dịch bệnh, khoảng 90 hộ trồng hoa vạn thọ ở làng nghề đã phải để hoa héo khô ngoài đồng vì không thể tiêu thụ.
Theo ước tính của bà con làng nghề, quy mô sản xuất vụ hoa Tết năm nay chỉ bằng 10% so với năm rồi. Cụ thể, nếu như vụ Tết Tân Sửu, bà con làng nghề trồng khoảng 120.000 chậu hoa thì năm nay chỉ còn khoảng 12.000 chậu. Bà con chủ yếu là trồng cúc mâm xôi, cúc Ðài Loan và cúc Tiger, nhưng phải nhập giống từ Ðà Lạt (Lâm Ðồng), chi phí cao mà đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khó hơn vì khác biệt môi trường sinh trưởng.
Người trồng hoa ĐBSCL đang lao đao vì dịch Covid-19. Ảnh: Trà Giang
Một nguyên nhân nữa khiến bà con làng nghề lo với vụ hoa Tết là do không dự báo được tình hình dịch bệnh nên các thương lái đến giờ này cũng không đặt hàng, đặt cọc như trước đây.
Giảm đều…
Tại làng hoa Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, không khí vào vụ của nông dân cũng rất trầm lắng. Theo ông Dương Văn Huyền, Giám đốc HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn, các xã viên trong HTX không dám đầu tư sản xuất hoa, kiểng nhiều vì sợ đem ra chợ bán không được do tình hình dịch bệnh.
Vì vậy, số lượng hoa, kiểng cũng giảm 40%- 50%, trừ mai vàng đã chủ động trồng từ đầu năm. Mọi năm, thời điểm này đã có khách đặt hàng rồi nhưng năm nay tới giờ vẫn im ắng nên nhà vườn không dám trồng nhiều.
Người trồng hoa không dám đầu tư sản xuất hoa, kiểng nhiều vì sợ ế. Ảnh: Minh Trung
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách cho hay, làng nghề hoa kiểng của huyện được người dân sản xuất quanh năm với khoảng 17 triệu sản phẩm, trong đó, vụ hoa Tết là mùa chủ lực. Năm nay, dự kiến sản lượng hoa Tết năm 2022 của huyện sẽ còn khoảng 50% so các năm trước.
Còn tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), nơi đây có khoảng 697ha trồng hoa kiểng, với hơn 2.300 hộ tham gia. Giá trị sản xuất hoa kiểng hàng năm đạt khoảng 1.920 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản suất toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2021 số lượng hoa kiểng tiêu thụ giảm mạnh; trong khi nguyên liệu đầu vào như phân rơm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng.
Ngoài ra, các điểm làm du lịch cộng đồng từ ngành hoa kiểng bị đóng cửa kéo dài, ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của người dân, hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng…
Nông dân trồng hoa kiểng tết ở ĐBSCL đang vào vụ với những nỗi lo chồng chất. Ảnh: Minh Trung
Ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết thêm: “TP đã hỗ trợ để người dân đăng ký các mặt hàng hoa kiểng vào trang website của Bộ NN&PTNT. Hiện HTX hoa kiểng Tân Quy Đông đang hoạt động trên website “Danh sách các đầu mối cung ứng nông sản miền Nam” để tiêu thụ hoa kiểng.
Thời gian tới, TP sẽ phối hợp với các ngành của tỉnh nhằm xúc tiến sản phẩm hoa kiểng để tiêu thụ tại Hà Nội, TPHCM và các nơi khác…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận