Những người buồn giữa ngày vui!
Những ngày này, nông dân vùng ĐBBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa thu đông trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì giá lúa đang ở mức tốt, nhưng lại buồn vì mức lợi nhuận thấp.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.
Ông Đặng Thanh Thương (xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch xong 2,5ha lúa OM18. Do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều và gió lớn, làm cho cây lúa bị đổ ngã, ngập trong nước, máy cắt không thể hoạt động, gây thất thoát. Năng suất lúa của gia đình vụ này chỉ đạt 500kg/công tầm lớn (1.300m2), giảm hơn 100kg/công so với cùng kỳ”.
Theo ông Thương, trước khi cắt lúa, bà con rất háo hức vì vụ này được thương lái hợp đồng mua với giá cao, từ 6.000-6.200 đồng/kg, còn giống lúa OM 5451 có giá bán từ 5.700-5.800 đồng/kg. Thế nhưng, do năng suất lúa thấp cộng thêm chi phí đầu tư tăng cao ở các khâu nên sau khi bán lúa, nông dân không có lời hoặc chỉ lời ít, từ đó mà bà con không mấy phấn khởi.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, cùng gánh nặng chi phí đầu vào đã khiến vụ lúa thu đông kém vui, vì nông dân có lãi thấp
Ông Nguyễn Văn Pha (ngụ cùng địa phương) cho hay, nhà ông trồng 6 công tầm lớn lúa OM 5451. Mọi chi phí đầu tư ở vụ lúa Thu đông này đều ở mức cao, nhất là giá phân bón tăng bình quân mỗi loại gần 100.000 đồng/bao. Đến khi thu hoạch, tiền thuê máy cắt lúa cũng tăng từ 280.000 đồng/công lên mức 300.000 đồng/công. Do gánh nặng chi phí đầu vào nên đa phần bà con cắt lúa Thu đông cuối vụ chỉ hòa vốn.
Ghi nhận của PV cho thấy, đến nay, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 31.000ha trong tổng số 35.363ha lúa Thu đông đã xuống giống. Hiện tại, các trà lúa chưa cắt đều trong giai đoạn chín, trong đó có nhiều cánh đồng nông dân đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, đa số bà con không mấy phấn khởi.
Chưa vào vụ mới, đã lo thua lỗ!
Trong khi các địa phương còn tồn đọng lúa Thu đông chưa thu hoạch, tại nhiều nơi, bà con đã thu hoạch dứt điểm vụ này, và đang vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống vụ Đông xuân 2022.
Tại Cần Thơ, đến cuối tháng 10, thành phố đã thu hoạch dứt điểm lúa Thu đông 2021, với tổng diện tích 69.995ha. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại phân bón liên tục tăng và đã vọt lên ở mức cao chưa từng thấy, khiến nông dân rất lo lắng.
Vận chuyển lúa sau thu hoạch ở ĐBSCL.
Qua khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL, hiện giá nhiều loại phân bón Ure, DAP, Kali... tăng hơn 100.000 đồng/bao (50kg) so với tháng trước.
Cụ thể, Ure Phú Mỹ, Ure Cà Mau có giá 960.000-990.000 đồng/bao; DAP Đình Vũ, DAP Trung Quốc, DAP Philippines giá 950.000-1.400.000 đồng/bao. Trong khi đó, phân Kali miểng có giá 820.000-870.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật 750.000-850.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 có giá 900.000-1,1 triệu đồng/bao…
Ông Cao Thanh Điền (xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Năm trước, 1 bao phân lạnh (Urê) giá chỉ 320.000-350.000 đồng/bao, còn giờ đã tăng lên hơn 800.000 đồng/bao, còn DAP xanh Hồng Hà Trung Quốc có giá tới hơn 1.100.000 đồng/bao. Giá tăng cao tới mức này là quá sức chịu đựng của nông dân trồng lúa vốn có thu nhập khá thấp.
Cụ thể, trong vụ Thu đông vừa rồi, nhiều nông dân tại địa phương chỉ đạt được mức lời 0,8-1,5 triệu đồng/công lúa sau 3 tháng gieo trồng”.
Dù chưa xuống giống vụ đông xuân 2022, nhưng nông dân ĐBSCL đã rối bời.
Theo ông Điền, vụ Đông xuân 2021-2022, 4 công lúa của ông dự kiến gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8, hiện ông đã mua lúa giống và tiến hành vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng gieo sạ vào tháng 11 âm lịch tới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa mua phân bón vì không có sẵn tiền, dự tính khi sạ lúa mới mua thiếu của cửa hàng, đến cuối vụ thanh toán và phải chấp nhận chịu khoảng giá chênh lệch tăng thêm, thường khoảng 20.000-30.000 đồng/bao phân bón.
Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân rối bời lo lắng.
Tương tự, ông Võ Văn Rô (xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) bày tỏ lo lắng khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí đầu vào như xăng dầu, giá thuê nhân công… đều tăng mạnh.
Ông Rô cho biết: Giá bán lúa được nông dân và doanh nghiệp căn cứ theo thị trường để “chốt” vào thời điểm gần thu hoạch lúa nên khó đoán được giá lúa cho vụ tới.
Trong khi giá nhiều loại phân bón đã tăng gấp đôi và giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-12%, giá thành sản xuất lúa tới đây sẽ tăng cao. Bởi hiện nay lũ nhỏ, đồng ruộng ít được bồi bổ phù sa nhiều nên nông dân không dám giảm mạnh lượng phân bón vì sợ ảnh hưởng năng suất.
Nông dân rất mong ngành chức năng kịp thời có giải pháp kéo giảm giá các loại vật tư nông nghiệp và ổn định giá lúa đầu ra. Vụ Đông xuân năm trước nhờ chi phí thấp, lúa trúng mùa và bán giá cao kỷ lục 6.500 đồng/kg nên nông dân đạt mức lời trên 4 triệu đồng/công, còn vụ lúa tới đây chắc sẽ rất khó khăn”.
Không còn ùn ứ nông sản
Qua khảo sát của phóng viên, vụ lúa Thu đông này, bà con nông dân đều gặp thuận lợi từ khâu thu hoạch đến khâu bán lúa, lúa cắt đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó. Không có tình trạng lúa bị ùn ứ sau thu hoạch do giãn cách xã hội như vụ Hè thu trước.
Tại Cần Thơ, Sở NNPTNT đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để việc thu hoạch, tiêu thụ lúa thu Đông được thuận lợi, vừa đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết, từ tháng 7 và tháng 8, ngành nông nghiệp đã rà soát lại các chủ máy gặt và nhân công tham gia đội thu hoạch lúa để hỗ trợ tiêm vaccine, hỗ trợ việc lưu thông đi lại giữa các quận huyện.
Đồng thời, rà soát lại các phương tiện ngoài thành phố để tạo điều kiện cho các đội thu hoạch ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp vào địa bàn Cần Thơ để hỗ trợ nông dân thu hoạch.
Sở cũng đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện, thương lái, các đội vác lúa được di chuyển qua các địa bàn để tiện thu hoạch và mua lúa nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận