Đời sống

Nông dân miền Tây tất bật vào vụ thu hoạch nông sản "độc lạ" đón Tết

07/01/2022, 11:24

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo nguồn cung sẽ giảm mạnh, giá các loại "hàng độc" này sẽ tăng cao...

Xuất phát từ thú chơi những món hàng độc, lạ của nhiều người, các nông dân vùng ĐBSCL đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo cho ra đời những “tuyệt tác” có một không hai.

Với họ, mỗi sản phẩm làm ra, ngoài việc “kiếm cơm” trên thị trường, còn là cả niềm ước mong cho mọi người có một cái Tết ấm êm, ngập tràn hạnh phúc…

Năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động canh tác trái cây, nhiều nhà vườn không còn vốn để sản xuất trong khi chi phí cho trái cây tạo hình rất tốn kém mà đầu ra khó đảm bảo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Nhiều nhà vườn lo ngại kịch bản khó lưu thông hàng hoá có thể lặp lại vào dịp Tết Nguyên đán nếu dịch bệnh bùng phát nên chấp nhận tạm ngưng một năm.

img

Đến hẹn lại lên, cứ dịp Tết đến xuân về là nông dân miền Tây lại tất bật ngoài vườn để cho ra đời những loại nông sản độc, phục vụ nhu cầu đón Tết của "dân chơi". Trong ảnh: Bưởi hồ lô và bưởi khắc chữ của nghệ nhân Ba Thành (Võ Trung Thành, ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang).

img

Ông Thành cho biết, năm nay các nhà vườn trong câu lạc bộ chỉ tạo hình loại trái cây với quy mô nhỏ lẻ vài trăm trái. Mọi năm, câu lạc bộ của ông cung cấp ra thị trường 10.000-15.000 trái bưởi, dưa hấu tạo hình với doanh số vài tỷ đồng.

img

Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động canh tác trái cây của nhà vườn. Ngoài ra, nhiều nhà vườn không còn vốn để sản xuất trong khi chi phí cho trái cây tạo hình rất tốn kém mà đầu ra khó đảm bảo trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Cuối cùng là do nhiều nhà vườn lo ngại kịch bản khó lưu thông hàng hoá có thể lặp lại vào dịp Tết Nguyên đán nếu dịch bệnh bùng phát nên chấp nhận ngưng một năm.

img

Tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, ông Võ Hồng Quốc (76 tuổi) đã sáng tạo ra trái đào tiên hình hồ lô rất đẹp mắt.

img

Ông Quốc kể, dạo trước, trong vườn nhà ông có trồng nhiều trái đào tiên, thường chỉ để làm thuốc, ngâm rượu… không bán buôn gì được. Thấy bưởi có thể tạo hình và bán ra thị trường giá trị cao, nhất là vào dịp Tết, ông Quốc về làm thử trên trái đào tiên.

img

Sau nhiều năm thử nghiệm, những trái đào tiên hồ lô khắc chữ “Tài", "Lộc” đã được ra đời, đẹp mắt.

img

Từ thành công đó, cháu ruột của ông Quốc là anh Võ Nguyên Tín cũng bắt tay vào sáng tạo trên trái đào tiên. Đến nay, anh Tín đã thành công trong việc làm đào tiên có hình thỏi vàng, có chữ nổi “Tài, Lộc”. Những sản phẩm này đều thuộc loại “độc nhất vô nhị”.

img

Giá mỗi cặp hoặc mỗi trái đào tiên tạo hình từ trên dưới 1 triệu đồng tùy chất lượng, mẫu mã (bình quân mỗi trái nặng từ 1,2 - 1,5 kg).

img

Anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre) là người đầu tiên sáng tạo “vẽ thư pháp” trên trái dừa. Mùa Tết mỗi năm, anh Tâm tạo ra hơn 1.000 trái dừa, trong đó dừa tròn (hình dáng tự nhiên) có giá từ 250.000 đồng, dừa hồ lô từ 400.000 đồng/trái trở lên

img

Còn tại Đồng Tháp, anh Huỳnh Thanh Khoa (xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thành công với nghệ thuật tạo chữ thư pháp trên trái xoài Đài Loan rất đẹp mắt. Những năm trước, dịp Tết, anh tung ra hàng ngàn trái xoài khắc chữ, hình bản đồ Việt Nam rất được khách hàng quan tâm.

img

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Nhiều năm qua, trái cây tạo hình đã trở thành “đặc sản” của tỉnh Hậu Giang. Loại sản phẩm này mất nhiều thời gian, tỉ lệ thất thoát cao, nhưng bù lại, giá bán hấp dẫn, đã giúp cho nông dân có thu nhập đáng kể.

img

Theo ông Hùng, năm nay, do dịch bệnh phức tạp, sản lượng trái cây tạo hình đã giảm rất lớn. Qua thống kê, toàn tỉnh chỉ có hơn 5.400 sản phẩm so với số lượng hàng chục ngàn sản phẩm của các năm trước. Đặc biệt, đến nay, xoài thư pháp, vẫn chưa có nhiều đơn đặt hàng, giá cả đều có giảm so với năm 2021. Hiện, giá bưởi hồ lô là 750.000 đồng/cặp, đào tiên là 1 triệu đồng/cặp… Dự báo, phải sau dịp sau rằm tháng Chạp, sức mua và giá mới tăng lên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.