Chính trị

Nông dân vẫn bị coi là “sân sau”

23/01/2016, 10:34

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Quốc Cường, đầu tư vào nông nghiệp giảm từ 32% xuống 6 % gần 15 năm qua.

thutuong231.newsg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều khiển phiên họp sáng 23/1

 Phân hóa giàu nghèo tăng từ 3,5 lên 10,2 lần

Phát biểu thảo luận sáng 23/1, ông Cường cho biết, địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang giảm sút trong quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa. Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là "sân sau” của công nghiệp, doanh nghiệp nên việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012 – 2014. Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, đã làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, giảm sút và kéo theo là việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”..., điều này đồng nghĩa với địa vị, vai trò kinh tế của nông dân giảm sút theo. Và dẫn tới thu nhập của nông dân cũng giảm, tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp.

Cũng theo ông Cường, cùng với đất sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, nông sản giá thành cao, chất lượng thấp,… dẫn đến khả năng hội nhập kinh tế thế giới của nông dân, của nông nghiệp Việt Nam chậm, tụt hậu xa hơn đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ông Cường lo lắng, quá trình Công nghiệp hóa, đô thị hóa trong 20 năm qua và những năm tới khả năng sẽ tiếp tục lấy đi đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng đất 2 lúa, đất ven trục lộ giao thông, đất ven đô thị…; Trong khi đó, việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” chất lượng thấp, môi trường nông thôn xuống cấp nghiêm trọng..., dẫn đến nông dân thiếu việc làm, nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Phần lớn lao động nông nghiệp trẻ tìm cách ly quê, ly nông.

“Nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần; hiện tại khoảng 10,2 lần”, ông Cường nói và cho biết thêm, có tình trạng "sống chết mặc bay", đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng trong lối sống nông dân hiện nay. Một bộ phận nông dân trẻ luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc “nông dân” của mình.

Nâng thu nhập nông dân gấp 2,5 lần so với 2008

Hôm nay (23/1), Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của BCH TƯ khoá XI về công tác nhân sự BCH TƯ khoá XII. 

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và lấy ý kiến đại biểu về dự kiến những vấn đề cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XII.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. 

Để đạt được mục tiêu “người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII, đại diện cho Hội nông dân kiến nghị 8 nhóm giải pháp:

Tiếp tục phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng mức thu nhập của nông dân lên gấp 2,5 lần so với năm 2008 và tăng dần vào những năm tiếp theo.

Thứ hai, đầu tư cho “Tam nông” phải bảo đảm giai đoạn 5 năm sau gấp 2,5 lần 5 năm trước. Muốn vậy, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực nên tập trung vào các vấn đề then chốt, như: Công nghiệp và phương tiện lưu giữ, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường; hạ tầng cơ sở  vật chất cho vùng miền theo quy hoạch sản xuất; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến và liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Cùng đó, cần chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương và đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp.

Tập trung thực hiện 3 biện pháp mạnh: Khoa học kỹ thuật; An toàn vệ sinh thực phẩm và cung cấp thông tin thị trường, giá cả; gắn liền với mở rộng, phát triển thị trường tiềm năng có giá trị sinh lời cao như: Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật… hạn chế thị trường dễ tính, giá rẻ và bấp bênh.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng tăng cường liên kết, nâng qui mô, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng theo thế mạnh vùng, miền. Hướng trọng tâm nông sản vào xuất khẩu, có sức cạnh tranh cao. Gắn tổ chức sản xuất kinh tế hợp tác với đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản.

Cùng đó, mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có lộ trình thích hợp để nông dân tham gia và được hưởng lương hưu; Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề,..

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.