Ông Nguyễn Văn Lộc ở ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá bưởi phải đạt từ 12.000 đồng/kg trở lên nhà vườn mới có lãi.
Trong khi đó, hiện nay, tại xã Mỹ Hòa, bưởi Năm Roi được bán đồng giá tại vườn 6.000 đồng/kg nhưng cũng ít thương lái tìm mua.
Bưởi loại 1 được tuyển chọn (mỗi quả từ 1,5kg trở lên, ngoại hình đẹp, còn nguyên cuống, lá) sẽ bán với giá cao hơn, từ 25.000 đồng/kg nhưng tỉ lệ rất thấp, chưa tới 1%.
Ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho biết: "Trước đây, mỗi ngày hợp tác xã đưa đi tiêu thụ 10 tấn bưởi, bây giờ chỉ từ 3 tấn trở lại vì Hà Nội và TP.HCM, chỗ nào cũng tràn ngập bưởi các loại".
Theo ông Ngọc Trọng, bưởi Năm Roi đang bị cạnh tranh gay gắt, gần như không tìm được đầu ra, dù vào mùa bán chưng Tết.
Hơn 80% sản lượng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa được tiêu thụ ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Nhưng hiện tại, thị trường Hà Nội và TP.HCM, thậm chí Cần Thơ sát bên Vĩnh Long, chỗ nào cũng tràn ngập các loại bưởi phục vụ Tết như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh…
Xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được xem là một trong hai nơi "phát tích" của giống bưởi Năm Roi.
Hơn 50 năm qua, dù bưởi Năm Roi được trồng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa luôn được công nhận vị trí dẫn đầu về thương hiệu, chất lượng.
Những năm trước đây, vào vụ bưởi Tết, mỗi ngày xã Mỹ Hòa có hàng trăm tấn bưởi được cung ứng ra thị trường với giá bán hấp dẫn, có thời điểm lên đến hơn 40.000 đồng/kg.
Từ vụ bưởi Tết năm 2022 và 2023, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (cùng nhiều loại trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long) gặp nhiều khó khăn về đầu ra, mất giá.
Trong vụ Tết 2024 này, giá bưởi lại tiếp tục xuống thấp như cùng thời điểm của hai năm trước đó, bán "xô ngang" tại vườn chỉ 6.000 đồng/kg nhưng cũng ít thương lái tìm mua hoặc đặt cọc.
Mỗi ha bưởi Năm Roi có thể cho thu hoạch 30 tấn quả/năm. Tuy nhiên, năng suất bưởi còn tùy thuộc vào độ tuổi của cây và mức độ đầu tư, chăm sóc.
Do giá bưởi không ổn định và giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, nhiều nhà vườn không muốn mạo hiểm dồn tiền cho cây bưởi.
Theo Hội Nông xã Mỹ Hòa, toàn xã có khoảng 500ha bưởi Năm Roi. Tuy nhiên, diện tích trồng bưởi đang có xu hướng giảm do dịch bệnh phá hại (bệnh vàng lá), người dân chuyển sang trồng vú sữa, mít Thái, sầu riêng…
Giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi (1918 - 1990) người làng Mái Dầm (nay là thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang tìm thấy.
Sinh thời, ông Bưởi làm nghề buôn bán trên sông. Một tối ông ngủ lại trên ghe bầu ở Tân Châu (vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang thời Pháp thuộc), ông vô tình nhặt được một trái cây trên sông. Trái cây da có màu xanh, ruột màu đỏ vàng. Xé ra nếm thử thấy vị ngon, mọng nước, ông lấy hạt mang về quê trồng.
Sau khi giống bưởi này được phổ biến khắp vùng quê ông Trần Văn Bưởi, nhiều người từ các nơi khác cũng đến xin giống cây về trồng. Ngày nay, bưởi Năm Roi được trồng nhiều nhất là ở Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang và Bình Minh, Vĩnh Long.
Có thể nói ở trên thế giới chỉ có hai nơi này là trồng bưởi Năm Roi ít bị sâu bệnh, trái ngọt và to. Có thể dễ dàng tìm được một trái bưởi 3 - 4kg, có trái còn nặng tới 5kg ở hai vùng này.
Còn về tên gọi, tương truyền khi xưa, vì sợ con cháu trong nhà hái trái làm mất giống cây quý nên ông Bưởi đe: "Đứa nào mà hái trái cây của ông Bưởi là ông đánh năm roi nghe chưa". Vì câu nói của ông, giống bưởi có tên gọi là "Năm Roi". Bưởi Năm Roi cũng có tên gọi riêng từ đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận