Theo đó, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là từ 0-2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tức là, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh.
Các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/tr.BTU; tỷ giá 24.520 đồng/USD.
Căn cứ vào khung giá phát điện trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện chính thức không vượt qua mức giá trần.
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước có 10 dự án, nhà máy điện khí LNG có 13 dự án.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Việc triển khai "giậm chân tại chỗ" một phần nguyên nhân do chưa xác định được giá điện, dẫn đến nhà đầu tư chưa tính toán được hiệu quả suất đầu tư.
Ngoài ra, còn có các vướng mắc liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải tỏa công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.
Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận