Xe nằm chờ vẫn phải chi 1,6 triệu/ngày
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh N.V.B., chủ xe quê Bắc Giang chia sẻ: Ngày 20/2, anh ký hợp đồng vận chuyển thanh long từ Bình Thuận đến Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn xuất khẩu qua Trung Quốc.
Các tài xế phải ăn, nghỉ, sinh hoạt trên xe tại bãi chờ đến Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
Đã hơn 1 tháng nay, xe vẫn chưa được xuất khẩu, hàng đã có dấu hiệu thối, hỏng.
“Với giá cước vận chuyển thỏa thuận trong hợp đồng là 96 triệu đồng, được ứng trước 16 triệu đồng, sau 1 tháng vận chuyển, nằm chờ, tôi đã phải chi phí 76,5 triệu đồng thuê bốc xếp lên xe, công tài xế, đổ dầu, phí cầu đường...
Đấy là chưa kể tiền khấu hao xe và khoản tiền trả lãi vay ngân hàng lúc mua xe, chuyến hàng này coi như đã lỗ nặng”, anh N.V.B. chia sẻ.
Tương tự, tài xế N.V.Đ, quê Tiền Giang cho biết, ngày 27/2, sau nửa tháng nằm chờ tại Móng Cái, anh đã buộc phải nộp 18 triệu tiền "luật" để về Lạng Sơn chờ xuất khẩu.
Tuy nhiên sau đó, do hàng hỏng nên đã phải quay đầu bán tháo. Anh cho biết, chuyến hàng đó chủ xe lỗ nặng vì bị chủ hàng lấy lý do trả hàng trong nội địa để trừ tiền cước.
Hay như trường hợp chủ xe N.T.V, trú tại TP Hồ Chí Minh cho biết đã thu lỗ hàng trăm triệu đồng sau khi vận chuyển 5 xe mít từ Tiền Giang ra cửa khẩu.
Anh cho biết, ngày 5/3 vừa qua, sau gần nửa tháng nằm chờ nhưng Cửa khẩu Bắc Luân 2, Móng Cái, Quảng Ninh vẫn chưa thông quan trở lại, công ty anh đã đưa 5 xe thanh long sang Lạng Sơn xếp lốt.
Tuy nhiên, ngoài việc phải nộp gần 11 triệu đồng tiền bến bãi, 5 xe trên đã bị “nhà luật” Đoàn Văn Chức yêu cầu đưa thêm 62.250.000 đồng tiền “luật” để chuyển hàng đến Lạng Sơn.
Đến ngày 20/3, sau 15 ngày chờ tại Lạng Sơn mà không thể xuất khẩu khiến hàng hỏng, chủ hàng đã gán tiền cước xe bằng toàn bộ số hàng trên.
Sau khi nỗ lực nhờ giải cứu, mỗi xe hàng chỉ thu được 30 triệu đồng, chưa đủ tiền đóng "luật" và bến bãi, chuyến hàng trên, chủ xe lỗ hàng trăm triệu đồng.
Theo anh N.V.B., trước việc nhiều xe buộc phải quay đầu bán tháo vì hàng hỏng, không thể xuất khẩu anh đã nhiều lần liên lạc, đàm phán với chủ hàng nhưng đều “bặt vô âm tín”, nhiều ngày chủ hàng không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn.
Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trên, anh B. đã quyết định đưa xe về nhà tại Bắc Giang để chờ giải quyết.
“Mỗi ngày xe nằm chờ ở biên giới, tôi phải chi trả 1,6 triệu đồng tiền đổ dầu để nổ máy cho xe chạy lạnh, tiền ăn, nghỉ của tài xế và thuê bến bãi trong khi đó nhiều xe ra trước mình vẫn chưa đến “lốt” lên cửa khẩu làm thủ tục thông quan.
Liên lạc với chủ hàng và lực lượng “cò”, “luật” do chủ hàng chỉ định tại cửa khẩu họ cũng không biết khi nào được xuất khẩu nên tôi đã quyết định đưa xe về nhà chờ giải quyết để giảm bớt tiền ăn nghỉ, thuê bến bãi tại cửa khẩu”, anh B. giải thích.
Cửa khẩu Tân Thanh là 1 trong số ít cửa khẩu còn xuất khẩu hàng hóa tại phía Bắc hiện nay.
Tuy vậy, ngay khi về đến Bắc Giang giữa chủ xe và chủ hàng đã xảy ra tranh chấp khi chủ hàng gọi điện yêu cầu lái xe tiếp tục quay lại “xếp lốt” chờ lên cửa khẩu vì thị trường Trung Quốc đang khan hiếm trái cây, giá bán cao.
Chủ xe cho rằng phương án quay lại cửa khẩu là bất khả thi vì sẽ tiếp tục phải “xếp lốt” cả tháng trời để lên cửa khẩu. Do vậy, đến nay, chiếc xe trên vẫn được nổ máy tại Bắc Giang để bảo quản lạnh, chờ 2 bên đàm phán, tìm tiếng nói chung.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà N.T.M.L., chủ lô hàng trên cho biết: Do gia đình có việc bận nên hôm trước đã không nghe máy của chủ xe.
Đến nay, tôi vẫn yêu cầu chủ xe cho hàng đến cửa khẩu “xếp lốt” xuất sang Trung Quốc bán. Nếu không thực hiện, chủ xe phải đền cho tôi 500 triệu đồng, bằng giá trị lô hàng tại Trung Quốc.
Nhà xe lỗ nặng
Được biết, cửa khẩu ách tắc, chi phí ăn nghỉ, xăng dầu tăng cao dù đã chờ cả tháng trời, nông sản hư hỏng, chưa thể thông quan nhưng vẫn được chủ hàng yêu cầu “bám biên”, chờ xuất khẩu, nhiều trường hợp lâm cảnh thua lỗ nặng vì chi phí lớn nhưng hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ hoặc giá bán thấp nên bị trừ, nợ tiền cước vận tải.
Theo thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, từ 9/3 đến nay, chỉ còn Cửa khẩu Tân Thanh có xe chở hàng hóa xuất khẩu thực hiện thông quan trong ngày.
Trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục xuất khẩu và thông quan từ 70 – 80 xe chở hàng hóa.
Đến nay, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 1.000 trong đó có gần 700 xe hoa quả chờ xuất khẩu.
Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục gửi văn bản đến các tỉnh, thành, doanh nghiệp khuyến cáo việc cân nhắc khi đưa xe chở hàng hóa xuất khẩu lên khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn để tránh thiệt hại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận