Thị trường

Nông sản rớt giá thảm vì tắc biên, kích cầu tiêu thụ nội địa cách nào?

27/12/2021, 10:52

Trong những ngày qua, tình trạng tắc biên tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã tác động đến giá hàng hóa nông sản trong những ngày cuối năm...

Giá rớt thảm, kích cầu nội địa thế nào?

Hàng trăm tấn nông sản la liệt bày tại cửa ngõ các cửa khẩu chờ “giải cứu” với giá chỉ còn vài nghìn đồng/kg. Hay nhiều xe hàng đã phải quay về Hà Nội hoặc các thành phố lớn, bán với giá khoảng 4.000-8.000 đồng/kg do không thể đợi thông quan.

Trong khi, hiện nay, nhiều loại trái cây của vùng ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ, giá giảm từng ngày, chỉ bằng 1/4 giá trước đó, mức 2.000-10.000 đồng, nhưng vẫn không thể tiêu thụ được do doanh nghiệp thu mua cầm chừng, thương lái bỏ cọc...

img

Mít được bán 7.000 đồng/kg tại cửa ngõ Lạng Sơn, bằng 1/3 so với giá bán thường ngày. Ảnh Vietnamnet

Nhiều ý kiến cho rằng, cần khởi động gấp rút chiến dịch tuyên truyền “Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt” dịp cận Tết…

Nhận định nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm đặc biệt là hàng nông sản của người tiêu dùng trong dịp Tết cổ truyền rất lớn, tuy nhiên, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) lưu ý, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bởi vậy, cần có cách làm mới, đột phá, sáng tạo mới đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay.

“Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương”, ông Đào Văn Hồ nói.

Dẫn kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La, thành công trong đợt giải cứu nông sản lúc cao điểm mùa dịch Covid-19, Bộ Công thương cho rằng, kết quả kích cầu tiêu thụ đạt được nhờ sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp.

Nhất là vào thời điểm trước vụ thu hoạch, là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông suốt và thuận lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Ở khía cạnh địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Lê Quốc Điền kêu gọi các doanh nghiệp và kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đầu tư vào Đồng Tháp.

Đồng thời, các hệ thống siêu thị lớn tăng cường thu mua nông sản của địa phương cho các chương trình bình ổn cuối năm…

Siêu thị sẵn sàng giảm giá dịp cuối năm

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, hệ thống đại siêu thị GO, Big C, và chuỗi siêu thị Tops Market (thuộc tập đoàn Central Retail) cũng đã đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong đó, chương trình “Giá luôn luôn thấp” được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu;

Chính sách “Khóa giá”, không tăng giá bán dịp Tết cũng được áp dụng với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng.

Tương tự, liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, nhằm thực hiện bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, đơn vị đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

Phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hanoi Co.opmart cũng cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp với đối tác để tiêu thụ hàng nông sản và hỗ trợ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và dịp cuối năm cũng đã được chuẩn bị hoàn tất, tăng từ 10-30% tùy từng mặt hàng và cam kết bình ổn giá trong dịp này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.