Thị trường

Nông sản tắc ở cửa khẩu: "Tắc ngay từ nhận thức của doanh nghiệp"

11/01/2022, 14:16

Từ ngày 1/1, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đăng ký và được cấp mã hàng, cùng mã DN mới được thông quan, song nhiều DN chưa được cấp...

DN lớn cũng phải chờ mã để xuất khẩu

Theo quy định từ phía Trung Quốc, từ ngày 1/1, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải đăng ký và được cấp mã hàng, cùng mã DN mới được thông quan. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam thông tin, đến nay nhiều hội viên của hiệp hội chưa nhận được mã để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong khi cà phê, ca cao là một trong những ngành hàng lớn theo quy định sẽ phải in mã số DN cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Số lượng sản phẩm của ngành hàng lên tới cả nghìn mã. Ngay cả nhiều DN lớn trong ngành hiện cũng phải chờ.

img

Mỗi ngày có hàng nghìn xe container phải nằm chờ tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin thêm, không chỉ gặp khó trong việc chờ cấp mã xuất khẩu, việc đáp ứng các quy định cũng rất khó khăn, bởi vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam còn manh mún.

Các DN chế biến đầu tư còn hạn chế nên khi triển khai, chắc chắn không tránh được các lỗi vi phạm. Ngay cả các nước như Anh, Nhật, Mỹ đã phải đề nghị Trung Quốc lùi thời hạn áp dụng 2 lệnh 248 và 249 sau 18 tháng để các nước có thời gian chuẩn bị.

Một số DN bày tỏ, họ đã nộp hồ sơ cho Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật của tỉnh từ rất sớm nhưng mãi đến cuối tháng 12, DN kiểm tra mới thấy hồ sơ của DN bắt đầu được gửi ra Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rồi gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Như vậy, việc chậm cấp mã xuất khẩu sẽ khiến nhiều lô hàng tiếp tục có nguy cơ ách tắc, gây thiệt hại lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này sẽ làm cho vấn đề ùn ứ tại các cửa khẩu thêm nặng nề...

"Tắc" ngay từ nhận thức của doanh nghiệp

Doanh nghiệp phải xác định được hàng hóa của mình thuộc nhóm mặt hàng nào. Nếu thuộc 18 mặt hàng nguy cơ cao thì phải đăng ký qua 5 cơ quan thẩm quyền thuộc 3 Bộ gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công thương). Đây là quy định mới nhằm thực hiện "đồng quản trị quốc tế" từ phía Trung Quốc.

Còn nếu không thuộc nhóm đó, DN sẽ đăng ký trực tiếp qua trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quố. Phần lớn DN đăng ký ngày hôm trước, thì ngày hôm sau có luôn mã.

Nhận định về việc chậm được cấp mã, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: "Tắc ngay từ nhận thức của doanh nghiệp, địa phương"

Cụ thể, có 3 điểm chính, một là dù đã được phổ biến rất nhiều lần, rất rõ ràng nhưng DN lại đi nộp hồ sơ vào Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh, trong khi đến giờ phút này không hề có một văn bản nào hướng dẫn DN phải nộp ở đây.

Điểm thứ 2 chính là việc DN đưa hồ sơ lên nộp tại Chi cục và cứ chờ mãi đến tận tháng 12 mới biết nơi nộp không đúng. Điều này cho thấy, tắc ngay từ nhận thức và sự chủ động tiếp cận thông tin từ doanh nghiệp. Đồng thời cho thấy, ngay tại các Chi cục cũng không chịu hiểu và hướng dẫn DN.

Điểm mấu chốt không kém phần quan trọng, theo ông Nam, ngay cả hình thức thực hiện cuối cùng DN cũng không nắm được đó là "mã này phải in trực tiếp trên sản phẩm, trên bao bì", nên mới xẩy ra câu chuyện DN xếp hàng lên container chờ mã, vậy “mã đóng vào đâu”.

"Tất cả điều này cho thấy, xuất khẩu bị "tắc" ngay từ suy nghĩ của DN. DN không chịu tìm hiểu, thụ động, chờ đợi nước đến chân mới nhảy", ông Nam nói và dẫn chứng: Thực tế Trung Quốc bắt đầu lấy ý kiến về 2 lệnh 248 và 249 vào tháng 9/2020. Theo thông lệ quốc tế, trong 60 ngày nếu không có ý kiến góp ý, phía Trung Quốc sẽ ban hành. Lúc đó, các đơn vị của Việt Nam hầu như không có ý kiến. Còn các DN cũng ít quan tâm về vấn đề này.

Đến giữa tháng 4/2021, Trung Quốc ký ban hành 2 lệnh này, và đến cuối tháng 9/2021 mới bắt đầu hướng dẫn cụ thể 18 loại sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy trình đăng ký cấp mã sản phẩm.

Thiếu mã, nguy cơ “tắc” xuất khẩu còn nặng nề?

Thừa nhận, việc thiếu mã có thể làm gián đoạn xuất khẩu, tuy nhiên, ông Ngô Xuân Nam đánh giá, không tác động đến việc ách tắc nông sản tại các cửa khẩu bởi, việc cấp mã là thủ tục chuẩn hóa được thực hiện cho xuất khẩu chính ngạch, trong khi phần lớn ách tắc là do hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.

"Dù siết quy định nhưng phía Trung Quốc vẫn cho cư dân mua bán tiểu ngạch với Việt Nam, do đó, tình trạng ách tắc vẫn tiếp tục diễn ra và rủi ro xuất khẩu nông sản vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Bởi vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với những quy chuẩn cao, rất khắt khe, rất cần DN Việt phải nâng cao năng lực và chuyên nghiệp nhiều hơn nữa.

Ngay từ bây giờ, các DN phải có bộ phận pháp lý quốc tế, cập nhật thường xuyên các quy định về an toàn thực phẩm, và điều kiện từ các thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của châu Âu, họ cũng có thể thay đổi liên tục, nếu DN không nắm kịp thời, rất dễ vi phạm", ông Nam nói.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, việc cấp mã sản phẩm và đăng ký DN xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là việc tổ chức sản xuất. Các DN, hợp tác xã và người dân cần phải thay đổi suy nghĩ, đánh giá lại thị trường từ tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến… nếu không hoạt động xuất khẩu sắp tới sang Trung Quốc sẽ còn nhiều khó khăn.

Ngày 24/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo kết quả lần thứ nhất cho Việt Nam, có 1.045 mã sản phẩm của các DN đã được cấp mã xuất khẩu.

Đến ngày 10/1, con số lên tới 1.389 mã. Mỗi sản phẩm sẽ được phía Trung Quốc cấp 1 mã nên số lượng trên tương ứng với khoảng 1.200 DN được cấp.

Đến thời điểm này, tất cả hồ sơ của DN gửi trước ngày 30/10/2021 đã được cơ quan chức năng gửi hết sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, không còn hồ sơ nào tồn ở các đơn vị. Trong thời gian này, chúng ta phải chờ phía Trung Quốc thẩm định và phê duyệt. Còn những DN nào chưa gửi hồ sơ trước ngày 30/10/2021, vẫn có thể gửi bình thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.