Thị trường

Nông sản xuất khẩu: Chi phí hoa hồng gấp 3-5 lần phí vận chuyển

29/10/2018, 16:06

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải, phí hoa hồng gấp 3-5 chi phí vận chuyển khiến nông sản xuất khẩu gặp khó.

un-u-nong-san-o-lang-son

Nông sản Việt Nam xếp hàng dài ở Lạng Sơn để chờ thông quan xuất sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tại hội thảo về ngành logistics sáng nay (29/10), ông Nguyễn Văn Quyền, tân chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã kể một câu chuyện liên quan nhiều tới nông nghiệp và thương mại hơn là vận tải để lý giải sự ùn ứ nông sản mà đã có thời gian cho là do vấn đề giao thông vận tải gây ra.

Nông dân tự bơi, đến khi giao - nhận mới phân loại

Ông Quyền cho biết, năm 2014 trước tình hình xe tải vận chuyển hoa quả của Việt Nam từ miền Nam ra biên giới phía Bắc mà chủ yếu là tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì để khảo sát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

Ông Quyền kể, khi đó, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục đường bộ Việt Nam mà khi đó ông Quyền còn là lãnh đạo.

“Tôi bố trí anh em khảo sát 3 ngày rồi về làm báo cáo gửi lên Bộ và Bộ Công thương với 7 giải pháp. Tôi thấy nhiều vấn đề hầu hết cơ quản lý còn đứng ngoài cuộc, để người nông dân tự tìm cách xuất khẩu trái cây, tự bơi ngoài thị trường”, ông Quyền nói.

“Khi chúng tôi khảo sát ở biên giới và tại cửa khẩu thì thấy bên Trung Quốc có Hiệp hội nhập khẩu trái cây từ Việt Nam và chỉ cấp phép 16 người được nhập khẩu và cấp phép nhập khẩu lúc nào, tiêu chuẩn ra sao và giá như nào. Còn ta, khi nào họ có tín hiệu nhập khẩu thì trong nước ồ ạt người buôn thuê xe chở trái cây ra biên giới. Có thời điểm 600-700 container chờ 3 ngày không thông quan được”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kể.

Ông Quyền cho biết, bên nhập khẩu Trung Quốc quy định rất rõ về phương thức vận chuyển, đóng gói, phân loại... nhưng đối chiếu với phía Việt Nam thì không có sự chuẩn bị.

Ông Quyền lấy ví dụ, một đơn hàng 10 tấn hoa quả nhưng khi đến làm thủ tục giao - nhận các thương nhân Việt Nam mới phân loại trái to, trái nhỏ, trái già, trái non. Trái nào bị loại thì mang ra xe chở về. Mỗi xe 10 tấn mất 4 tiếng giao - nhận nên mỗi ngày chỉ tiếp nhận cao nhất 300 xe còn lại ùn lại phía sau.

“Tôi đề xuất phải nghiên cứu cái này. Khi vào đối tác Trung Quốc nhập khẩu thì đề nghị cơ quan quản lý tại địa phương như Sở Công thương, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là liên minh hợp tác xã phải có hình thức tổ chức, làm việc với bên nhập khẩu để phối hợp, thống nhất cách thức đóng góp, tiêu chuẩn chất lượng...

Tôi đã báo cáo và thời điểm đó ông Trần Tuấn Anh là thứ trưởng Bộ Công thương, đã tổ chức cuộc họp về nội dung này nhưng sau này không thấy Chính phủ nói thêm gì nữa. Và mấy năm nay, tình hình xuất khẩu trái cây của ta vẫn như cũ. Như thế để nói, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mà cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương tới địa phương vào cuộc nhưng nói nhiều mà hành động thì ít”, ông Quyền nói.

Bao thầu, đòi hoa hồng "khủng"

Ông Quyền kể tiếp câu chuyện thứ hai. Đó là năm 2015, ngay trước thời điểm ông nghỉ hưu: “Tôi phối hợp với một số anh em để ra sàn giao dịch vận tải hàng hóa nhưng đến nay hoạt động vẫn không hiệu quả”.

Ông Quyền kể, năm 2016, ông đích thân lên cửa khẩu Hữu Nghị khảo sát nguyên nhân. Lúc đó, ông còn đóng giả làm đầu mối buôn hàng với ý tưởng cắm chốt để nắm nguồn hàng tại Lạng Sơn, qua đó kết nối vận chuyển hàng hai chiều Nam - Bắc để nâng cao hiệu quả vận tải, khắc phục tình trạng vận tải rỗng chiều về.

“Nhưng khi hỏi thì “cò” nói ông là người mới không vào được. Chúng tôi đã cắm chốt cả chục năm nay. Giờ muốn nhận container từ Hữu Nghị vào Nam thì mỗi “công” (container) 20 feet thì phải chi hoa hồng 5 triệu, còn “công” 40 feet thì 10 triệu”, ông Quyền kể. Chi phí hoa hồng trên đắt gấp 3 - 5 lần chi phí vận chuyển.

Sau câu chuyện đó, ông Quyền cho rằng, chỉ làm trên giấy tờ thì chính sách không đi vào cuộc sống.

“Khi nghiên cứu cái gì thì phải bao gồm cả vấn đề khoa học và thực tiễn mới được”, ông Quyền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.