Khám phá

NÓNG: Tàu Ấn Độ không có tín hiệu "sống lại", vĩnh viễn nằm lại mặt trăng?

23/09/2023, 07:34

Cho đến nay, bộ đôi tàu Ấn Độ Vikram và Pragyan thuộc sứ mệnh Chandrayaan-3 đã không có tín hiệu "sống lại" dù ISRO đã cố gắng hồi sinh.

Sau đêm trăng dài (bằng 14 ngày Trái đất), vào ngày 21/9, ánh sáng mặt trời cuối cùng đã chiếu tới điểm Shiv Shakti Point ở vùng cực Nam mặt trăng, khu vực nơi tàu Ấn Độ Vikram của sứ mệnh Chandrayaan 3 hạ cánh.

Tuy nhiên, theo tin tức mới nhất từ Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và Space.com, Ấn Độ cố gắng đánh thức tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan thuộc sứ mệnh mặt trăng Chandrayaan-3 nhưng không thành công, tính cho đến thời điểm này.

Vào ngày 22/9, các kỹ sư ISRO cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng họ đã nỗ lực "thiết lập liên lạc với tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan để xác định tình trạng thức dậy của bộ đôi này", nhưng không nhận được tín hiệu hồi đáp.

Tàu ấn độ Vikram

Tàu Vikram và Pragyan không có tín hiệu sau khi mặt trời mọc. Ảnh: ISRO

Cho đến nay, các kỹ sư vẫn chưa nhận được phản hồi từ hai vật thể do con người tạo ra hạ cánh đầu tiên xuống vùng cực Nam của mặt trăng.

Vào cuối tháng 8/2023, Giám đốc điều hành sứ mệnh Chandrayaan-3 - ông M. Srikanth nói với The Times of India rằng nhóm tin tưởng tàu đổ bộ và tàu thám hiểm sẽ hoạt động trở lại sau khi Mặt trời mọc.

Ông nói: "Nếu điều đó xảy ra sẽ là một phần thưởng lớn, một thành tựu quan trọng trong việc khám phá không gian, thể hiện khả năng chịu đựng và hoạt động hiệu quả trong môi trường đêm Trăng khắc nghiệt. Và nếu thất bại - 2 tàu không thể thức dậy - thì nhiệm vụ vẫn hoàn thành mỹ mãn".

Bất chấp sự lạc quan của ông M. Srikanth, việc hai con tàu có thể chịu được các yếu tố khắc nghiệt của đêm Trăng luôn là một chặng đường dài. Theo NASA , nhiệt độ ban đêm trên Mặt trăng có thể giảm xuống mức -200 độ C. Tờ New York Times cho biết, tàu đổ bộ và tàu thám hiểm của Ấn Độ không được chế tạo để chịu được cái lạnh như vậy.

Theo các nhà khoa học, đêm Mặt trăng kéo đến khiến nhiệt độ giảm mạnh, mức nhiệt giảm sâu thậm chí còn lạnh hơn cả mùa đông khắc nghiệt nhất ở Nam Cực. Cái lạnh cực độ này đặt ra một thách thức ghê gớm đối với sự sống còn và chức năng của các thiết bị trên Vikram và Pragyan.

photo-1

Bộ đôi tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan. Ảnh: ISRO

Các nhà khoa học tận tâm của ISRO đã làm việc chăm chỉ để đảm bảo phục hồi thành công các mô-đun này. Trước khi màn đêm kéo xuống, Vikram Lander và Pragyan Rover, không thể thiếu trong sứ mệnh Chandrayaan-3, được đặt trong trạng thái không hoạt động.

Pin của chúng, ban đầu được sạc bằng ánh sáng mặt trời, được bảo quản để cố gắng duy trì "sự sống" của 2 tàu. Các tấm pin mặt trời của bộ đôi được định hướng chiến lược để thu được ánh sáng đầu tiên vào lúc bình minh.

Mục tiêu chính của sứ mệnh Chandrayaan-3 là thực hiện cuộc hạ cánh nhẹ nhàng lên Mặt trăng và tiến hành kiểm tra các đặc điểm bề mặt mặt trăng, bao gồm các tính chất nhiệt và các yếu tố bề mặt của lớp đất mặt trên Mặt trăng.

Chandrayaan-3 là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ hạ cánh trên mặt trăng. Người tiền nhiệm của sứ mệnh, Chandrayaan-2 , đã bị rơi vào năm 2019 do trục trặc phần mềm. Tuy nhiên, tàu quỹ đạo của Chandrayaan-2 vẫn đang nghiên cứu Mặt trăng từ quỹ đạo.

Những cột mốc quan trọng của sứ mệnh Chandryaan-3

14 tháng 7: ISRO phóng thành công sứ mệnh Chandrayaan-3 lên quỹ đạo trái đất.

31 tháng 7: Chandrayaan-3 cuối cùng được đẩy về phía mặt trăng sau khi hoàn thành vài vòng quỹ đạo quanh trái đất.

Ngày 5 tháng 8: ISRO đặt Chandrayaan-3 vào quỹ đạo quanh mặt trăng.

Ngày 17 tháng 8: Mô-đun Vikram Lander tách khỏi bộ phận đẩy của Chandrayaan-3.

Ngày 18 tháng 8: Vikram Lander bắt đầu hành trình cuối cùng lên mặt trăng.

23 tháng 8: ISRO tạo nên lịch sử, tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 đáp xuống cực Nam mặt trăng. Tàu thám hiểm Pragyan được triển khai từ "bụng" của Vikram.

6 tháng 8: ISRO tuyên bố rằng cả ba mục tiêu chính của sứ mệnh Chandrayaan-3 đều thành công.

Ngày 2 tháng 9: Pragyan Rover đi vào giấc ngủ.

Ngày 4 tháng 9: Vikram Lander thực hiện lần hạ cánh thứ hai ở độ cao 30 cm.

Ngày 4 tháng 9: Vikram Lander đi vào giấc ngủ.

Ngày 22 tháng 9: ISRO cố gắng hồi sinh Vikram Lander và Pragyan Rover

Nguồn: Space, Businessinsider, Firstpost

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.