Chuyện dọc đường

Nông thôn mới đừng chạy theo phong trào

29/06/2016, 21:50

Vẫn còn những “điểm tối” tại một số địa phương khi xây dựng nông thôn mới. Đó là tâm lý chạy theo thành tích...

16

Đường nông thôn mới tại xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên - Ảnh: Tạ Tôn 

Hiếm có chương trình quốc gia nào đi nhanh vào cuộc sống, đẩy thành phong trào như xây dựng nông thôn mới (NTM). Không thể phủ nhận sau 5 năm triển khai, nhận thức và thái độ cộng đồng người dân đã thay đổi từ tâm thế bị động sang chủ động tham gia phong trào. 

Từ chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giờ đây đã chuyển sang hình thức “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Không thể phủ nhận sau 5 năm triển khai, nhận thức và thái độ cộng đồng người dân đã thay đổi từ tâm thế bị động sang chủ động tham gia phong trào.

Nhớ lại thời kỳ thí điểm ban đầu, ngân sách cho chương trình chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm tới nay, số vốn huy động đã lên tới hơn 263.000 tỷ đồng. Bộ mặt làng quê nhiều nơi đã “thay da đổi thịt”, tâm lý người dân cũng không kém phần phấn khởi với những công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng khang trang.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những “điểm tối” tại một số địa phương khi triển khai xây dựng NTM. Đó là tâm lý nôn nóng, chạy theo thành tích, cố vẽ cho ra công trình, dự án để tiêu vốn “khoan kiệt” sức dân... Đâu đó có những câu chuyện cười ra nước mắt khi lãnh đạo địa phương còn không biết đọc bản quy hoạch nhưng cũng chạy theo phong trào, thấy “hàng xóm” lập quy hoạch NTM, mình cũng phải làm. Để kịp tiến độ, nhiều lãnh đạo chọn cách “nhân bản quy hoạch”, copy quy hoạch “trên trời” để áp vào địa phương mình. Thế mới có chuyện, khi cấp trên kiểm tra phát hiện hồ sơ của xã nọ lại lấy tên xã kia...

Theo báo cáo các địa phương gửi về, tới nay, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản NTM đã lên khoảng 15.212 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới số nợ trên chính là do tâm lý chạy theo thành tích khi tiền chưa có đủ. Phát biểu về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng, nếu không thay đổi tư duy, cách làm thì tình trạng trên sẽ khó có thể chấm dứt. Cần có cách làm táo bạo, tạo điều kiện cho người dân chủ động làm, cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra tiêu chí yêu cầu về chất lượng.

Là người nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, đồng thời trực tiếp cố vấn cho Chương trình NTM, ông Ngọ phân tích, chi phí để đạt chuẩn NTM ít nhất mỗi xã tại đồng bằng phải chi từ 80-120 tỷ đồng, với các xã miền núi con số này tăng lên từ 170-200 tỷ đồng/xã, như vậy liệu có nguồn nào cho đủ. Do vậy, ông gợi ý, tại những vùng khó khăn, thay vì làm xã đạt chuẩn NTM, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng từ ấp, bản đi lên... chứ không phải đầu tư một lúc cho cả xã. Ngoài ra, cũng phải công khai, minh bạch vốn phân bổ về cho địa phương để cơ sở còn lượng sức mà làm.

Hơn tất cả, ông Ngọ cho rằng, Chương trình NTM cần tính tới hiệu quả thực chất. Theo đó, nếu chưa có tiền làm đường sá, cơ sở hạ tầng thì vẫn có thể tái cơ cấu sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp... nhằm tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Không ít nơi đời sống của người dân chưa được cải thiện nhưng cứ lôi đường sá to, cơ sở hạ tầng hoành tráng để chứng minh làm được NTM rồi! “Cái đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta cần làm những gì người dân mong nhất, cần nhất chứ đừng chạy theo phong trào. Làm theo phong trào mà không có điểm nhấn thì khoảng cách giàu - nghèo sẽ càng bị nới rộng không chỉ giữa nông thôn - miền núi mà ngay giữa những vùng khó khăn... điều này càng khiến người dân buồn hơn”, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.