Điều tra

Nộp tiền triệu để có "bùa hộ mệnh An Tâm", taxi "dù" thoả sức tung hoành

10/01/2022, 06:00

Các xe đều không có phù hiệu, không đồng hồ hay phần mềm tính tiền…, tự do đậu đỗ, đón khách tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Hàng chục chiếc xe taxi không phù hiệu, không đồng hồ, không đăng kí kinh doanh được Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) quy tụ về thành lập hãng taxi An Tâm để bán logo thu tiền, điều hành như một hãng taxi đã được cấp phép.

Bài 2: Nộp tiền triệu để có "bùa hộ mệnh An Tâm", taxi "dù" thoả sức tung hoành

Taxi "dù" yên tâm vì có “bùa hộ mệnh"

Sau nhiều ngày điều tra, PV ghi nhận hầu hết các xe hoạt động trong khuôn viên bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đều dán logo An Tâm và cánh tài xế xưng là “Taxi An Tâm”.

Nhưng có điều lạ, các xe hoạt động đều không có phù hiệu, không niêm yết tem mác, không đồng hồ hay phần mềm tính tiền… Các xe này tự do đậu đỗ, đón khách, ra vào cổng.

Trong khi đó, các xe taxi của các hãng như Sun taxi, Mai Linh, Quyết Tiến,... hễ chở khách vào phải ra ngay, nếu không sẽ bị bảo vệ xua đuổi.

img

Hình ảnh xe taxi dù gắn logo An Tâm hoạt động công khai trong Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tiếp cận một tài xế A. (xin giấu tên) của một hãng taxi trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, có logo An Tâm, người này cho hay: “Taxi An Tâm vừa trúng thầu và hoạt động độc quyền tại bệnh viện này. Các xe muốn hoạt động thì phải vào An Tâm, mỗi tháng đóng cho công ty 1 triệu đồng/tháng tiền bến bãi, 2 triệu đồng tiền thế chân và mua logo An Tâm 250.000 đồng.

Gắn logo An Tâm vào như có “bùa hộ mệnh”, được tự do ra vào cổng, không mất tiền vé, được vào xếp tài, bắt khách. Nếu không đóng cái đó thì bị gây khó dễ, không cho vào trong khuôn viên bệnh viện đậu, đón khách”.

img

Taxi dù để được "yên thân" hoạt động trong Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải đóng 1 triệu/1 tháng, 2 triệu tiền thế chân và mua logo 250.000 đồng. Ảnh: Hoàng Yến

Cũng theo tài xế A., có logo An Tâm, xe hoạt động không cần phù hiệu, đồng hồ tính tiền, có thể vào khuôn viên bệnh viện để chạy tự do, tới lượt ai người đó chạy và tự làm giá với khách đi xe.

Khi PV ngỏ ý có người bạn chạy taxi truyền thống nhưng do dịch không có khách, muốn đăng kí vào bệnh viện chạy, tài xế A. nói: “Vào đây chạy bắt buộc phải vào hãng An Tâm, chứ không thì không “yên thân”. Ở đây, nhiều tài xế taxi truyền thống phải mất tiền hai đầu, vừa chạy chính hãng, vừa phải bỏ tiền để mua logo An Tâm chạy”.

Mua logo để được “yên thân”!

Một ngày cuối tháng 12/2021, PV theo chân một tài xế chính hãng đi đăng kí vào taxi An Tâm để chạy trong bệnh viện. Tại văn phòng điều hành của Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm (đối diện cổng ra tòa nhà C, Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên), tài xế được một thanh niên tiếp đón.

img

Phiếu thu tiền cánh tài xế xe dù đóng cho Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm (taxi An Tâm) để được "bảo kê" hoạt động trong bệnh viện. Ảnh: Hoàng Yến

Người thanh niên nói tổng số tiền cần đóng là 3 triệu đồng, mua mào thêm 250.000 đồng nữa.

Sau khi tài xế đưa 3.250.000 đồng, người thanh niên viết phiếu thu và đưa trả lại cho tài xế. Tiếp đó, người này đưa ra 1 hợp đồng, yêu cầu tài xế kí rồi nộp lại.

Có được “bùa hộ mệnh An Tâm", chiếc xe lập tức được vô tư đậu đỗ, được xếp tài, đón khách,… khác xa với những ngày trước đó, chiếc xe chỉ cần đậu lại ở bệnh viện trong tích tắc là bị bảo vệ tới xua đuổi ngay.

Theo lời tài xế này, những xe biển trắng, đeo logo An Tâm hoạt động trong bệnh viện đều là xe dù, hoạt động trốn thuế hoàn toàn. Tất cả là xe gia đình, mang vào bệnh viện và đóng tiền cho An Tâm là chạy.

Trong đó, cũng có một số taxi chính hãng nhưng vì cuộc sống, họ buộc phải "sống chung" với xe dù, phải cắn răng đóng 1 triệu/tháng để được ở trong bệnh viện đón khách.

img

Hợp đồng phía taxi An Tâm đưa cho cánh tài xế xe dù kí sau khi đã đóng tiền. Ảnh: Hoàng Yến

“Từ khi dịch bệnh đến giờ taxi truyền thống rất khó khăn, tiền đàm, tiền thuế vẫn phải đóng, xe kinh doanh phí đăng kiểm cao hơn, cái gì cũng cao hơn cả. Nhưng chúng tôi không cạnh tranh nổi với xe dù ở bệnh viện.

Anh em taxi truyền thống bức xúc lắm, mình có phù hiệu, có đồng hồ, có biển số vàng, đóng thuế đầy đủ nhưng lại không được hoạt động ở đó nếu không đóng tiền”, một tài xế bức xúc.

Ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khẳng định: “Taxi An Tâm mới trúng thầu một tháng nay và hai bên đã kí hợp đồng. Trước đây, bệnh viện đấu thầu rất nhiều lần nhưng không ai tham gia, vừa rồi bệnh viện tổ chức đấu thầu, taxi An Tâm tham gia và trúng thầu.

Bệnh viện làm hồ sơ đấu giá theo đúng quy định. Chỉ có một mình An Tâm nộp hồ sơ chứ có ai nộp đâu, mấy đơn vị kia đâu có đủ năng lực, với họ sợ lỗ nên họ không nộp hồ sơ. Taxi An Tâm trúng thầu và được hoạt động một cách công khai tại bệnh viện”.

“Vấn đề công ty thu tiền, quy định như thế nào là do công ty. Bệnh viện chỉ có ràng buộc trong hợp đồng thôi. Công ty mời xe vào để đăng kí công ty họ thì họ có luật riêng làm sao mình can thiệp được, chứ không lẽ cho xe vào công ty mà không đóng tiền sao được?”, ông Phong khẳng định

img

Sở GTVT Đắk Lắk mới chỉ cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm, sau đó doanh nghiệp tập hợp các xe taxi dù để bán logo, thu tiền và gọi là taxi An Tâm.

Ông Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm (taxi An Tâm) cho biết, taxi An Tâm vừa trúng thầu hoạt động tại bệnh viện, mỗi tháng đóng cho bệnh viện 26 triệu đồng.

"Thực tế công ty kí hợp đồng 20 xe, giờ vào 30 xe nhưng công ty vẫn lỗ, vì 1 xe đóng cho công ty có 1 triệu tiền phí quản lý.

Mỗi xe vào công ty chạy thì đóng 1 triệu đồng tiền phí quản lý, tiền thế chân 2 triệu. Số tiền giữ chân 2 triệu đồng này, nếu xe chạy không đúng quy trình thì để xử phạt vào đó, công ty nào cũng vậy thôi, đã là hợp đồng thì phải có ràng buộc.

Logo An Tâm của công ty làm ra thì cấp lại cho xe, cái đó không quan trọng. Hiện tại, anh bắt xe bỏ cái mào An Tâm lên để cho xe ra vào đón bệnh nhân, có xe đó (logo An Tâm) thì cổng mới cho vào. Về mặt doanh nghiệp của anh, chỉ gắn camera hành trình để tính tiền là xong, còn giấy phép anh đầy đủ hết, đâu có thiếu gì đâu. Phù hiệu, giấy phép của Sở GTVT cấp cho anh hết rồi, trước lúc đấu thầu”, ông Oanh khẳng định

img

Mặc dù Công ty An Tâm không đủ điều kiện để hoạt động taxi nhưng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn kí hợp đồng, tạo điều kiện cho xe taxi dù hoạt động.

Theo tìm hiểu, ngày 3/12/2021 sau khi có thông báo trúng đấu giá của Công ty Đấu giá Hợp Danh Đắk Lắk, ngày 14/12/2021 giữa ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và ông Phạm Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm đã kí hợp đồng cho thuê bãi đậu xe taxi.

Theo đó, hai bên đã thống nhất ký hợp đồng cho thuê taxi tại khuôn viên bệnh viện gồm diện tích sử dụng 200m2, tại sảnh trước khối nhà hành chính và khoa khám thuộc khuôn viên bệnh viện. Nội dung kinh doanh hợp đồng để vận tải hành khách bằng xe taxi với giá cho thuê 305.000.000đ/năm và thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng, tính đến hết ngày 19/12/2022.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, dù Sở có cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi cho Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân An Tâm, nhưng chưa cấp phù hiệu nào cho xe taxi An Tâm.

"Đối với taxi muốn hoạt động phải đúng quy định, phải có phù hiệu, xe đăng kí kinh doanh, có biển số vàng, giám sát hành trình,…", đại diện Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.