Nhạc sỹ Phú Quang |
VCPMC: Nhạc sỹ Phú Quang sai lệch và bịa đặt?
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm) khẳng định thông tin do bài báo đăng tải theo những phát ngôn của nhạc sĩ Phú Quang là những thông tin sai lệch và bịa đặt mà nhạc sĩ Phú Quang cố ý đưa ra. Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc VCMPC, đã trả lời Báo Giao thông cụ thể về từng vấn đề.
Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ với truyền thông thời gian gần đây về việc các tác giả đang nhận được tiền từ VCPMC chẳng đáng là bao. Phía VCPMC chẳng bao giờ dám công khai số tiền chi trả thực tế ấy. Ông Phương trả lời, trong tất cả các báo cáo hoạt động qua các năm, Trung tâm đều công khai số tiền thu được và số tiền chi cho các nhạc sĩ.
"Theo tôi được biết, VCPMC hiện nay có gần 100 tỉ đồng đang gửi ngân hàng. Số tiền ấy họ lấy ở đâu ra. Đó là tiền thu được từ tác quyền chứ ở đâu." Nhạc sĩ Phú Quang |
Ông Phương nhấn mạnh: Trung tâm công khai việc chi trả ấy với chính tác giả để đảm bảo đúng thỏa thuận, ủy quyền và tôn trọng quyền riêng tư của tác giả, chứ không tùy tiện công khai khi không cần thiết.
Trước phát biểu của nhạc sĩ Phú Quang: “Theo tôi được biết, VCPMC hiện nay có gần 100 tỉ đồng đang gửi ngân hàng. Số tiền ấy họ lấy ở đâu ra. Đó là tiền thu được từ tác quyền chứ ở đâu. Tiền thu giúp các nhạc sĩ sao họ lại gửi ngân hàng?”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay: “Đến chúng tôi còn không biết đến bao giờ chúng tôi mới có 100 tỷ đồng thì nhạc sĩ Phú Quang lấy đâu ra con số kì lạ đấy để phát biểu. Không có căn cứ rõ ràng là bịa đặt. Chúng tôi rất muốn biết sự bịa đặt này sẽ mang lại lợi ích gì cho nhạc sĩ Phú Quang hay chỉ đơn thuần là do thiếu ý thức luật pháp và sự tùy tiện vốn có trong cách phát ngôn của ông?”.
Thực tế, Trung tâm thu là để trả cho các tác giả. Sau khi trừ thuế GTGT và trừ hành chính phí theo đúng hợp đồng ủy quyền, Trung tâm sẽ tiến hành chi trả đầy đủ cho các tác giả đều đặn vào mỗi quý trong năm. Tỉ lệ chi trả mỗi quý đều đạt trên 90% tổng số tiền phân phối, chỉ còn một lượng tồn không nhiều do các nguyên nhân khách quan như: Tác giả đã được thông báo nhưng chưa đến nhận, tác giả hẹn chờ nhiều quý rồi nhận một lần, tác phẩm đang chờ xác minh, tác phẩm đang có tranh chấp về đồng tác giả, về phát sinh, thừa kế, tác phẩm chờ thông tin do Tổ chức Thành viên quốc tế (CMO) chưa cập nhật lên hệ thống dữ liệu, tác phẩm chờ tìm đồng tác giả hoặc chờ tìm tác giả phần thơ, phần lời…
Tại Văn bản số 649/C46 (P4) ngày 11/6/2012 về kết quả xác minh hoạt động của Trung tâm, Cục Cảnh sát kinh tế C46 đã xác minh rõ: “Về cơ bản, Trung tâm thực hiện việc thu tiền sử dụng tác phẩm, thanh toán với tác giả đúng theo quy định của luật pháp và các quy định khác đã ban hành; nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân… đầy đủ”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Công tác tài chính được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán độc lập
Trung tâm khẳng định điều nhạc sĩ Phú Quang nói là hoàn toàn sai trái, xa rời thực tế hoạt động của Trung tâm khi nhạc sĩ này đã phát biểu: “Họ không thu theo bài mà thu khoán, thu theo cách đổ đồng. Như thế là sai. Các tác giả sẽ không biết được tiền tác quyền họ đáng ra được nhận là bao nhiêu. Mà VCPMC đưa cho bao nhiêu thì chỉ biết có bấy nhiêu”.
Bởi, khi thu tác quyền theo bài hay thu theo mức khoán còn tùy thuộc vào hình thức sử dụng âm nhạc, căn cứ vào đặc thù của loại hình kinh doanh hay mỗi lĩnh vực sử dụng âm nhạc khác nhau. Đối với nhiều lĩnh vực: Biểu diễn, băng đĩa, nhạc phim, nhạc quảng cáo, nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc website…, Trung tâm thu theo bài, thậm chí mỗi bài phải thu theo lượt sử dụng.
"Đến chúng tôi còn không biết đến bao giờ chúng tôi mới có 100 tỷ đồng thì nhạc sĩ Phú Quang lấy đâu ra con số kì lạ đấy để phát biểu. Không có căn cứ rõ ràng là bịa đặt." Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như: Quán karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, phòng tập thể dục, cách tính mức tiền sử dụng quyền tác giả được căn cứ theo kê khai của người sử dụng, qua khảo sát thực tế về quy mô, sức chứa của địa điểm kinh doanh qua số phòng, số ghế, diện tích. Căn cứ theo hình thức sử dụng nhạc sống hay nhạc nền. Ngoài ra, còn căn cứ theo công suất hoạt động, tình hình kinh doanh của mỗi cơ sở kinh doanh như quán đông khách tính khác với quán vắng khách. Dựa trên các căn cứ đó cùng với biểu mức nhuận bút Trung tâm đưa ra làm cơ sở để thỏa thuận ban đầu. Trung tâm và cơ sở kinh doanh sẽ thỏa thuận, đàm phán để đi đến thống nhất một mức thu, thông thường là khoán cho 1 năm sử dụng.
Hoàn toàn không có chuyện “VCPMC đưa cho bao nhiêu thì chỉ biết có bấy nhiêu” như nhạc sĩ Phú Quang phát biểu. Tác giả khi nhận tiền đều có phiếu chi, xem và ký xác nhận bảng kê chi tiết số tiền trả cho mỗi tác phẩm được sử dụng; nếu tác giả không đến nhận tiền trực tiếp tại Trung tâm thì sẽ gửi thông tin qua email để tác giả biết, hoàn toàn rõ ràng, minh bạch.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm thực hiện chế độ báo cáo hoạt động với cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Liên minh quốc tế các Hiệp hội Nhà soạn nhạc và lời (CISAC), các tổ chức quốc tế tương ứng có hợp đồng hợp tác song phương với trung tâm.
Công tác tài chính của Trung tâm được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán độc lập, theo tiêu chuẩn quốc tế. Báo cáo kiểm toán được gửi đến CISAC, tất cả các tổ chức quốc tế tương ứng có hợp tác song phương với VCPMC, các cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Mỗi tháng nhận 200 trang liệt kê chi tiết Tôi sẽ là người đầu tiên không đứng về phía nhạc sĩ Phú Quang trong những phát ngôn này về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả. Việc thu tiền bản quyền từ các chương trình ca nhạc, từ những đơn vị tổ chức là hoàn toàn đúng. Người có ý thức và hiểu biết về pháp luật tự thấy mình có nghĩa vụ thực hiện điều đó chứ không phải trốn tránh nó. Những vấn đề khác về thu chi, bản thân tôi thấy rõ ràng, minh bạch. Mỗi quý nhận được 1 xấp hồ sơ khoảng 200 trang liệt kê chi tiết những đơn vị, tổ chức sử dụng nhạc của tôi. Về vấn đề tranh chấp bản quyền, Trung tâm cũng luôn tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của tôi mỗi khi gặp vấn đề. Ví dụ như vụ kiện đạo nhạc ca khúc “Vầng trăng khóc”, chính Trung tâm bỏ tiền ra cho tôi qua Singapore đến Trung tâm SISAC để giải quyết, hay như vụ phát sinh bài hát “Chiếc khăn gió ấm” vừa rồi với Điền Quân, Trung tâm cũng nhiệt tình giải quyết giúp tôi. Nhạc sĩ Vinh Sử: Có khi nhận 30 triệu đồng/tháng Mỗi quý tôi thường được nhận từ VCPMC một danh sách dài chi tiết những đơn vị, tổ chức sử dụng nhạc của tôi. Trung bình, mỗi tháng được nhận từ 10-30 triệu đồng tiền tác quyền. Cuối năm có khi 40-50 triệu đồng. Tôi thấy đây cũng là số tiền tương đối. Trước đây, tôi đi đòi tiền tác quyền họ đâu có trả, nhưng nhờ VCPMC mà tôi có tiền trang trải cuộc sống. Nhạc sĩ Văn Cao nhận 400 triệu đồng tiền tác quyền mỗi năm Nhạc sĩ Nghiêm Bằng, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết, từ khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra và kết luận VCPMC làm việc đúng theo quy định của Nhà nước, nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự công khai, minh bạch của Trung tâm. Từ trước đến nay, tiền tác quyền của cha tôi là cố nhạc sĩ Văn Cao đều được Trung tâm trao trả cho gia đình đầy đủ, đúng luật. Kể cả tác phẩm của anh em chúng tôi, hàng năm đều nhận được báo cáo, tổng kết, doanh thu và cả số lần sử dụng tác phẩm của từng người được chuyển tới tận tay. “Trung bình mỗi năm gia đình tôi nhận được tác quyền của nhạc sĩ Văn Cao là từ 300-400 triệu đồng”, nhạc sĩ Nghiêm Bằng tiết lộ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận