Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thời điểm hiện tại chưa thích hợp xây nhà hát, vì còn nhiều thứ cần ưu tiên hơn |
Liên quan tới những xôn xao của dư luận về chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), chia sẻ với Báo Giao thông, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, anh thấy việc xây dựng một nhà hát đạt chuẩn, đẹp, rộng rãi, chuyên nghiệp đúng là cần thiết cho sự cống hiến và biểu diễn nghệ thuật (đối với nghệ sĩ), thưởng thức nghệ thuật (đối với khán giả).
Dù vậy theo nam nhạc sĩ, hiện nay, TP.HCM còn quá nhiều vấn nạn phải ưu tiên như giáo dục (trường học còn thiếu và cơ sở vật chất chưa tốt), giao thông (đường sá chật hẹp, xuống cấp), y tế (bệnh viện quá tải, nhất là bệnh viện Nhi)... thì việc xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch bây giờ là xa xỉ và không được lòng dân.
"Vả lại, xây dựng với số tiền 1.500 tỷ có quá phung phí hay không, làm sao xác định được là có kê khống, tham nhũng hay không? Cuối cùng là xây dựng trên đất Thủ Thiêm, khu đất vừa rồi còn quá nhiều uất ức của người dân chưa được giải quyết xong.
Tổng hợp cả 3 yếu tố trên, tôi tin không chỉ tôi mà bất cứ người nào cũng cảm thấy là có nên hay không. Tôi cũng tin bất cứ người nào có tri thức, có lòng quan tâm tới người dân và sự phát triển của đất nước cũng cảm thấy có nên hay không!", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Địa điểm dự kiến xây dựng nhà hát mới là tại Khu đô thị Thủ Thiêm. (Ảnh: Zing) |
Anh cũng chỉ ra, các nhà hát trong TP.HCM hiện nay còn chưa được sử dụng hết công suất vì nhiều lý do. Thứ nhất, bản thân những chương trình của các Hội biểu diễn nghệ thuật diễn trong các nhà hát chưa thu hút được đông đảo người dân (do dân trí chưa cao, truyền thông chưa rộng khắp, chưa hình thành thói quen và gu thưởng thức nghệ thuật).
Thứ hai, chi phí thuê nhà hát cao, nhưng trang thiết bị lại không cập nhật mới, hiện đại. Điều đó dẫn đến những đoàn nghệ thuật nước ngoài khi đến biểu diễn phải thuê hệ thống âm thanh ánh sáng, màn hình led từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp bên ngoài. Những đơn vị sản xuất chương trình trong nước cũng phải thuê như vậy. Do đó, đầu tư chương trình cao, giá vé cao, hạn chế khán giả.
Thứ ba, bản thân những người nghệ sĩ khi đi xin địa điểm tổ chức ca nhạc thường không được các nhà hát hỗ trợ. Họ phải thuê với chi phí khá cao, dẫn đến sự ngại ngần và e dè khi họ muốn làm chương trình. Về những điều này, hiện tại, chỉ có Nhà hát Bến Thành là hoạt động khá tốt khi thường xuyên có những chương trình phù hợp với đại đa số người dân về cả mặt nội dung và chi phí vé.
"Nói thật lòng và thẳng thắn, hầu hết đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mỗi tháng cứ phải tính đến chuyện cơm áo gạo tiền. Ngay cả thói quen nghe nhạc trả phí họ còn không làm được, thì làm sao có thể khiến đại đa số người dân hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật, nhất là nghệ thuật hàn lâm?", nhạc sĩ của "Nhật ký của mẹ" bày tỏ.
Trước đó, trong kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường) diễn ra tại Hội trường Thành ủy (quận 3, TP.HCM) vào ngày 8/10, HĐND TP.HCM đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018-2022. Điều này đã gây ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều từ phía dư luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận