NSND Bạch Tuyết lên tiếng
Trên trang cá nhân, NSND Bạch Tuyết vừa lên tiếng sau ồn ào liên quan đến bằng tiến sĩ của mình.
Thời gian qua, nhiều thông tin cho rằng, bằng tiến sĩ của bà chỉ là chứng nhận khen thưởng của Royal Academy of Dramatic Art (RADA) ở Anh.
Trong bài viết mới nhất, NSND Bạch Tuyết khẳng định, đời bà chỉ duy nhất là hát cải lương.
Việc có được cơ hội học tập, tìm hiểu, bồi bổ thêm tri thức ở bất kỳ đâu, dưới hình thức nào cũng là nhằm mục tiêu sau cùng, trên hết để bà phụng sự cải lương. Từ đó, phục vụ khán giả, bày tỏ lòng biết ơn Tổ nghề, lòng tự hào về văn hóa dân tộc của một công dân, nghệ sĩ.
"Những gì nỗ lực từ bản thân, trong điều kiện cho phép, tôi đã cố gắng hoàn thiện tri thức còn nhiều thiếu, sót của mình.
Những gì tôi đã học hỏi, đã bảo vệ luận án, đã được các cơ quan hữu quan chứng nhận, cấp văn bằng trong điều kiện cách đây 30 năm. Tôi luôn trân trọng, biết ơn. Đó là hành trang ý nghĩa trong cuộc đời nghệ sĩ dân tộc của tôi", nữ nghệ sĩ bày tỏ.
Kèm theo bài viết, NSND Bạch Tuyết còn chia sẻ bài viết của một tác giả tên Nam Phan - có nội dung xoay quanh tấm bằng tiến sĩ của bà.
Theo đó, tác giả Nam Phan nói rằng, NSND Bạch Tuyết làm nghiên cứu sinh tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh quốc gia Bulgaria (National Academy of Theatre and Film Arts, NATFA).
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ bà được Ủy ban Chứng thực trung ương của Bulgaria (Higher Attestation Commission, HAC) cấp bằng tiến sĩ vào ngày 15/8/1996 với số bằng là 24348. Ở Bulgaria, tại thời điểm đó, HAC chịu trách nhiệm cấp bằng tiến sĩ chứ không phải là các đại học cấp bằng tiến sĩ như ở các nước phương Tây.
Đến năm 2007, Bulgaria chính thức gia nhập EU, bắt đầu tiến hành cải cách hệ thống giáo dục. Vài năm sau đó, HAC hoàn thành sứ mệnh lịch sử, quyền cấp bằng tiến sĩ được giao về cho các đại học giống như những nước EU khác.
"Hiện tại, toàn văn luận án tiến sĩ của NSND Bạch Tuyết vẫn còn lưu ở thư viện của NATFA. Luận án tiến sĩ này có tổng cộng 223 trang, với mã số tìm kiếm là УД-26/1-004/1995. Bà Bạch Tuyết có làm luận án tiến sĩ tại NATFA thì NATFA mới lưu luận án tiến sĩ của bà ở thư viện. Trên bằng tiến sĩ của bà có ghi "Educational and Scientific Degree Doctor". Đây là bằng tiến sĩ truyền thống chứ không phải bằng tiến sĩ danh dự.
Một số văn bản về bổ nhiệm giảng viên ở Bulgaria trong phiên bản tiếng Anh cũng dùng cụm từ "Educational and Scientific Degree Doctor" này khi yêu cầu bằng cấp để tuyển dụng vào ngạch giảng viên.
Trên trang web của NATFA có nói về bằng tiến sĩ danh dự mà họ cấp cho một số người nổi tiếng, và họ dùng cụm từ "Doctor Honoris Causa".
Như vậy, từ năm 1996 đến nay, gọi Tiến sĩ Bạch Tuyết là hợp lý vì bà Bạch Tuyết thật sự có bằng tiến sĩ chứ không phải bằng tiến sĩ danh dự", tác giả Nam Phan khẳng định.
Về mối liên hệ giữa NSND Bạch Tuyết và Royal Academy of Dramatic Art (RADA), tác giả Nam Phan cho rằng, NSND Bạch Tuyết đã thực hiện luận án tiến sĩ một phần tại NATFA và một phần tại RADA.
Song song thời gian này, bà còn theo học một số lớp học tại RADA, tổng cộng là 10 môn học, có giấy xác nhận của RADA. Các lớp học này chỉ là một phần nhỏ trong chương trình đào tạo tiến sĩ.
Tùy thuộc vào yêu cầu của từng cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh phải học số lượng môn khác nhau. Thậm chí có những đại học không yêu cầu nghiên cứu sinh học môn nào mà chỉ tập trung toàn thời gian để làm luận án tiến sĩ.
"Theo thông lệ quốc tế, cùng một luận án tiến sĩ không thể có 2 nơi cùng cấp bằng, chỉ có NATFA cấp bằng tiến sĩ thông qua HAC. RADA không có chức năng cấp bằng sĩ, nên họ cấp giấy chứng nhận 'Honorary Recognition' cho luận án tiến sĩ của bà. Có thể xem đó là giấy khen vinh danh luận án tiến sĩ của cô, cũng có thể xem đó là bằng tiến sĩ danh dự mà RADA trao cho bà.
Luận án tiến sĩ của bà hiện tại còn lưu ở thư viện của RADA, được viết bằng tiếng Anh, có mã số 792.095. Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với giấy xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh vào ngày 31/10/1995, là NSND Bạch Tuyết đã hoàn thành luận án tiến sĩ", tác giả phân tích thêm.
Toàn cảnh vụ ồn ào bằng cấp của NSND Bạch Tuyết
Cuối tháng 11, mạng xã hội xôn xao khi có người nói không tìm thấy tên nữ nghệ sĩ trong danh sách cựu sinh viên của RADA, đồng thời nghi ngờ bằng tiến sĩ của bà là giả.
Phía NSND Bạch Tuyết cung cấp giấy tờ chứng minh việc học và được cấp bằng tiến sĩ.
Ngay sau khi thông tin nổ ra, đại diện của NSND Bạch Tuyết khẳng định việc học cũng như được cấp bằng của nữ nghệ sĩ hoàn toàn là có thật.
Cụ thể, từ năm 1991-1995, NSND Bạch Tuyết được chấp thuận vào học tại Royal Academy of Dramatic Art.
Tháng 10-1995, NS Bạch Tuyết bảo vệ luận án "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á".
"Sau gần quá trình theo học, với 10 bộ môn và đạt tổng số giờ học, luyện tập theo yêu cầu là 124 tín chỉ (trong lần xuất bản đầu, bài viết ghi là 124 giờ do có sự nhầm lẫn), tháng 10/1995, NSND Bạch Tuyết bảo vệ luận án "Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á" và được Hội đồng chấm luận án thông qua", đại diện của NSND Bạch Tuyết cho hay.
Người đại diện khẳng định, trong quá trình theo học, nghệ sĩ Bạch Tuyết đều đến báo cáo cũng như sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại London (Anh).
"Sau khi về nước, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã gửi báo cáo quá trình học tập, bảo vệ luận án ra Bộ văn hóa, Thành ủy TP.HCM, Sở Văn hóa, Hội Sân khấu TP.HCM, và gửi cả luận án đến Giám đốc Sở và Tổng thư ký Hội Sân khấu thời điểm ấy", người đại diện cho hay.
Cùng với đó, phía NSND Bạch Tuyết cũng đưa ra giấy tờ để chứng minh. Người đại diện phản hồi thêm:
"Việc nỗ lực theo học một chương trình nghệ thuật ở Viện Hàn lâm kịch nghệ có uy tín ở nước ngoài, đối với một nghệ sĩ dân tộc không ngoài mục tiêu để hiểu hơn và phát huy vốn quý của loại hình sân khấu cải lương nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung với công chúng mọi miền. Cũng như, từ đó có thể làm giàu thêm nguồn sáng tạo, làm mới nghệ thuật cải lương theo đúng tinh thần của loại hình sân khấu phương Nam này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận