Ở tuổi 83, khi mà nhiều người chọn cách sống một cuộc sống an yên tuổi già bên gia đình, thì NSND Kim Cương lại chọn thiện nguyện làm lẽ sống. Bà nói, nếu không làm từ thiện, chắc bà đã tìm đến cái chết sau khi rời xa ánh đèn sân khấu.
Tết xưa con cháu sum họp, chung vui với gia đình
Một năm trôi qua thật nhanh, Ký ức Tết cổ truyền đối với NSND Kim Cương với anh em đoàn diễn mà khiến bà nhớ mãi?
Với những người nghệ sĩ, ngày Tết chúng tôi thường gắn bó với hai gia đình. Trong đó có gia đình ruột thịt và gia đình của đoàn hát. Tôi thường sống với gia đình thứ hai nhiều hơn. Mấy chục năm rồi, chúng tôi vẫn sống đoàn kết, gắn bó với nhau như một gia đình, đi hết tỉnh này đến nơi khác mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngày đó, cứ 7 giờ sáng mồng 1 là chúng tôi lại xách áo ra rạp. Trong này, ngày Tết bà con chỉ đi chùa, đi nhà thờ rồi đi coi hát nên chúng tôi cứ ở đoàn riết từ ngày mồng 1 đến mồng 10. Riêng ngày mồng 1 có khi tôi phải diễn đến 3 suất mà vẫn không hết. Lúc đó vui lắm! Trong những giờ cơm trưa, người đem cá kho, người đem thịt kho… mọi người góp ăn chung với nhau. Thế là thành thói quen, cứ đến giờ đó là anh bảo vệ đọc tên từng người ra nhận cơm người nhà gửi đến, giống như chia cơm… ở tù vậy. Trong năm chỉ có 10 ngày chúng tôi được diễn 3 suất. Mệt thì có mệt, nhưng vẫn vui vì được phục vụ khán giả, đem niềm vui đến cho mọi người. Ngoài ra còn có… tiền nữa, mà tiền lương thì được trả gấp ba chứ không như bình thường, thậm chí gấp 4. Bởi vậy, sau tết ai cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Thành ra ai cũng vui cả. (Cười)
Còn một kỷ niệm rất vui với má (NSND Bảy Nam – PV) nữa. Trong đoàn, má tôi là người lớn tuổi nhất lúc đó cũng bảy mấy 80 rồi. Mỗi khi diễn xong lại kiếm chỗ cho má ghé lưng nằm. Má đang mơ màng, tụi tôi lại gọi má dậy, má lại hỏi: “Ủa tao diễn rồi mà tụi bay còn bắt tao diễn nữa?”. Chắc do má diễn nhiều quá nên má quên.
NSND Kim Cương sinh năm 1937 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật với mẹ là cố NSND Bảy Nam, cha là “ông bầu” đoàn cải lương Đại Phước Cương – Nguyễn Phước Cương. Bà từng được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam chính thức xác là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Năm 2017, bà được tạp chí Forbes Việt Nam chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Rời xa sân khấu, cái Tết của NSND Kim Cương khác nhiều chứ?
Mười mấy năm nay, tôi không còn ở đoàn hát nữa nên tôi dành thời gian sống trọn vẹn với gia đình ruột thịt của mình. Cái vui của tôi là lo cho gia đình, gìn giữ nếp nhà như ngày xưa má vẫn dạy. Má tôi là người rất tỉ mỉ, truyền thống. Má dặn, tối giao thừa con cháu phải cúng ông bà tổ tiên. Sau đó cả gia đình quây quần bên nhau mừng tuổi, chúc sức khoẻ má và ăn uống vui vẻ với nhau.
Đến khi má mất, 17 năm nay, sáng mồng 1 năm nào gia đình tôi cũng đến thăm mộ má, mừng tuổi cho má. Sau đó, các con cháu đi thăm gia đình, bạn bè. Riêng tôi có một trường dạy nghề cho người khuyết tật với khoảng hơn trăm người. Có người ở đây, có người tận Bắc Ninh, Hà Nội không về với gia đình, tôi ở đó chơi với các con. Mấy má con quay ra, quay vào rồi cũng hết 3 ngày Tết thôi.
Cuộc sống ngày một xoay vần, Tết xưa và nay trong cảm nhận của bà có sự thay đổi như thế nào?
Riêng cá nhân của tôi, lúc nào tôi cũng mơ, nhớ lại những ngày 30 Tết của những năm trước. Lúc đó cuộc sống hiền hoà hơn, ngày 30 Tết êm đềm, lãng mạn lắm. Chỉ đến 12 giờ trưa ngày 30 thôi, các tiệm đã đóng cửa, đường phố thưa người qua lại. Ngày xưa, lễ tết là ngày con cháu về sum họp, chung vui với gia đình. Bây giờ, tôi cảm tưởng càng ngày lễ, các bạn trẻ càng kéo nhau ra đường, hàng quán bán rầm rộ. Đúng là ngày Tết hiện nay ồn ào, náo nhiệt hơn nhưng lại thiếu sự êm đềm và thiêng liêng của ngày Tết.
Tôi rời bỏ sân khấu sớm vì không còn má
NSND Kim Cương nhiều lần nhắc đến má Bảy Nam, má bà có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời và lối sống của bà?
Má con tôi là cặp mẹ con không bình thường. Má đối với tôi vừa là người mẹ, vừa là người thầy, vừa là người bạn tri kỷ. Trong nhà có 2, 3 đứa em nữa nhưng tôi và má gần nhau nhất, hiểu nhau nhất, thương nhau nhất. Tôi còn nhớ, hồi má còn sống, phóng viên tìm đến phỏng vấn, có hỏi tác phẩm nào má tôi thích nhất. Má có trả lời rằng: “Tác phẩm tôi thích nhất là con Kim Cương”.
Người ta báo hiếu cho mẹ, người ta sắm hột soàn, quần áo, còn tôi chỉ biết báo hiếu bằng cách chọn những vở má thích, viết lại cho má diễn, má cũng rất tự hào về điều đó. Còn nhớ năm ấy, 11 giờ đêm, tôi đang ngủ má bất ngờ kêu: “Kim Cương, viết cho má một vở má làm điên. Má thích làm điên, má vừa nghĩ ra cách làm điên trên sân khấu rất hay”. Thì nửa tháng sau đó, kịch “Về nguồn” ra đời. Má tôi đã thể hiện rất ấn tượng vai người điên trong vở đó.
Má con tôi còn đồng điệu đến mức, có những tác phẩm như “Lá sầu riêng” chẳng hạn, khi má mất rồi tôi cũng không diễn nữa vì không có ai diễn ăn ý với tôi như má. Một trong những lý do tôi rời bỏ sân khấu sớm cũng là vì không còn má, tôi không còn động lực để làm nghề nữa.
“Con mất mẹ như diều đứt dây”, đến khi nào bà cân bằng lại cuộc sống giữa bộn bề sóng gió khi má qua đời?
Khi mẹ mất, tôi mất chỗ dựa. Ngay cả bây giờ, lúc nào tôi cũng nhớ đến má. Nếu đau khổ, cần chia sẻ thì tôi chỉ còn bàn thờ của má. Mỗi năm, bất cứ chuyện gì tôi làm mà có kết quả tốt, người đầu tiên tôi nhớ đến má. Vì nhờ công đức của má, nhờ những điều dạy dỗ của má mà tôi mới có được suy nghĩ và lối sống như ngày hôm nay. Đã 17 năm rồi, má đã đi xa, nhưng câu chuyện với má với tôi vẫn như ngày hôm qua.
Bà đã rời xa sân khấu, người bạn tâm giao như má cũng không còn, bà tìm niềm vui, an yên tuổi già ở điều gì?
Cuộc sống của tôi bây giờ rất ổn. Không có tiền nhiều nhưng con cái đều có hiếu. Tôi có được 4 đứa cháu nội, đứa nào cũng học giỏi và rất có hiếu với bà.
Tôi khác mọi người là không biết làm ăn buôn bán, không biết tính toán. Nên tôi chỉ biết làm nghệ thuật và làm thiện nguyện. Bây giờ, niềm vui của tôi chỉ còn ở gia đình và công tác từ thiện, mang lại niềm vui cho những mảnh đời khó khăn.
Ở tuổi 83 vẫn đau đáu với công tác thiện nguyện, có khi nào bà bị nói là lo chuyện bao đồng?
Người nghệ sĩ rời xa sân khấu giống như cá mắc cạn vậy. 40 năm gắn bó với sân khấu, tôi có khán giả, bạn bè, đồng nghiệp. Bây giờ, tôi chỉ có một mình, gắn bó với cô đơn thì không có công tác thiện nguyện, chắc tôi tự tử lâu rồi.
Đối với tôi, đó là hai công việc khác nhau nhưng lại có mối quan hệ và kết quả giống nhau. Đó là cùng mang lại niềm vui cho cuộc đời. Tôi diễn hay, bà con ủng hộ thì tôi vận động bà con giúp đỡ cho những người khó khăn. Tôi đi diễn nhiều nơi, học hỏi nhiều điều nên tôi chứng kiến được nhiều mảnh đời, tôi đem lên sân khấu những đau khổ mà những người phụ nữ khác chưa thể nói ra, không thể nói ra. Tôi vui vì tôi làm được nhiều điều ý nghĩa cho cuộc đời này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận