Showbiz

NSND Trịnh Kim Chi: Trót đam mê nên vẫn làm sân khấu, dù nghèo

23/03/2024, 13:57

Thừa nhận khó khăn khi gắn bó với sân khấu, song NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ, dù thế nào những người làm nghề chân chính vẫn kiên trì theo đuổi, vì đã trót đam mê.

Tiếp tục cống hiến hết mình

Cảm xúc của chị từ khi nhận danh hiệu NSND đến nay thế nào?

Từ hôm nhận danh hiệu NSND, rất nhiều người đã gọi điện chúc mừng, tặng hoa, tổ chức tiệc chúc mừng cho tôi. Cảm giác đến giờ vẫn lâng lâng, tâm trạng vẫn còn hứng khởi. Niềm vui này có khi kéo dài đến cuối tháng (cười).

Danh hiệu cao quý này sẽ là dấu mốc lớn trong cuộc đời, nên tôi tự nhủ phải sống, tiếp tục cống hiến làm sao cho xứng đáng.

NSND Trịnh Kim Chi: Trót đam mê nên vẫn làm sân khấu, dù nghèo- Ảnh 1.

NSND Trịnh Kim Chi.

Chị có mong ước gì sau khi đạt danh hiệu cao quý đó?

Nghệ sĩ chúng tôi rất hy vọng, Nhà nước có thêm các chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho nghệ sĩ hoạt động, cống hiến nhiều hơn nữa. Bởi TP.HCM đã bước vào nền công nghiệp văn hoá, tự chủ nhưng cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể bứt phá hơn nữa.

TP.HCM có nhiều sân khấu xã hội hoá, tư nhân tự thành lập, tự thu tự chi để cho ra đời các tác phẩm mới. Điều này đòi hỏi các sân khấu phải luôn đổi mới. Tuy nhiên, về lâu lài, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, chẳng hạn ưu tiên hơn nữa về thuế, về quảng bá tác phẩm. Hiện tại có ưu tiên nhưng vẫn còn ít.

Câu chuyện phát triển công nghiệp văn hoá thời gian qua được nhắc đến nhiều. Theo chị, để phát triển ngành công nghiệp văn hoá, yếu tố cốt lõi là gì?

Mấu chốt của nền công nghiệp văn hóa vẫn là con người. Chính vì thế, không chỉ tôi mà các nghệ sĩ khác đều mong muốn có được một thế hệ kế thừa đủ đam mê, đủ tài năng, đủ chín chắn, có đạo đức làm nghề.

Hiện nay, sân khấu xã hội hoá đều có những trung tâm đào tạo tài năng của riêng họ, có nguồn diễn viên trẻ kế thừa. Tuy nhiên, các bạn trẻ được đào tạo như thế nào cũng tuỳ thuộc vào từng trung tâm. Vấn đề là công tác giảng dạy chỉ bao gồm diễn xuất, còn những kiến thức về văn hoá, xã hội thì vẫn còn khuyết.

Điều quan trọng cần phải có cách đào đạo bài bản, toàn diện. Những người làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, luôn giữ được đạo đức làm nghề sẽ có cơ hội trở thành nghệ sĩ lớn.

Đây cũng là nỗi niềm đau đáu của những nghệ sĩ như chúng tôi bây giờ. Phải có thầy cô đi kèm bên cạnh, bởi họ là những người đã có kinh nghiệm nghệ thuật và trải nghiệm cuộc sống, điều đó mới có thể giúp các bạn trẻ từng bước khẳng định được mình.

Vai diễn lớn bắt đầu từ vai diễn nhỏ

Có một số ý kiến cho rằng, dường như diễn viên trẻ lĩnh vực sân khấu giờ đây ra nghề dễ hơn xưa, chị có nghĩ vậy không?

Đầu tiên và cũng là điều tôi luôn nói với các bạn là nếu theo học thì phải có đam mê, năng khiếu, yêu nghề, sự sáng tạo, tìm tòi. Còn nếu không thì hãy ra ngoài tìm một nghề khác để đảm bảo tương lai.

Khi các bạn chọn ở lại, tôi luôn nói với các bạn rằng để có vai diễn lớn thì phải bắt đầu từ những vai diễn nhỏ. Phải ngồi đó đợi đến phiên mình được ra sân khấu, ngồi đó đợi được gọi thế vai, chứ không phải tự nhiên được làm đào đẹp, kép đẹp.

Tôi truyền nghề, lửa đam mê, kinh nghiệm và kỹ năng diễn xuất cho các bạn, hướng dẫn các bạn khi lên sân khấu phải thế nào, ra phim ảnh thì sao, ứng xử ngoài đời thế nào là phải. Các bạn có được những yếu tố tôi yêu cầu thì bắt nhịp nhanh lắm.

Làm sân khấu nghèo, nhiều người còn phải bù lỗ, có khi nào chị thấy nản muốn bỏ không?

Thật ra không phải riêng tôi đâu, rất nhiều anh em nghệ sĩ gặp khó khăn khi theo đuổi lĩnh vực sân khấu.

Không ít người vất vả hơn tôi nhiều, có giai đoạn chẳng có việc làm, nhưng họ vẫn kiên trì và đeo bám. Động lực giữ họ lại chính là đam mê, là tình yêu với nghề.

Như Sân khấu Trịnh Kim Chi đã dừng hoạt động vì khá xa trung tâm thành phố. Tôi đang muốn tìm địa điểm gần trung tâm thành phố hơn. Hiện tại, tôi đang kết hợp với Hội Sân khấu TP.HCM mở trung tâm bồi dưỡng nghệ thuật về đạo diễn, bồi dưỡng diễn xuất cho người lớn và trẻ em. Ngoài ra, tôi dạy diễn xuất ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.

Dành tâm sức cho vở diễn "Khát vọng ngày mai"

Sắp tới, dự định của chị là gì?

Cuối năm 2023, tôi đã kết hợp với Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật TP.HCM dựng vở diễn "Khát vọng ngày mai". Vở diễn nói về tuyến Metro của TP.HCM đang dần hiện thực. Đây là khát vọng của người dân TP.HCM để xây dựng một thành phố văn minh hiện đại. Vào dịp ngày 30/4 - 1/5 sắp tới, tôi sẽ tiếp tục cho quảng bá, diễn ở tất cả các quận, huyện, thành phố.

NSND Trịnh Kim Chi: Trót đam mê nên vẫn làm sân khấu, dù nghèo- Ảnh 2.

NSND Trịnh Kim Chi trong vai má Bảy, vở diễn "Khát vọng ngày mai"

Ngoài ra, tôi sẽ dựng thêm 1-2 vở mang tính truyền thống. Tôi có duyên với các vở kịch truyền thống nên khi dựng những vở đó tôi cảm thấy rất là mát tay, được sự ủng hộ của các anh chị em nghệ sĩ và một số đơn vị nghệ thuật họ ủng hộ cho tôi và đem đi quảng bá với tín hiệu vui. Tôi rất tự tin dựng những vở diễn đó, tôi đang chuẩn bị kịch bản.

Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về vở diễn "Khát vọng ngày mai"?

Vở diễn nói về khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố sau gần 50 năm giải phóng, đặc biệt là sự phát triển này nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mọi người luôn hướng về tương lai với những hoài bão "vươn lên tầm cao mới".

Vở kịch còn nhấn mạnh thông điệp, đó là thời nào cũng có những người trẻ và họ yêu nước bằng cách này hay cách khác - dẫu ở xa quê nhà nhưng vẫn khao khát được cống hiến, vì đời sống cộng đồng, vì sự tươi đẹp của một thành phố văn minh.

Vở diễn quy tụ 50 diễn viên. Trong vở diễn tôi vào vai má Bảy, là nhân vật đại diện cho những người dân sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ tự do, độc lập. Ngay trong thời bình, khi tuyến Metro được xây dựng đi ngang căn nhà, má Bảy đã chấp nhận di dời, chỉ xin bứng gốc vú sữa mà thời chiến tranh, những quả ngọt trên cành đã từng giúp các chiến sĩ cách mạng vượt qua cơn đói khi bà che giấu họ dưới căn hầm bí mật của gia đình.

Trong vở diễn, tôi có nhiều cảnh diễn cùng Đào Vân Anh vai Bình, cháu nội của má Bảy. Bình đại diện cho lớp trẻ nhiều sáng tạo, quyết tâm để thực hiện ước vọng của những người đi trước về một thành phố văn minh hiện đại.

Cảm ơn chị!

Trịnh Kim Chi sinh năm 1971, từng theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Năm 1994, cô tham gia Hoa hậu Việt Nam và giành ngôi vị á hậu 2. Sau cuộc thi, cô vẫn tiếp tục theo đuổi nghiệp diễn và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực truyền hình, điện ảnh, sân khấu.

Nhiều năm miệt mài hoạt động nghệ thuật, Trịnh Kim Chi góp mặt trong nhiều tác phẩm gây tiếng vang như: Những đứa con trong thành phố, Oan gia đại chiến, Những nẻo đường phù sa, Sóng gió thương trường, Cô gái xấu xí, Gạo nếp gạo tẻ...

Mới đây, trong danh sách 42 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, Trịnh Kim Chi gây chú ý khi là á hậu đầu tiên được nhận danh hiệu này. Trước đó, cô nhận danh hiệu NSƯT vào năm 2014. Hiện nay, cô vẫn giữ chức Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.