Sau gần 2 thập kỷ gắn bó, NSND Tự Long vẫn đầy say mê mỗi khi nhắc đến hai từ “Táo Quân”.
Chia sẻ với Báo Giao thông, anh cho biết các nghệ sĩ tham gia Táo Quân luôn phải chịu rất nhiều áp lực và chương trình năm nay cũng không phải là ngoại lệ.
Tự Long là một trong những nghệ sĩ gắn bó với Táo Quân từ những mùa đầu tiên
Khán giả chê vì quá kỳ vọng
Nhiều khán giả dự đoán Táo Quân 2022 sẽ rất hot khi năm qua có quá nhiều sự vụ gây xôn xao dư luận xã hội, anh có thể tiết lộ điều gì đó?
Ai cũng nói Táo Quân năm nay sẽ hot lắm. Thật ra Táo Quân không chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần mà mang tính tổng thể, không nghiêng về một vế nào cả.
Đây càng không phải là chương trình phải khắc họa hiện tượng trên mạng xã hội mà mọi người cho rằng đó là hiện tượng hot. Táo Quân nhìn các vấn đề ở góc độ bao quát hơn.
Số đông nhiều khi đúng, nhưng cũng có lúc chưa chắc đã đúng khi nhìn nhận một vấn đề nào đó.
Trong hành trình gắn bó, tôi không làm một Táo nào cụ thể, mỗi năm làm một Táo mới, lạ. Không cố định một vai nào đó như Nam Tào, Bắc Đẩu… nhưng quan điểm của tôi là làm Táo nào cũng được, miễn được cống hiến. Bản thân tôi thích trải nghiệm, không thích đóng đinh ở một vai kiểu như “vai diễn cuộc đời”. Mỗi một vai, tôi đều cố gắng mang đến hương vị riêng, không bị “lẫn màu” với những nghệ sĩ đã từng thể hiện nhân vật đó. Hơn tất cả, tôi thích được sống trong nhiều dạng vai, mà đây là điều hạnh phúc không phải ai cũng có được.
NSND Tự Long
Với Táo Quân, chúng tôi phải xem rằng hiện tượng đó có phải là vấn đề đáng đưa ra để bàn bạc không? Nếu có, phải đặt hiện tượng đó ở điểm giữa cái đúng, cái sai để từ đó đặt ra vấn đề, gửi gắm đến một thông điệp hướng đến sự nhân văn.
Táo Quân không phải là “nhại” một hình tượng nào đó, biến họ trở thành một trò cười.
Trong suốt nhiều năm qua, có rất nhiều vấn đề xảy ra trong tất cả các ngành nghề của xã hội.
Có những vấn đề tưởng chừng là vấn đề “nóng” một thời, nhưng chúng tôi không nhắc đến là vì có thể khi nhắc lại sẽ bị cũ hoặc sẽ gây phản ứng ngược.
Trong thời đại công nghệ số, thông tin có thể đến với công chúng thông qua nhiều hình thức.
Đôi khi là từ báo chí chính thống, đôi khi chỉ là góc nhìn của một ai đó. Do đó việc lựa chọn thông tin, lựa chọn hình thức thể hiện là một vấn đề khiến các nghệ sĩ cũng như người sản xuất Táo luôn phải lựa chọn, chắt lọc kỹ càng.
Ngoài ra chúng tôi cũng phải cân nhắc theo nhà đài, đôi khi tập một kiểu, nhưng khi phát sóng còn phải qua khâu kiểm duyệt và nhận định bởi những người quản lý văn hóa.
Cũng không ít người cho rằng, sở dĩ Táo Quân VTV “mạnh miệng”, “dám nói” nên mới hot hơn nhiều chương trình về Táo của một số đơn vị khác, anh nghĩ sao?
Ngoài việc có sự góp mặt của nhiều gương mặt nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi, Táo Quân không phải là chương trình tự nghĩ ra nội dung, mà được chắt lọc thông tin từ những tờ báo chính thống.
Những thông tin đó được chuyển tải một cách cô đọng nhất để ai xem cũng hiểu được ẩn ý sâu xa.
Ở đây tôi không có ý so sánh hay phân biệt giữa các vùng miền. Nhưng ví dụ, một số đài tỉnh cũng có Táo, nhưng mục đích của họ dừng lại ở giải trí thì sẽ có phương thức sản xuất, cách thể hiện khác.
Còn với Táo Quân, ngoài vấn đề giải trí còn mang đến nhiều thông điệp, được phát trên đài truyền hình quốc gia, tần suất và biên độ phủ sóng dày, cao nên khác với đài khác là điều dễ hiểu.
Sức hút vẫn chưa giảm nhiệt sau gần 20 năm, nhưng cũng có năm Táo Quân bị chê nhạt, anh cũng như các nghệ sĩ có khi nào chạnh lòng vì điều đó?
Có lúc khán giả chê riêng từng Táo, có lúc chê cả gánh Táo. Nhưng cũng không thể cấm người ta được và cũng không ai có thể làm vừa lòng được tất cả mọi người. “Làm dâu trăm họ” thì khó lắm!
Tất nhiên, tôi hiểu việc người ta chê vì họ quá kỳ vọng. Để một món ăn phù hợp với các giai tầng trong xã hội đó phải là món không dễ ăn, không dễ làm.
Chúng ta mỗi người có thể thích vị cay, mặn, ngọt… Nhưng Táo Quân có đầy đủ những hương vị cuộc đời. Làm Táo vừa khó, vừa phải chịu sức ép từ dư luận, xã hội.
Nhiều người có vấn đề nào đó nổi bật gây sự chú ý trong xã hội, các Táo phải đưa lên. Nhưng đưa thế nào để người xem và “nguyên mẫu” ngoài đời không cảm thấy chạnh lòng.
Khen cũng không quá lố, chê cũng không phải kiểu vùi dập người ta. Hơn nữa, đây là một chương trình phát trên đài quốc gia, không phải muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
Suy cho cùng, bạn thử hình dung nhé, ngày xưa còn đói kém, khó khăn, phải chờ đến ngày Tết mới dành dụm được ít gạo, được chia nhau chiếc bánh chưng nên cảm thấy rất ngon.
Sau này, khi cuộc sống đủ đầy, không phải cứ đợi đến Tết mới được ăn bánh chưng thì bánh chưng không phải là hương vị đặc trưng duy nhất của ngày Tết nữa. Bánh chưng ăn mãi cũng sẽ chán, nhưng không thể không có bánh chưng trong ngày Tết.
Táo cũng vậy thôi. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu, chúng tôi vẫn cố gắng để được làm, được cống hiến ở một chương trình như một sự kiện đến hẹn lại lên mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngoài sức ép công việc còn là áp lực gia đình
Gia đình nhỏ hạnh phúc của NSND Tự Long và vợ là giáo viên
Anh và các nghệ sĩ tham gia Táo Quân có nhiều người ngồi ở cương vị quản lý, điều đó có khiến mọi người e ngại mỗi khi phát ngôn về một vấn đề gai góc trong chương trình?
Việc làm Táo không ảnh hưởng đến cơ quan của mỗi người chúng tôi. Táo Quân là một sân chơi bao trùm, người được chơi trong sân chơi này đều được khẳng định tài năng trong suốt hành trình sự nghiệp.
Họ cũng đều là những người biết cư xử, biết ý thức được trách nhiệm nghệ thuật của mình nên dù làm việc với cương vị nào đều phải giữ được hình ảnh.
Năm nay, vị trí của NSND Công Lý ở Táo Quân vẫn bỏ ngỏ. Nếu Bắc Đẩu không phải là Công Lý, Táo Quân liệu sẽ thế nào?
Tất cả anh em làm Táo như: Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Bắc, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng… nhiều năm nay là “kép” chính trong Táo.
Anh em ngoài công việc còn là người thân thiết trong nhiều năm qua. Nên bất kỳ một ai vì một lý do gì đó mà vắng mặt thì đó là điều không ai muốn, ai cũng sẽ hụt hẫng. Nhưng điều đó cũng khó tránh được.
Tất nhiên, ai cũng muốn làm với người mình yêu mến, người có năng lực. Nhưng chương trình vẫn phải làm, chúng tôi vẫn phải vì cái chung, vẫn phải thích ứng với những nhân tố mới để mang đến một chương trình tốt nhất.
Cuối năm bận rộn việc cơ quan, lại thêm tập Táo, việc nhà bỏ ngỏ, bà xã anh có than phiền?
Không riêng gì tôi mà cả gánh Táo đã quá quen với việc 27-28 Tết vẫn chưa được nghỉ, gia đình chúng tôi cũng quá quen với việc này.
Do đó, ngoài sức ép về công việc, chúng tôi cũng còn áp lực với gia đình, dù biết việc này là không thể tránh khỏi. Phần đông vợ của các nghệ sĩ đều cảm thấy mệt mỏi và có sự thiệt thòi nhất định.
Ngày lễ, Tết mọi người được bên cạnh gia đình thì nghệ sĩ chúng tôi lại đi phục vụ mọi người. Bản thân có thể cảm thấy không sao vì đó là công việc, là trách nhiệm, nhưng người thân đôi khi có thể không thấy, chưa hiểu và chia sẻ được.
Đôi khi họ chỉ ước lấy chồng, lấy vợ không phải nghệ sĩ. Nhưng rồi cũng phải chấp nhận thôi. Sự cảm thông đó năm thì ít, năm thì nhiều nhưng biết làm thế nào được, khó chịu thì vẫn khó chịu, chúng tôi vẫn cứ phải đi làm.
Sinh nghề tử nghiệp mà! Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi, nếu như chúng ta biết dung hòa các mối quan hệ đó.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận