Showbiz

NSƯT Anh Tú: Sau Singapore, tôi muốn mang Hamlet sang Anh biểu diễn

27/03/2016, 14:18

Nói đến Hamlet - một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại thì chắc chắn nhiều người sẽ biết.

17-tu261
Đạo diễn - NSƯT Anh Tú

Sáng tạo thêm cho Hamlet có mạo hiểm?

Thưa đạo diễn, tại sao anh lại lựa chọn vở kịch kinh điển Hamlet để dựng?

Sau sự thành công của một số vở kịch Việt Nam hiện đại những năm vừa rồi như: Lâu đài cát, Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Bệnh sĩ..., Ban Giám đốc và Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam đều nhất trí rằng đã đến lúc làm một vở kịch kinh điển hoặc lịch sử, bởi đây cũng là nhiệm vụ của nhà hát.

Nhưng nhiều khi cũng do nhân tài, nguồn lực kinh tế chưa cho phép, nên mấy năm nay chưa dám làm kiệt tác. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định chọn Hamlet, vì nói đến Hamlet - một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại thì chắc chắn nhiều người sẽ biết. Và, cũng một phần vì 2016 là năm Shakespeare toàn cầu.

Nhiều nhận xét cho rằng, vở kịch kinh điển đã ít nhiều được thuần Việt hơn. Vậy, yếu tố văn hóa Việt được anh thể hiện thế nào qua vở kịch?

Bất cứ vở kịch nào, tôi cũng rất quan tâm tới bản sắc văn hóa dân tộc Việt, nhất là những kiệt tác, mà đặc biệt là kiệt tác châu Âu. Bởi vì, không có gì bằng Đông Tây kết hợp. Và một lý do rất quan trọng, kịch làm là để cho người Việt hôm nay xem và cũng làm để có dịp đưa kịch đi giao lưu cùng bạn bè quốc tế. Vì vậy, việc đưa yếu tố văn hóa Việt vào là rất quan trọng. Nhưng đưa là phải “trúng”, còn nếu cứ cố tình đưa vào bằng được mà không hợp lý thì rất vô duyên, khoe mẽ một cách kệch cỡm.

Hamlet là một trong những kiệt tác sân khấu nổi tiếng nhất của đại thi hào thế giới người Anh William Shakespeare.

Câu chuyện được viết từ thế kỷ XVII nhưng vẫn còn đậm chất nhân văn và mang tính thời đại. Kiệt tác kịch này được rất nhiều nước trên thế giới chọn để dựng lại và vẫn luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. William Shakespeare là tác giả tiêu biểu nhất trong thời kỳ văn hóa Phục hưng châu Âu.

Trong vở kịch, có chi tiết những nhân vật đào kép được nhà vua mời vào diễn. Tôi nghĩ, đây rồi, cơ hội của mình là đây. Tôi quyết định đưa trò diễn dân gian Xuân Phả rất nổi tiếng của làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vào vở kịch.

Trong quá trình dàn dựng Hamlet, tôi cũng đã mời biên đạo Hoàng Hải (Nhà hát Ca múa nhạc Thanh Hóa) - người có thâm niên nghiên cứu về trò Xuân Phả, tới nhà hát để giảng và dạy cách diễn xướng cho một số diễn viên.

Và vở kịch này cũng trúng lớn, khi phía nhà hát đưa ra giá vé 1 triệu đồng cho một suất ghế mà vẫn cháy?

Đó chỉ là một phép thử của Ban Giám đốc, các show ca nhạc hiện giờ dù có giá vài triệu vẫn có người mua. Kịch thì bán vé rất khó so với các show ca nhạc, nhưng chúng tôi quyết định thử. Mà không ngờ, thử lại “oách”. Vừa mới đưa Hamlet giá vé VIP là 1 triệu đồng đã bán ngay được mấy chục vé. Hóa ra, nếu mình có những vở đỉnh cao được dàn dựng tử tế, công phu thì vẫn có người quan tâm, vẫn có người có điều kiện để xem.

Thuyết phục doanh nghiệp tài trợ rất khó khăn

Tại sao phía nhà hát lại chọn Singapore làm điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến lưu diễn lần này, thưa anh?

Thứ nhất, ở Singapore, chúng tôi có một người bạn nghề đã giúp đỡ rất nhiều. Ông ấy giúp đoàn khảo sát rất nhiều, từ việc chọn rạp nào cho phù hợp, giới thiệu nhà hát với  Hội đồng nghệ thuật của Singapore, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Thứ hai, đây cũng là một bước đệm để chúng tôi bước tiếp những chặng đường dài hơn.

Nhưng để đưa cả vở kịch kinh điển sang bên đấy không phải là chuyện nhỏ. Nhà hát đã thuyết phục doanh nghiệp Tân Hiệp Phát như thế nào để họ chịu bỏ tiền tài trợ?

Rất khó khăn là đằng khác!

Họ đòi hỏi từng ly, từng tí, yêu cầu rất chặt chẽ, bài bản. Nhưng cũng lại vì một mục tiêu chung là đồng hành cùng thương hiệu Việt. Nên tất cả những khó khăn đó, chúng tôi cũng vượt qua và thành công bước đầu là họ tài trợ toàn bộ cho chuyến lưu diễn ở Singapore sắp tới.

Và nếu vở kịch tiếp tục gặt hái nhiều thành công, thì như ông Trần Quí Thanh đã chia sẻ tại buổi họp báo, việc tiếp tục đồng hành cùng Nhà hát Kịch Việt Nam trong nhiều hoạt động khác là điều chắc chắn.

Khi vở kịch thành công tại Singapore, phía nhà hát có dự định mang sang Anh. Người Anh sẽ nghĩ sao khi xem một vở kịch của họ phần nào được Việt hóa?

Tôi nghĩ đó sẽ là một điều cực kỳ thú vị.Bạn thử tưởng tượng xem, ví dụ bây giờ có một đoàn kịch của Anh đem vở Kiều sang đây diễn. Trước mắt, mình sẽ trân trọng họ vì họ đã biết tới cái hay và giá trị của một kiệt tác.

Họ lại đem sang nước mình diễn, chắc chắn sẽ gây tò mò cho khán giả.

Vở kịch vẫn sẽ được diễn bằng ngôn ngữ Việt?

Từ xưa tới nay, kịch vẫn vướng phải hàng rào bất đồng ngôn ngữ. Nhưng không có gì là khó cả, khán giả có thể cảm nhận vở kịch bằng ngôn ngữ hành động sân khấu, còn chi tiết câu thoại đã có phụ đề tiếng Anh.

Cạnh đó, toàn bộ vé cho vở kịch lần này là vé mời. Còn nếu thể nghiệm lần này thành công, có thể chúng tôi sẽ bán vé cho những lần diễn sau.

Từ thành công của vở kịch này, chúng ta có quyền hy vọng kịch sẽ trở lại thời kỳ đỉnh cao như thập niên 70-80 của thế kỷ XX?

Hy vọng lúc nào tôi cũng có. Sống bằng hy vọng và ước mơ nhiều chứ. Nhưng nói thật, từ hy vọng và ước mơ của một nghệ sĩ chân chính, tới hiện thực cuộc sống lại là khoảng cách. Và thời hôm nay cũng khác rồi, sân khấu phải cạnh tranh với quá nhiều loại hình giải trí. Đơn giản như truyền hình, chỉ cần ngồi nhà không phải nắng nôi, mưa gió vẫn có thể theo dõi đủ mọi loại hình giải trí hay nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, rất nhiều yếu tố khác nữa khiến sân khấu bị cạnh tranh gay gắt. Vậy nên,  mơ ước vẫn mơ ước, hy vọng vẫn hy vọng. Nghệ sĩ chúng tôi vẫn phải cố gắng, nhưng để có một vở diễn mà khách kìn kìn kéo tới xếp hàng mua vé, chắc là khó.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.