Showbiz

NSƯT Chí Trung: Kịch Bắc xây dựng điều tử tế nhưng khó bán vé

03/11/2018, 07:05

NSƯT Chí Trung cho rằng, kịch Bắc thường xây dựng những điều tử tế nhưng không bán vé được.

24831236_883778148445705_9006809129206067451_o

NSƯT Chí Trung cho rằng, kịch Bắc thường xây dựng những điều tử tế nhưng không bán vé được.

Cùng với câu chuyện kịch Bắc "Nam tiến" tìm khán giả, NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, người đã nhiều lần dẫn đoàn kịch của Nhà hát chinh chiến tại thị trường miền Nam đã có những chia sẻ với Báo Giao thông một cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Từng dẫn đoàn kịch “Nam tiến” nhiều lần, anh thấy tình hình khán giả miền Nam tới với kịch Bắc hiện nay như thế nào?

Phải thừa nhận, lượng khán giả trung tuổi là phần nhiều. Các vở diễn của chúng tôi khó bán vé nhưng có giá trị tư tưởng, nhưng khán giả đến xem rồi không có nghĩa là lần sau họ lại đến nữa đâu. Nói thật, mỗi lần đi vào đó tôi cũng hồi hộp lắm, vì những người thương yêu mình đã già rồi. Nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến được.

Anh nhận thấy việc “Nam tiến” còn khó khăn nào chưa tháo gỡ được?

Nói thật, chưa thời kỳ nào tôi thấy sân khấu 2 miền ảm đạm như nhau thời kỳ này. Trước khi trở lại TP.HCM, tôi đã phải kiểm tra nhiều sân khấu như Idecaf, Phú Nhuận… và nhận thấy tất cả đều rất khó khăn, trừ sân khấu Thế giới trẻ còn bán được vé và có lớp trẻ đến. Giá vé trong đó cũng rất rẻ, 150-250.000 đồng/vé.

Lần kỷ niệm 40 năm nhà hát vừa rồi, chúng tôi vào diễn vở Ai là thủ phạm của tác giả Lưu Quang Vũ 1 buổi tại Nhà hát TP.HCM. Khách chủ yếu là nhà báo và các khách mời. Tôi cũng đã dự kiến tháng 10 hoặc tháng 12 sẽ quay lại, diễn 4 ngày ở Nhà hát TP.HCM và 6-12 ngày (nếu được) ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Không phải vì tôi cần tìm khán giả hay khẳng định vị thế mà đơn giản chỉ muốn lưu giữ tình cảm tốt đẹp của những khán giả còn sót lại. Mong muốn lớn nhất là cho những khán giả yêu sân khấu còn sót lại thấy sân khấu vẫn đang sống.

Sân khấu ảm đạm là có thật nhưng không có nghĩa là đã chết. Đến một lúc nào đó sẽ sống trở lại. Tôi tin là như vậy.

Ai_la_thu_pham_8

Vở kịch "Ai là thủ phạm" của tác giả Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã ra mắt khán giả miền Nam.

Các tác phẩm của nhà hát khi diễn có phải thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của khán giả miền Nam?

Không, phải giữ phong vị kịch Bắc chứ, pha trộn hai miền rất nguy hiểm. Thực ra chẳng phải riêng TP.HCM đâu, ngay tại Hà Nội khán giả cũng phân hóa với những cách thưởng thức riêng. Có những người chỉ thích kịch Lưu Quang Vũ và họ mua vé trước cả tháng, có khán giả thích hài kịch, người lại thích kịch thiếu nhi.

Chúng tôi phải đánh giá riêng từng đối tượng. Trong miền Nam cũng vậy. Có những khán giả thích xem ca nhạc hài kịch, có người thích xem những vở bình dân, ma mãnh… Tôi phải tìm khán giả thích dòng kịch chính thống, yêu mến kịch Bắc. Họ không có tiền thì mình sẵn sàng tặng họ.

Nhưng làm như thế phải có nhiều kinh phí mới làm được, anh nghĩ sao?

Chúng tôi đang tìm “phương tiện”, có thể là tiền nhà hoặc tiền xã hội. Không thể nói không có phương tiện đó mà đi được, cũng không thể nói vì ngoài Bắc không có khán giả mà phải bò vào đó kiếm sống.

May mắn là chúng tôi luôn có sự ủng hộ và hỗ trợ. Sở Văn hóa TP.HCM còn giao cho các nhà hát trong đó lấy giá thuê của chúng tôi rẻ thôi, vì biết chúng tôi chỉ làm để tồn tại và truyền tải tư tưởng tốt đẹp chứ không có vụ lợi nào cả.

Vậy anh có dễ xin tài trợ?

Có xin cũng không xin được, nên chúng tôi không xin xỏ ai cả. Tôi thường đề nghị mọi người là hãy đồng hành cùng chúng tôi để đưa những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ tới khán giả. Chúng tôi đồng hành trên cơ sở không mang anh Vũ ra để kinh doanh, lấy tiền chia nhau mà chỉ dùng tiền để làm phương tiện, đưa các giá trị của anh Vũ tới mọi người. Với những giá trị của anh Vũ, không ai được mang ra bán hết.

Cũng có người nói rằng, kịch của anh Vũ bán vé được nên cứ khai thác mãi. Nếu “ngon” thế thì các nhà hát khác làm đi? Không phải ai cũng bẻ được chìa khóa kịch của anh Vũ, lấy những giá trị cũ để làm mới, để khán giả chấp nhận được.

Anh có cho rằng, vì khó khăn về kinh phí là lý do các nhà hát ngoài Bắc ngại “Nam tiến”, hay còn lý do nào khác?

Tôi thấy có một câu không hoàn toàn đúng là “Những điều tử tế bây giờ không bán được”. Ngoài Bắc thường xây dựng những điều tử tế nhưng không bán vé được, kể cả bán vé ở ngoài Bắc. Mọi người cứ tự nghĩ, tự cho mình là tử tế mà ít người hiểu rằng, điều tử tế nhất là ngoài chức năng giáo dục, thẩm mỹ còn có chức năng giải trí cho khán giả. Điều tử tế bây giờ là làm cho người ta thấy rằng đến với mình là hạnh phúc, chứ đừng lôi họ vào rạp mà để rồi họ không hiểu gì cả.

Thế nên, tôi luôn phải quán triệt các đạo diễn của mình rằng, khán giả không đến là lỗi ở mình. Bởi thế để đưa kịch vào Nam, hoặc là tìm cách có tài trợ để đàng hoàng bán điều tử tế mà mình nghĩ, hoặc là chia sẻ với các doanh nghiệp để đưa những điều mà mình coi là tử tế đến với những thành viên của các doanh nghiệp đó.

Cảm ơn anh! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.