NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương vốn được mệnh danh là cặp đôi “vàng” của làng giải trí.
Về hưu ở tuổi ngoại lục tuần, bộ đôi nghệ sĩ vẫn được khán giả ái mộ về sự tận tâm đối với nghệ thuật cũng như tình yêu vững chãi hơn 3 thập kỷ.
Gần 40 năm gắn bó, NSƯT Đỗ Kỷ vẫn chăm sóc, đưa đón bà xã mỗi ngày
Cuộc sống nghỉ hưu đơn giản lắm
Nhiều người khi về hưu, hay bị rơi vào cảm giác trống trải, thậm chí thấy mình tự dưng thừa thãi. Đã bao giờ NSƯT Đỗ Kỷ có cảm giác đó?
Thực tế, quãng thời dài nhất trong cuộc đời con người là gắn bó với công việc. Con người sinh ra để hoạt động, khi trở về trạng thái nghỉ, buông hẳn, ai cũng bị sang chấn tâm lý và sức khỏe. Đấy là quy luật tự nhiên. Song, mức độ sang chấn phụ thuộc vào từng suy nghĩ của từng người.
Tôi đã từng phát hoảng khi chứng kiến nhiều người xập xệ hẳn sau khi nghỉ hưu và họ cần phải có thời gian để cân bằng lại cuộc sống. Ai hiểu thì thông cảm, ai không chia sẻ được lại nghĩ khác đi. Nhìn được điều đó, tôi phải tự rút bài học cho mình.
Bạn biết đấy, khi đang trong guồng quay công việc, tất bật tối ngày, khi nghỉ hưu cũng cần có một quãng chuyển, hay còn gọi là “giảm tốc từ từ” đó.
Vì vậy, trong một năm cuối, tôi vẫn hoàn thành công việc, nhưng đã ý thức là không tạo áp lực cho bản thân. Tôi bàn giao dần công việc cho mọi người và nếu ai cần tư vấn, hỗ trợ thì tôi luôn sẵn sàng chia sẻ.
Khối lượng công việc giảm dần, áp lực giảm dần nên khi nghỉ hẳn tôi cảm thấy không quá nặng nề. Tôi nghĩ tất cả là do mình có thôi.
Một ngày của ông sau khi nghỉ hưu diễn ra như thế nào?
Trước đây, tôi đi làm về có bà ở nhà nấu cơm. Nhưng giờ tôi sẵn sàng vào bếp phụ giúp bà, vừa có việc làm, vừa để mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Thời gian biểu của tôi cũng không quá bận rộn, hàng ngày nghỉ ngơi và tập thể dục để duy trì sức khỏe, có việc cần thì chạy đi đâu đó. Trong nhà có gì hỏng hóc cần chỉnh sửa thì làm được luôn. Trước, cứ phải để đến thứ 7, chủ nhật mới làm được. Đơn giản lắm, tôi chỉ cố gắng làm sao có ít thời gian nằm trên giường nhất.
NSƯT Đỗ Kỷ và bà xã NSND Lan Hương
Không có điều gì tiếc nuối
Tận hưởng cuộc sống theo cách riêng, tức là ông không còn điều gì tiếc nuối trong gần 44 năm làm nghề, đặc biệt ở vai trò quản lý – Trưởng phòng Nghệ thuật Cục NTBD?
Không tôi không có gì tiếc nuối hay trăn trở, vì công việc nào ở giai đoạn nào tôi cũng đã hoàn thành và hoàn thành trọn vẹn. Cái gì cũng tiếc nuối thì chỉ làm mình già đi (Cười).
Cũng có thể do cá tính, giáo dục gia đình nên tôi tự biết mình là ai, tôi không muốn tạo áp lực hay muốn thế hệ sau phải thế này, phải thế kia đấy là một sự áp đặt chủ quan, nó có thể kìm hãm sự phát triển. Mỗi thời mỗi khác, ai cũng có thế mạnh của mình chứ.
Vậy còn ở vai trò một đạo diễn, diễn viên trên sân khấu. Khi kịch nói ngày càng vắng khán giả, có khi nào ông cảm thấy đau lòng, hụt hẫng khi những hào quang một thời biến mất?
Buồn lòng thì có, nhưng hụt hẫng thì không vì bản thân sân khấu cũng chưa “cung” những thứ mà khán giả cần. Chúng ta không thể bắt khán giả thích những gì mình thích, mình muốn.
Muốn khán giả đến với sân khấu ngày càng nhiều thì phải hiểu khán giả đang cần gì hôm nay. Đó là quy luật của cuộc sống. Mặt khác, phải trang bị cho khán giả kiến thức về sân khấu, về nghệ thuật. Khi hiểu và yêu thì người ta mới thích được.
Nghĩa là ông vẫn tin sẽ có một ngày công chúng sẽ chán màn hình điện thoại, TV, rồi họ sẽ tới sân khấu và tận hưởng không gian sống động cùng với người nghệ sĩ?
Cũng có thể! Bất cứ sáng tạo nào đều mang lại giá trị nhất định. Nhưng tôi khẳng định, sân khấu biểu diễn trực tiếp sẽ không bao giờ mất đi. Bởi nguyên lý cơ bản của nghệ thuật biểu diễn là: “Quá trình sáng tạo và thực thức sáng tạo diễn ra cùng một lúc, tại cùng một nơi”.
Nơi khán phòng có sự sáng tạo, rung động và tương tác trực tiếp giữa người diễn và người xem mà không loại hình nghệ thuật nào có được.
Hôn nhân giản dị mà hạnh phúc của cặp đôi nghệ sĩ gạo cội
Mẹ vợ cũng như mẹ đẻ
Còn điện ảnh, khán giả đã thấy một NSND Lan Hương khiến người ta “tức sôi máu” với vai mẹ chồng ghê gớm sau khi nghỉ hưu. NSƯT Đỗ Kỷ cũng làm “hắc hóa” qua nhân vật Vũ Bắc của “Người Phán xử”. Ông có mong chờ hai hình ảnh này sẽ tái hợp trên màn ảnh và tạo hiệu ứng mạnh như hai người từng làm trong “Nếp nhà”?
Cái này còn phụ thuộc vào đạo diễn, bản thân tôi không thể lựa chọn vai hay quyết định được vai diễn của mình. Còn về những vai phản diện, đấy là công việc của người nghệ sĩ, thông qua vai diễn mình muốn truyền đi thông điệp là ngoài đời đừng có những con người như thế.
Đấy là tài năng của nghệ sĩ, không phải đóng vai cực ác thì họ là người ác và ngược lại.
Vai bà Hiền của bà xã tôi trong “Thương ngày nắng về cũng vậy”. May mắn khi làm vai này, vợ tôi đi ra đường không bị khán giả hiểu lầm nên không gặp hoàn cảnh “dở khóc dở cười”.
Vậy mẹ chồng Lan Hương ở nhà thì sao nhỉ, có lời đồn NSND Lan Hương "át vía" được chồng?
Đấy là do mọi người suy nghĩ thôi. Át vía thì chẳng có chuyện ai át vía ai cả, quan trọng hơn là người kia có chịu để người còn lại át vía hay không thôi! (Cười) Trong quan hệ xã hội, mình luôn tông trọng mọi người thì vợ chồng càng phải trân quý nhau hơn thì mới tồn tại được.
Vợ chồng mình luôn chịu nhường nhịn nhau thấy vợ cáu thì mình thôi, việc dạy con cũng vậy. Tôi chẳng bao giờ có quan niệm mình đóng vai ác hay vai hiền trong nhà, cứ sống là chính mình cho thanh thản!
Đấy là câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, nghe nói ông cũng đang ở cùng mẹ vợ, mối quan hệ giữa mẹ vợ - con rể của NSƯT Đỗ Kỷ cũng có nhiều chuyện thú vị?
Nhiều người có thể ngạc nhiên về mối quan hệ giữa tôi và mẹ, vì họ luôn rạch ròi, còn tôi thì thấy bình thường cũng chẳng phải cố gắng làm một điều gì đó. Chẳng bao giờ tôi đặt cho mình trong thứ bậc nào cả, tất cả chỉ là cách xưng hô.
Đã là người già, trước tiên tôi luôn kính trọng. Còn mẹ vợ thì cũng như bố mẹ đẻ mình.
Mà thật ra cũng chẳng phải chăm lắm đâu! (Cười) Tôi chỉ biết các cụ cần cái gì. Nhiều khi cụ chỉ cần có bóng mình ở nhà là yên tâm, thì mình sẽ tạo cho cụ sự yên tâm đó. Có vậy mới không bị áp lực.
Với các con cũng vậy, như bà xã tôi từng chia sẻ, con dâu còn gọi chúng tôi là anh chị. Khi đó các con không còn sợ hãi, hay lúc nào cũng sợ… chết khiếp, khoảng cách cha con – quan hệ gia đình ngày càng cách xa nhau.
Bởi vậy, trong sinh hoạt chúng tôi luôn ứng xử để con, cháu coi bố vừa là người cha, vừa là bạn của mình.
Bảo sao nhiều người vẫn ngưỡng mộ khi gia đình ông với 3-4 thế hệ vẫn sống hạnh phúc?
Do hoàn cảnh xô đẩy thôi, không ở riêng được thì phải ở vậy chứ! (Cười). Mọi thứ đều chẳng có gì khó, nếu như mình sống thật với mình. Thích gì, không thích gì thì sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu chứ không ôm khư khư trong lòng rồi sinh ra sự khó chịu
Tôi cũng không bao giờ lên lớp dạy các con hay đặt ra một quy tắc nào trong cuộc sống. Tôi chỉ ứng xử với bậc phụ huynh, để các con tự nhìn thế để ứng xử lại với mình. Mình không tôn trọng, yêu thương bố mẹ mình thì làm sao sau này con cái yêu thương, tôn trọng mình được?
Cảm ơn ông!
NSƯT Đỗ Kỷ sinh năm 1961, tại Hà Nội. Ông được khán giả yêu mến qua các vai diễn trong: “Bản di chúc bí ẩn”, “Gia phả của đất”, “Trái tim có nắng”... Nổi bật nhất, vai vợ chồng già với NSND Lan Hương ở phim “Nếp nhà” đã đưa tên tuổi của ông đến gần gũi với khán giả hơn.
Ngoài ra, ông còn được biết đến ở vai trò nghệ sĩ sân khấu, đạo diễn sân khấu… Năm 2001, ông giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông giữ chức Quyền Trưởng Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho tới khi nghỉ hưu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận