Đến nghề diễn vì "miếng cơm"
Chạy chiếc xe Cup cũ đến một quán cà phê trên phố Trần Quang Diệu (Hà Nội), NSƯT Đỗ Kỷ trò chuyện với phóng viên với phong thái nhẹ nhàng, giản dị. Ngoài đời, ông là một người ít nói có phần thâm trầm.
Ông cho biết, hồi còn trẻ không ham mê ngành sân khấu, sinh ra trong gia đình đông anh em ở Hà Nội, nếp nhà gia giáo nên từ nhỏ nam nghệ sĩ chỉ ước thành kỹ sư. Tuy nhiên, số phận run rủi ông trúng tuyển lớp kịch nói của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Chia sẻ về việc bén duyên với "nghiệp diễn" NSƯT Đỗ Kỷ, cho hay như một lẽ thường tình, sau khi học xong phổ thông trung học, vô tình nghe được loa phát thanh của phường thông báo Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển diễn viên thì muốn thử sức.
Theo NSƯT Đỗ Kỷ, thời bao cấp, khó khăn còn sử dụng tem, phiếu, sổ gạo để cấp lương thực, thời điểm này mỗi tháng, một diễn viên sẽ được 18 kg gạo, mấy chục đồng tiền lương nên tôi đã đăng ký tham dự.
"Thời đó, chúng tôi phải thi tiểu phẩm, hát và đọc thơ. Tôi ngây thơ đến nỗi không hiểu tiểu phẩm là gì. Đến ngày thi, tôi vào trước ngồi xem các bạn diễn thế nào, làm tiểu phẩm ra sao để hình dung, lấy kinh nghiệm cho mình.
Đến lúc thi, các bậc tiền bối như: Đào Mộng Long, Trọng Khôi, Trúc Quỳnh… là những người tuyển tôi. Hồi đó, có 3.000 người thi mà lấy khoảng 40 diễn viên, may mắn tôi đã vượt qua 3 vòng và đỗ. Tôi học cùng lớp bà xã Lan Hương, tính đến nay, tôi đã có 45 năm vào nghề.
"Tôi chưa từng và có ý định kinh doanh, cả cuộc đời sống bằng nghề diễn, ngoài ra tôi còn đảm nhận mục đọc phát thanh chuyên mục sân khấu truyền hình, khi về hưu tôi sống bằng đồng lương nhưng không muốn suốt ngày ở nhà cãi nhau với vô tuyến, ai yêu mến, thấy vai nào phù hợp mời tôi vẫn sẵn sàng lên đường", NSƯT Đỗ Kỷ cười, nói.
Nhắc đến NSƯT Đỗ Kỷ, khán giả yêu phim qua màn ảnh nhỏ lại nhớ đến những tác phẩm nổi tiếng như: Bản di chúc bí ẩn, Gia phả của đất, Trái tim có nắng, Câu hỏi số năm Hương đất, Cuồng phong, Người phán xử,... nhưng nổi tiếng và gần gũi với khán giả nhất phải nói đến bộ phim "Nếp nhà" đóng cặp vợ chồng già với NSND Lan Hương (Hương Bông) chính là vợ ngoài đời của ông.
Chia sẻ về những vai diễn khiến ông ấn tượng nhất trong sự nghiệp 45 năm qua NSƯT Đỗ Kỷ, cho hay có lần không biết tại sao có một người ở Thanh Hóa xin được số điện thoại gọi cho ông để xin kinh nghiệm về việc tổ chức tổng kết công tác Đảng ở thôn.
"Thú thực, ban đầu tôi thấy vui vì vai diễn để lại ấn tượng trong lòng khán giả nhưng sau đó tôi lúng túng không biết trả lời sao cho đúng. May rằng trước đây tôi từng tham gia công tác Đảng nên cũng biết một chút, sau đó tôi đưa ra một số ý cho họ tham khảo với quan điểm cá nhân".
"Chưa từng nuối tiếc điều gì"
Năm 1978, NSƯT Đỗ Kỷ bắt đầu học ở Nhà hát Kịch Việt Nam, năm 1982 ông vào bộ đội, năm 1984, ông trở về Nhà hát công tác từ diễn viên đến Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam rồi Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục NTBD (Bộ VH,TT&DL) tất cả như một lẽ tự nhiên.
Theo NSƯT Đỗ Kỷ, ông chưa bao giờ tiếc nuối vì điều gì cả, bởi lẽ ông cho đó là quy luật của tự nhiên. Khi đã trưởng thành thì tôi muốn thử sức sang một lĩnh vực khác. Cuộc sống của ông không có từ giá như, vì ở môi trường nào, vai diễn nào ông cũng cố gắng làm tốt, để sau này không còn điều gì để tiếc nuối.
"Có thể ai đó ở một vị trí cao, khi về hưu thì hụt hẫng, nhưng tôi chỉ là công chức bình thường nên nghỉ hưu không ảnh hưởng gì nhiều. Trước khi về hưu một năm, tôi đã chuẩn bị cho mình tâm lý, cởi bỏ dần áp lực.
Tôi là người không có nhiều tham vọng, là một người lười phấn đấu, mọi thứ cũng chỉ là 'thuận theo tự nhiên', kể cả các chức vụ tôi đã từng đảm nhiệm cũng vậy chứ không phải phấn đấu bằng mọi giá để đạt cái này hay cái kia.
Nhiều người về hưu có nhiều thú vui như chơi cây cảnh, đi nhậu, thích đồ cổ, đồng hồ… nhưng tôi không thích gì cả. Bây giờ tôi sống bằng lương hưu, chỉ mong một cuộc sống bình yên, nhàn nhã, có thể chăm lo cho gia đình, quan tâm đến bà ngoại, có thời gian rảnh thì chơi với cháu nội", NSƯT Đỗ Kỷ tâm sự.
Khiếu nại vì dám đấu tranh
Theo NSƯT Đỗ Kỷ trong suốt 40 năm công tác cho đến khi nghỉ hưu ông luôn thấy tự hào vì bất kể vai diễn nào cũng được đánh giá cao, được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả.
Nói về việc hồ sơ xét NSND đợt này của ông "bị để lại", NSƯT Đỗ Kỷ, cho hay ông không hám danh, cũng không mưu cầu quá cao trong việc được hay không được NSND lần này.
"Nhiều người xúi tôi làm hồ sơ, họ nói tôi xứng đáng. Thú thực, đến ngày cuối cùng trước khi hết hạn tôi mới gửi hồ sơ xét duyệt NSND. Tôi không tiếc về việc trượt NSND, tôi làm đơn chỉ là người dám nói lên tiếng lòng của nhiều người tương tự như trong sự việc của tôi bởi lẽ nhiều người bị lợi dụng những thời điểm nhạy cảm như thế này để tố cáo nhau.
Quan trọng nhất bây giờ tôi muốn biết ai đứng đơn và người giải quyết đơn đó như thế nào cho thỏa đáng chứ không phải tôi đấu tranh vì danh hiệu. Vấn đề danh hiệu là tốt chứ, nhưng thực hiện ra nó đừng để méo mó đi, danh hiệu hay không thì tôi vẫn là Đỗ Kỷ.
NSƯT Đỗ Kỷ cho hay, việc Bộ VH,TT&DL nói chưa nhận được "Đơn cứu xét" của ông cũng là lẽ thường tình vì theo ông, đơn gửi qua đường bưu điện từ ngày 24/11, phải chờ mới đến được.
Nam nghệ sĩ cho biết thêm, với 45 năm làm nghề, anh và vợ là NSND Lan Hương chưa từng nghĩ, mình diễn kịch, làm phim chỉ để xét danh hiệu.
"Các danh hiệu mà chúng tôi có được là do các cơ quan chức năng trao tặng. Chúng tôi không đi xin, tự trọng nghề nghiệp cũng không cho chúng tôi làm việc đó.
Sự việc vừa qua khiến tôi rất buồn. Ai cũng nghĩ rằng, không hiểu ông Đỗ Kỷ làm gì, vi phạm pháp luật kinh khủng thế nào mà bị Bộ Công an can thiệp. Vậy, sau sự việc này, ai sẽ là người thanh minh cho tôi?", nghệ sĩ Đỗ Kỷ thẳng thắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận