NSƯT Kim Tử Long tham gia một gameshow
Trải lòng với Báo Giao thông, NSƯT Kim Tử Long cho rằng, chơi gameshow cũng là một nghề nhưng không phải ai nổi tiếng ở gameshow cũng có thể làm nghệ thuật. Cái gì nhanh quá cũng dễ tàn. Nghệ sĩ phải có thực tài và ăn sâu vào lòng khán giả thì giá trị mới dài lâu.
Quay cả tập gameshow không bằng show một buổi
Anh từng được mệnh danh là “Ông hoàng cải lương” và sau đó nhẵn mặt trên các gameshow truyền hình. Với anh, đây là sự thức thời hay do hoàn cảnh xô đẩy?
Với tôi, không có gì gọi là hoàn cảnh xô đẩy. Tôi cho rằng, nghệ sĩ có tài có thể tham gia bất cứ lĩnh vực nào dù đó là gameshow. Điều quan trọng là những chương trình, gameshow mình tham gia mang tính giải trí đến đâu và sự giải trí ấy ở chừng mực như thế nào.
Tôi chơi gameshow vì muốn mang lại tiếng cười sảng khoái cho các khán giả của mình sau những ngày làm việc mệt mỏi trở về nhà và họ muốn xem một chương trình giải trí.
Tôi có đọc nhiều bình luận khiến mình hạnh phúc. Họ nói thấy Kim Tử Long trên chương trình là muốn vào xem liền, hay cười bể bụng khi tôi chơi. Dĩ nhiên, có một số antifan vẫn chê bai mình nhảm nhí và xàm.
Ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn nên mình không thể trách họ hay cảm thấy buồn tủi mà chỉ mong làm sao các nhà tổ chức sẽ tạo ra những chương trình có hiệu ứng tốt.
Không thể phủ nhận, gameshow cũng mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho anh và nhiều nghệ sĩ khác?
Gameshow không mang lại cho tôi nhiều nguồn thu nhập nhưng làm cho khán giả không quên mình và cũng giúp tôi gần gũi với khán giả hơn. Tôi cho rằng đó cũng là mục tiêu của các nghệ sĩ hiện nay khi họ tham gia các chương trình, để họ giữ được sức nóng tên tuổi của mình trong mắt khán giả.
Đúng là hiện nay không có sân khấu cho nghệ sĩ diễn, gặp mùa dịch lại càng khó khăn hơn nên họ phải chạy show các gameshow như một cách để “kiếm cơm”. Nhưng ở đây không có thu nhập cao đâu, tôi là minh chứng cho điều đó. Quay cả tập chương trình không bằng thù lao tôi chạy show 1 buổi.
Anh có cho rằng, chơi gameshow đang trở thành một nghề?
Đó là một nghề, vì có kịch bản, dàn dựng, có chỉ đạo và sản phẩm. Một nhân vật “tay ngang” bước vào mà không tạo được tiếng cười, không duyên dáng, không tạo được hiệu ứng như ý của ban tổ chức hay đạo diễn sẽ sớm bị đào thải.
Gameshow là con dao hai lưỡi. Nếu làm tốt, nghệ sĩ sẽ được đón nhận nhiều phản hồi tích cực, còn không có thực lực sẽ không trụ được, trở thành tâm điểm bị chửi, “ném đá”.
Nghề này còn khó hơn nghề diễn viên. Diễn viên đi quay phim, quay phân đoạn nào đó đều được đạo diễn và biên kịch chỉ bảo tận tình. Diễn không đạt sẽ làm lại cho đến khi đạt thì thôi.
Còn gameshow, tất cả đều phải nhạy bén để nắm bắt được các tình huống. Ví như “Nhanh chư chớp”, MC đặt câu hỏi mà người chơi không nhạy bén, không trả lời đúng sẽ rất dễ hứng phải những bình luận tiêu cực.
Giá trị ở thực tài, không phải cái tên do gameshow mang lại
NSƯT Kim Tử Long bên vợ và con trai
Nhưng anh có thấy, các chương trình gameshow đang tạo ra một thế hệ nghệ sĩ hời hợt. Họ chơi gameshow giỏi, nhẵn mặt trên sóng giờ vàng nhưng đi vào chuyên môn nghệ thuật, không phải ai cũng làm tốt?
Đây là điều mà ai cũng thấy. Có thể anh chơi gameshow rất nhạy bén, tạo được tiếng cười nhưng khi đóng phim thì không làm được, vì tiếng cười của phim khác với tiếng cười của gameshow.
Nghệ thuật là vô biên. Một người có thực tài sẽ đứng được ở mọi lĩnh vực. Nhưng người chỉ có bề nổi, không thực tài sẽ chỉ nổi ở trên một đòn bẩy nào đó, khi va đụng với những chương trình lớn hay có tính nghệ thuật cao, họ lại không làm được.
Tôi ví ở cải lương, có nhiều bạn nổi tiếng ở các gameshow nhưng khi ra nghệ thuật thực sự lại không làm được gì. Đưa cho họ một tác phẩm nghệ thuật, họ không làm được.
Tuy vậy, họ vẫn có tên vì cái tên đó đã được hình thành từ một chương trình nào đó về cải lương. Đó là những giá trị ảo mà gameshow mang tới. Giá trị của nghệ sĩ nằm ở thực tài chứ không phải cái tên là bề nổi mà gameshow mang tới.
Phải chăng vì giá trị ảo đó nên nghệ sĩ nổi lên từ gameshow ngày nay dễ nổi tiếng nhưng cũng dễ bị nhấn chìm bởi scandal?
Cái gì nhanh quá cũng dễ tàn. Nghệ sĩ phải có thực tài và ăn sâu vào lòng khán giả thì giá trị mới dài lâu. Tôi thán phục các bạn trẻ hiện nay. Họ được công nghệ và truyền thông đẩy lên.
Đó là điều đáng quý nhưng các bạn phải nhớ thực tài mới là chính và phải giữ được giá trị lâu dài, không thể để sau đó tất cả đều không thành công khi bước vào hoạt động nghệ thuật chính thống.
Thế hệ trước đây của chúng tôi được yêu mến vì cái gì cũng thật. Chúng tôi làm mọi thứ bằng thực lực. Hát, diễn đều thật, con người thật. Ngày xưa, để có một diễn viên trên sân khấu và được một vai diễn khán giả công nhận rất khó. Nhờ thực lực nên một tác phẩm của chúng tôi ra mắt phải diễn từ 200 - 300 suất trong một thời gian dài.
Còn hiện nay, tất cả đều là công nghệ. Bây giờ, tìm một Lệ Thủy hay Minh Vương khó như mò kim đáy bể. Có thể chúng ta thấy một người hát hay trong gameshow nào đó nhưng chưa chắc ra ngoài họ đã hát hay thật.
Khán giả chỉ nhìn nghệ sĩ trên màn hình, xem ca sĩ hay diễn viên nào đó đã được công nghệ lăng xê, phù phép chứ không nhìn thực tế để biết năng lực thực sự của họ đến đâu. Lên bằng công nghệ, bằng thứ “ảo” thì xuống cũng nhanh vì khi sự thực được lộ ra, khán giả dễ thất vọng.
Khi ngồi ghế giám khảo của nhiều gameshow, anh thấy thực trạng tài năng từ các chương trình như thế nào?
Tôi thấy cũng có nhiều người thực tài lắm chứ nhưng vẫn như “đãi cát tìm vàng”. Các mùa vẫn tổ chức dù chất lượng chẳng được như kỳ vọng nhưng vẫn cứ trao giải.
Như “Chuông vàng vọng cổ”, mỗi năm có một mùa thi, năm nay có thí sinh hát tốt và năm sau không được như vậy nhưng thí sinh vẫn cứ đạt giải Chuông vàng. Điều đó để thấy sự chú trọng số lượng hơn chất lượng.
Nhưng cũng nhờ gameshow mà phát hiện ra đất nước mình có quá nhiều nhân tài. Ở chương trình “Sàn chiến giọng hát”, tôi thấy nhiều bạn trẻ chỉ đi hát đám, hát tiệc, phòng trà… mà ca tuyệt vời, hay hơn cả nhiều ngôi sao hiện nay.
Nhưng tại sao họ không nổi tiếng bằng những gương mặt kia? Có những người hát không giống ai, ca không hay vẫn nổi như cồn. Đó là nhờ công nghệ lăng xê. Họ có tiền, có truyền thông để quảng bá, đánh bóng tên tuổi.
Có nghĩa, không thể đổ lỗi cho gameshow mà do khán giả đang dung dưỡng để có những nghệ sĩ hời hợt, “vàng thau lẫn lộn” trong làng giải trí?
Thực ra, tôi nghĩ là tùy lựa chọn của mỗi nghệ sĩ. Họ nên biết mình mạnh ở đâu và duy trì, phát triển nó. Nghệ sĩ cũng nên biết lựa chọn gameshow có ý nghĩa để tham gia chứ không nên nhận bừa bãi để ảnh hưởng tới tên tuổi của mình và khiến khán giả khó chịu. Đó là điểm dừng mà người nghệ sĩ phải biết.
Bản thân tôi trước khi tham gia bất cứ chương trình nào đều phải xem chương trình thế nào. Không phải vào rồi người ta nói con chó là con mèo mình cũng phải nghe.
Nếu thấy được, tôi mới tham gia. Có lần, tôi tham gia chương trình “Tâm đầu ý hợp” với vợ của mình. Họ đã mời tôi 5 lần 7 lượt tôi mới nhận lời, vì tôi muốn xem chương trình đó có xàm xí, có đem chuyện của gia đình mình ra để câu view hay mổ xẻ hay không. Tôi tránh tình trạng như chương trình “Sau ánh hào quang”, ban đầu rất hay nhưng sau đó lại đầy hệ lụy, làm người ta ganh ghét nhau nhiều hơn.
Cảm ơn anh!
NSƯT Kim Tử Long (tên thật là Hoàng Kim Long) sinh năm 1966, là ngôi sao cải lương nổi tiếng trong thập niên 1980 - 1990 cùng thế hệ Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Ngân... Anh từng đoạt giải Đôi diễn viên được yêu thích nhất năm 1994 (cùng Ngọc Huyền), Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995, Gương mặt nghệ sĩ tài hoa năm 2000, giải Mai Vàng 2003...
Sau 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ, ở tuổi 55, nghệ sỹ đang có cuộc hôn nhân hạnh phúc bên nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh. Họ có với nhau 2 con trai. Trước đó, anh cũng có 3 con với 2 người vợ cũ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận