NSƯT Quốc Cơ: "Buồn, nhưng không quá tiếc nuối"
Trong danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề xuất lên Hội đồng cấp Nhà nước, không có tên NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ngọc Khanh (hát bội), NSƯT Thoại Mỹ NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp.
Hai anh em Quốc Cơ (trái) - Quốc Nghiệp (phải)
Trước đó, các nghệ sĩ này đều có tên trong danh sách được TP HCM thông qua. Riêng NSƯT Thoại Mỹ, ban đầu không có tên trong 64 hồ sơ xét duyệt được Sở VH-TT TPHCM thông qua hồi tháng 7/2021.
Sau quá trình lấy ý kiến, NSƯT Thoại Mỹ là một trong 3 nghệ sĩ được xét lại vào danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.
Chia sẻ với Báo Giao thông về việc không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu NSND, NSƯT Quốc Cơ cho biết anh và em trai - NSƯT Quốc Nghiệp buồn khi bị loại, nhưng không quá tiếc nuối.
"Tôi nghĩ mình trượt vì có những người xứng đáng hơn. Chúng tôi còn trẻ, sự nghiệp còn dài. Nếu đợt xét tới được đồng nghiệp và khán giả ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm hồ sơ", anh nói.
Giữa năm 2021, nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp gửi hồ sơ xin xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, sau đó lọt vào danh sách của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM. Quốc Cơ từng làm hồ sơ ở đợt xét năm 2018 nhưng không được đơn vị chủ quản - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - chấp thuận, vì tuổi nghề chưa đủ.
NSƯT Lê Thiện: Không làm đơn xin xét trao danh hiệu NSND
NSƯT Lê Thiện cũng thừa nhận với Báo Giao thông rằng, bà không buồn cũng không thất vọng khi biết tin mình không có tên trong danh sách xem xét trao danh hiệu NSND do Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề xuất.
NSƯT Lê Thiện
Nữ nghệ sĩ gạo cội cho biết, đến thời điểm hiện tại bà chưa nhận được thông tin chính thức về việc này, thông qua một đồng nghiệp, bà được biết mình không có tên vì "không đạt 90% số phiếu ủng hộ của hội đồng".
Theo quy định, các hồ sơ đạt tiêu chuẩn phải có 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
"Từ hôm qua đến nay, nhiều người gọi điện cho tôi, có người còn khóc khi biết tin. Nhưng tôi thấy bình thường. Có đồng nghiệp "mách" tôi làm đơn xin xét lại, nhưng tôi không làm.
Đối với tôi, NSND là nghệ sĩ được nhân dân yêu mến và được cống hiến hết mình với nghề, vậy là đủ. Nhiều NSND chắc gì đã được nhân dân biết đến họ là ai, sản phẩm của họ là gì.
Tôi thấy rất hạnh phúc vì ở tuổi này còn được làm việc, được cống hiến. Bạn bè cùng lứa của tôi đều đã qua đời. Vậy mà tôi còn sống. Tôi thấy vậy là mình may mắn lắm rồi.
Bây giờ tôi chỉ mong cầu sức khỏe, bình an để tiếp tục được đóng phim, đi diễn vừa để mưu sinh, vừa mang nghệ thuật làm đẹp cho đời", NSƯT Lê Thiện tâm sự.
NSƯT Lê Thiện trong kịch "Đêm vượn hú"
NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện – sinh năm 1945 trong một gia đình làm nông tại Bình Định. Bà từng giữ chức vụ Phó Giám Đốc Nhà hát Trần Hữu Trang phụ trách đoàn Xung kích đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa,...
Sau gần 50 năm hoạt động làm nghệ thuật trong lĩnh vực Cải lương bà đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng qua các vai diễn để đời như: "Dệt gấm", "Khuất Nguyên", "Tiếng sám Tây nguyên", "Mùa xuân", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Ánh sáng phù du", "Thạch sanh - Lý thông", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Bao mạch nữ",..
Ngoài ra bà còn nổi tiếng trong làng điện ảnh, clip ca nhạc với các vai diễn khác nhau tiêu biểu là vai bà nội trong phim: "Dù gió có thổi", "Vừa đi vừa khóc", "Cá rô em yêu anh"...
Từ tháng 5/2021, Nghị định bổ sung về xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú có hiệu lực, tạo điều kiện thoáng hơn trong tiêu chí. Quy chế xét theo huy chương không thay đổi, tuy nhiên bổ sung một số quy định ưu tiên.
Các trường hợp thiếu huy chương vẫn được vào danh sách gồm: nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoặc nghệ sĩ là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt giải cao tại quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận