NSƯT Thành Lộc |
Tin vào việc mình làm khi nó xuất phát từ trái tim
Chuyện về Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã rất nổi tiếng trên sân khấu cải lương, anh có nghĩ mình đang tự làm khó mình khi dựng tác phẩm này?
Ai cũng nghĩ tôi sẽ gặp áp lực khi dàn dựng kịch phẩm này, nhưng không phải. Kịch bản của tôi khác, phong cách dàn dựng và thông điệp cũng khác hẳn. Tôi làm nhạc kịch chứ không làm cải lương, dù cải lương cũng là một thể loại nhạc kịch. Nhạc kịch của tôi hoàn toàn là sáng tác mới, được viết ra chỉ dành cho vở diễn. Câu chuyện trong các vở xưa chủ yếu nói về số phận của Vân Tiên hoặc Nguyệt Nga, chuyện của tôi là câu chuyện của 3 người: Vân Tiên, Nguyệt Nga và Kim Liên. Các vở diễn trước chỉ đề cập đến sự thuỷ chung, son sắc của tình yêu đôi lứa, bài học trung, hiếu, tiết nghĩa của đạo lý làm người, còn Tiên Nga là lòng yêu nước, là nghĩa vụ của con người với mảnh đất đã cưu mang mình.
Nếu nói tôi tự làm khó mình thì có chăng là đã làm lại một đề tài cũ thì phải làm cho mới hơn. Hồi tôi làm Bí mật vườn Lệ Chi là chạm đến đề tài lớn. Lúc đó, nhiều đạo diễn đều né nhưng tôi rất hào hứng và tôi đã thành công. Tôi tự tin vào việc mình làm, khi nó xuất phát từ trái tim nồng nàn với nghệ thuật và một kiến thức nghề nghiệp ổn định.
Những thông điệp gửi gắm trong một vở cổ trang, anh có nghĩ phần nào hơi “cũ” so với nhu cầu của khán giả trẻ bây giờ?
Vậy, thông điệp mới cần có với thế hệ trẻ ngày nay là gì? Hãy làm giàu đi! Hãy hưởng thụ đi! Hãy thực dụng đi! Hay vô cảm đi? Hãy đi quanh thế giới một vòng, bạn sẽ thấy đất nước nào, dân tộc nào cũng mong công dân của họ biết yêu Tổ quốc mình. Bạn có thấy người mình bây giờ ít quan tâm đến vận mệnh của quốc gia và sống không còn tử tế với nhau như người xưa không?
Nhiều vở nhạc kịch hiện nay được dựng theo phong cách Broadway để dễ tiếp cận khán giả. Tiên Nga là nhạc kịch thuần Việt, anh nghĩ sao về khả năng tiếp cận công chúng trẻ?
Tôi cũng là một tín đồ của nhạc kịch Broadway. Tôi chịu ảnh hưởng từ thể loại nhạc kịch này nhiều. Nhưng tôi là nghệ sĩ Việt Nam, làm nhạc kịch Việt Nam cho khán giả Việt Nam xem. Truyện xưa của người Việt thì phải mang phong cách, văn hoá Việt.
Thật ra, muốn Tiên Nga hát nhạc hiện đại như nhạc Mỹ, nhạc Pháp chắc cũng được nếu ai có gan dám làm và làm hay. Tôi không chọn cách đó. 7 nốt nhạc vẫn là từ phương Tây, nhưng chìa khoá của tôi là thang âm ngũ cung mang đậm hồn của người Việt. Chắc chắn, dù người Việt xưa hay người Việt mới cũng đều thấy gần với âm nhạc của dân tộc mình.
Một cảnh trong vở “Tiên Nga” |
Chọn nhạc tài tử Nam Bộ làm chìa khóa
Tại sao anh lại lấy nhạc tài tử Nam bộ làm điểm tựa trong kịch của mình?
Một câu chuyện rất Nam bộ, được viết từ một nhà thơ Nam bộ nên ngôn ngữ âm nhạc cũng phải được xử lý theo phong cách thuần Nam bộ. Có điểm là nhân vật nói giọng miền Nam thì khi hát cũng phải hát giọng miền Nam nghe mới hay. Miền Tây Nam bộ có một thể loại hát nói đặc trưng gọi là nói vè Vân Tiên. Người ta đọc cả cuốn truyện thơ bằng cách hát vè. Nhạc sĩ Đức Trí đã chọn giai điệu của cách hát vè này làm chủ đạo, cùng tất cả làn điệu của nhạc tài tử Nam bộ để quán xuyến hết phần âm nhạc cho vở. Nghe kỹ những ca khúc mà các nhân vật thể hiện, ta sẽ thấy nó vẫn hoàn toàn là nhạc mới, nhưng phảng phất đâu đó rất gần gũi với người miền Tây. Đó chính là thế mạnh của nhạc kịch hiện đại, dù đề tài có cổ xưa đến mấy.
Đây có phải là loại hình âm nhạc dễ kéo khán giả cả nước đến thưởng thức không?
Âm nhạc trong Tiên Nga rất dễ nghe. Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, vở nào cũng nặng nề và dài trên 3 giờ đồng hồ mà người xem còn kín rạp, dù chúng tôi chỉ bán vé chứ không mời. Khi dàn dựng tác phẩm, chúng tôi không bao giờ gạt yếu tố giải trí khỏi sản phẩm của mình. Tiên Nga hội đủ những yếu tố để thu hút người xem, kể cả là những người trẻ xem để giải trí.
Bối cảnh vở thuộc triều đình phong kiến, phong cách lại được dựng theo nhạc kịch. Anh làm thế nào để không gây ảnh hưởng tới tính thời đại của nội dung vở diễn?
Mình xem hát bội, chèo, cải lương, dân ca bài chòi từ trăm năm nay rồi. Khác nhau cách gọi tên thôi, dù có những điểm khác biệt về ngôn ngữ thể hiện. Nhạc kịch có thể xem là loại hình sân khấu sinh sau đẻ muộn nhất với sân khấu thế giới nên nó có thế mạnh là chuyển tải được mọi thể tài, từ hiện đại đến cổ xưa mà không có gì bất cập. Trong vở nhạc kịch lừng danh Super star của sân khấu Broadway, khán giả còn nghe nhân vật Ngài Jesus hát rock. Không có gì là không thể, miễn nó được làm hay, thuyết phục là mọi rào cản đều bị phá vỡ.
Tôi không bảo thủ trong nghệ thuật, mọi thứ đều trở thành phương tiện được tôi áp dụng. Cái đầu mình thoáng là mọi thứ đều được xử lý rất dễ dàng, nhẹ tênh.
Điều gì khiến anh đau đầu nhất khi thực hiện kịch phẩm này?
Để hình thành được tác phẩm, phải gặp nhạc sĩ trước, cùng trao đổi bàn bạc nhiều lần để tìm ra ngôn ngữ âm nhạc cho vở diễn. Phải đến khi nhạc hoàn toàn ưng ý, mọi khâu khác mới tiến hành được. Thời gian chờ nhạc xong là lúc tôi như ngồi trên lò lửa, lúc nào cũng sốt ruột. Ngoài ra, tìm diễn viên có khả năng ca diễn và nhân dáng phù hợp với ý tưởng khắc họa của mình cũng là công đoạn vô cùng khó khăn, phải kiên nhẫn.
Và điều anh tâm đắc nhất là gì?
Đó là đưa được hình ảnh cụ Đồ Chiểu xuất hiện cùng câu chuyện và các nhân vật của mình với tâm thế là người dẫn chuyện. Có lúc người xem sẽ thấy mỗi nhân vật cũng chính là người dẫn chuyện trong đó. Họ gặp nhau rồi hòa quyện cùng nhau. Chủ đề chính hướng mọi người đến tình yêu bao la, một cuộc sống bình yên. Người dân Nam luôn yêu Tổ quốc và yêu hoà bình là điều mà tôi vô cùng tâm đắc gửi vào tác phẩm của mình.“Hòa bình đến với dân tôi, hòa bình phải đến với người thiện tâm!”.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận