NSƯT Thanh Sang trong một vở diễn. |
Theo gia đình, ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 0h25 sáng nay 21/4. Gia đình nghệ sĩ Thanh Sang cho biết đã đưa ông về nhà theo lời bác sĩ vào trưa 20/4 sau hơn hai tuần ông nhập viện và hôn mê. Từ đó đến nay ông chưa từng tỉnh lại.
Trước đó, ngày 4/4 sau khi bị suy tim, nghệ sĩ Thanh Sang đã phải nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện ông xuất huyết não và hôn mê. Tình trạng của ông càng ngày càng nghiêm trọng vì tuy hôn mê, sức khỏe đang rất yếu, thở khó khăn ông vẫn phải chạy thận, có nguy cơ chết trên giường bệnh khi đang chạy thận.
Được biết, tang lễ của NSƯT Thanh Sang được tổ chức tại nhà riêng (đường số 17 P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) sau đó an tang tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa tỉnh Bình Dương.
Nghệ sĩ Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu (SN 1942) tại Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cha mất sớm, từ 8 tuổi Thanh Sang đã đi biển phụ mẹ kiếm sống và kiếm tiền đi học. Năm 15 tuổi ông mê cải lương và học lỏm ca theo các nghệ sĩ nổi tiếng. Đến năm 1960 ông được nhận vào Đoàn cải lương Ngọc Kiều khi đoàn này đến biểu diễn ở quê và được ông bầu Hoàng Kinh đặt nghệ danh Thanh Sang. Năm 1964, Thanh Sang đoạt giải Thanh tâm - giải thưởng danh giá nhất dành cho nghệ sĩ cải lương lúc bấy giờ với vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn trong vở Cô gái đồ long của đoàn Dạ Lý Hương.
Sau khi nổi tiếng, nghệ sĩ Thanh Sang hát chính với nhiều cô đào cải lương bậc nhất như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phương Liên, Lệ Thủy... Ông để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng ở nhiều vở diễn từ diễn sân khấu, thu băng đĩa đến thu tivi, video trước và sau 1975 như: Tô Điền Sơn trong Tiếng hạc trong trăng, Lê Long Hồ trong Tuyệt tình ca, Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa, Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh, Lục Vân Tiên trong Kiều Nguyệt Nga, Đảnh trong Tần Nương thất, Kim Trọng trong Kim Vân Kiều, thầy Khanh trong Mưa rừng, Lĩnh Nam trong Sân khấu về khuya, Tùng trong Nửa đời hương phấn….
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận