Hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
Kể về cơ duyên được vinh dự đóng vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi vẫn nhớ, lúc đó là năm 1987, khi ông đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn, Quân khu 2. Đoàn thực hiện vở diễn "Đêm trắng" với đạo diễn Doãn Hoàng Giang và lựa chọn ông để đóng vai Bác Hồ.
"Được nhận vai diễn, tôi thấy rất vinh dự nhưng cũng căng thẳng vì lúc đó tôi mới 29 tuổi nhưng phải thể hiện vai diễn Bác Hồ ở độ tuổi 58, với tuổi trẻ như mình mà thể hiện vai là một lãnh tụ đáng kính của dân tộc là cả một áp lực rất lớn", NSƯT Tiến Hợi nhớ lại.
Nỗ lực để tròn vai diễn, NSƯT Tiến Hợi đã tìm đọc nhiều tư liệu, xem các thước phim, hình ảnh, âm thanh, tài liệu về Bác và liên tục tập luyện từ dáng dấp, thần thái sao cho giống Bác nhất, thu băng giọng nói của Người và học theo suốt ngày đêm. Sau thời gian dàn dựng hơn 2 tháng rưỡi, vở kịch được trình diễn tại Nhà hát lớn.
"Lần trình diễn đầu tiên, vở diễn khép lại, cả hội trường sân khấu vỡ òa và vỗ tay rất lớn, tôi bước ra chào khán giả mà thấy mình như đang mơ. Tôi nhớ, hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tặng hoa cho tôi, Đại tướng nước mắt rưng rưng nói: “Cảm ơn! Cảm ơn!”; còn bác Vũ Kỳ thì vào tận phòng hoá trang tìm tôi và nói: "Cậu trẻ thế này mà cậu thể hiện được thần thái của Bác, tôi xem, tôi xúc động quá”, NSƯT Tiến Hợi nhớ lại.
Từ "cơ duyên ban đầu đó", đến nay đã hơn 300 lần NSƯT Tiến Hợi diễn vở kịch “Đêm trắng”, và ông đã có cả "kho kỷ niệm" với vai diễn này. Như năm 1987, khi ông đang diễn vở “Đêm trắng” ở sân vận động TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thì dưới khu vực khán giả, bỗng có một cụ già đứng dậy giơ tay xin ý kiến. Cụ đã được mời ra ngoài vì ảnh hưởng đến vở diễn khi hàng nghìn khán giả đang yên lặng ngồi xem.
Bất ngờ khi vở diễn hoàn thành, NSƯT Tiến Hợi thấy cụ già khi nãy tìm ông, khóc và nói: “Giống quá, giống Người quá, nhất là giọng nói và cử chỉ. Tôi đã từng được vinh dự gặp Bác Hồ hồi ở chiến khu, giờ được cảm nhận hình ảnh của Người thông qua chú, nên chỉ ao ước được ôm chú một cái...”
Chia sẻ kinh nghiệm đóng vai Bác, NSƯT Tiến Hợi cho biết, ngoài những trang phục, dụng cụ hóa trang như đôi dép cao su, bộ quần áo kaki, chiếc mũ, bộ râu, hay là mái tóc... thì chất giọng và phong thái vẫn là quan trọng nhất.
"Chính vì thế để được khán giả ghi nhận, theo tôi người nghệ sĩ đóng vai Bác Hồ phải có quá trình nghiên cứu và học tập Bác để hiểu được những cử chỉ, hành động, các phát ngôn của Người khi còn sinh thời. Từ đó, có một cảm nhận chính xác về Bác để rồi khi lên sân khấu sẽ phô diễn được những gì tinh túy nhất về Bác Hồ đến với người xem", NSƯT Tiến Hợi chia sẻ.
Điều NSƯT Tiến Hợi tâm tư ở thời điểm này, là tìm ra "truyền nhân" để đóng vai Bác Hồ đạt nhất. Bởi theo ông, lớp trẻ bây giờ rất ngại vào những vai nhân vật lịch sử. Có nhiều diễn viên có thể đạt được ở mặt này nhưng chưa tới ở mặt khác. Khi diễn về hình tượng Bác Hồ thì không phải ai cũng hoàn thành xuất sắc. Nhất là giọng nói, luyện được giọng nói gần giống Bác là cả một quá trình.
"Tôi rất mong muốn thời gian tới sẽ có những người có thể nối bước tôi để thể hiện vai Bác Hồ được người xem ghi nhận và đón nhận. Nhiệm vụ này không chỉ riêng tôi mà nhiều đoàn nghệ thuật cũng đang đào tạo và tìm kiếm", NSƯT Tiến Hợi cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận