Việc anh nhận nuôi bé Sóc gần đây nhận được sự quan tâm của công chúng. Anh làm thế nào để bé hòa nhập với gia đình mới?
Sóc đã lớn, có nhận thức tương đối về gia đình, mẹ ruột của bé. Vì thế, khi nhận nuôi con, tôi xác định sẽ khó trong thời gian đầu để con hoà nhập với môi trường mới.
Trước tiên, tôi đưa các bé còn lại trong gia đình đến đón Sóc, giúp bé tiếp cận với đầy đủ thành viên trong gia đình từ lần gặp đầu tiên. Chúng tôi tạo không gian để các con có thể chơi, hoà nhập với nhau.
Thời gian đầu, tôi dành hầu hết thời gian cho con, đưa con đi học, đi chơi, mua sắm quần áo, đi ăn với gia đình… Tôi cũng dành thời gian ngủ cùng con, trò chuyện, chơi cùng con để nỗi nhớ gia đình dần vơi đi. 1-2 ngày đầu, Sóc còn lẩn quẩn trong nỗi lo sợ, nhưng đến ngày thứ 3 trở đi đã có thể hoà nhập tốt cùng gia đình.
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là tạo cho bé cảm giác an toàn, rằng môi trường này dành cho con. Con sẽ được đối xử, được yêu thương như các anh, chị, em khác trong gia đình.
Dân mạng “đào bới” và truyền thông cũng đưa tin rộng về xuất thân của bé. Anh có nghĩ, việc mình công khai hình ảnh của bé Sóc có thể gây ảnh hưởng tới con sau này?
Từ Nhím đến Sóc, tôi đều giữ quan điểm không giấu giếm về xuất thân của con. Quá khứ của các con nhiều nước mắt, có khi chẳng đẹp nhưng đó là điều thuộc về các con, không thể chối bỏ.
Nhưng tôi sẽ cân nhắc tuỳ độ tuổi, sự hiểu biết để chia sẻ cho hợp lý. Chẳng hạn, Tít, Nhím đã bắt đầu ở tuổi được biết đầy đủ về câu chuyện của mình. Nhưng những uẩn khúc, trái khoáy của người lớn phía sau mỗi sự việc tôi đều không nhắc đến. Tôi muốn các con giữ được những điều đẹp nhất về bố mẹ, cội nguồn của mình.
Tôi nghĩ, nếu tập dần cho con làm quen với những thông tin đó, khi lớn lên con sẽ không bỡ ngỡ. Còn nếu chọn phương án khi con đủ lớn, bỗng một ngày biết về xuất thân của mình, có khi lại tạo nên cú sốc khiến cuộc đời chúng rẽ theo hướng không mong muốn.
Nhưng bé có thể phải chịu tổn thương khi hòa nhập cộng đồng?
Sự trưởng thành của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục. Tôi ưu tiên dạy con cách thích nghi lẫn ứng phó. Có nghĩa, đảm bảo ít nhất với mọi tình huống con có khả năng đối diện để vượt qua. Trong đó, việc có một tinh thần thép khá quan trọng.
Điều thú vị ở con trẻ là những bức tranh trong lòng chúng luôn dễ để được vẽ lại. Tôi không xoá bỏ những gì đã có, chỉ vẽ thêm những điều đẹp hơn, ấm áp hơn để con có tương lai tốt hơn. Suy cho cùng, cội nguồn là điều không bao giờ chúng ta được quên đi, dẫu đó là ký ức đẹp hay không.
Anh sẽ làm gì để bảo vệ con?
Năm con 5 tuổi, những ông bố bà mẹ có thể trở thành anh hùng để bao bọc, che chở con. Nhưng khi con 15, 18 tuổi, đủ nhận thức để bước ra đời thì bố mẹ không đủ khả năng đó, thậm chí bị con trẻ khước từ. Vì thế, cách bảo vệ con tốt nhất là dạy con cách biết tự bảo vệ mình. Còn cách thức cụ thể ra sao, sẽ tuỳ thuộc vào tính tình, xu hướng phát triển của con. Việc đó sẽ cho con một hành trang sống đủ tốt.
Còn hiện tại, tôi thấy cuộc sống các con vẫn diễn tiến bình thường. Niềm vui vẫn đến với các con mỗi ngày. Tôi không thích để cuộc sống của mình bị đắm chìm trong những lo lắng, mà chính chúng ta cũng không biết có xảy ra hay không. Thay vào đó, tôi muốn dành suy nghĩ, tâm trí cho công việc và cho các con.
Thêm một cô con nuôi nữa có khiến anh vất vả hơn?
Tôi nói điều này có lẽ khiến mọi người khó tin, nhưng sự vất vả trong việc chăm con không còn là khái niệm khiến tôi phải nghĩ nhiều nữa. Điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất là liệu mình có đủ thời gian để chăm chút, bên cạnh con hay không.
Trẻ con không cần tiền bạc hay có tham vọng như người lớn. Điều chúng cần là thời gian và tình thương, thứ mà đôi khi sự bận rộn trong cuộc sống khiến chúng ta bị cạn kiệt.
Giai đoạn khó khăn nhất là khi tôi nhận nuôi Nhím. Mọi việc đều mới mẻ, có những khái niệm chưa bao giờ tồn tại. Nhưng đến nay, tôi đã thuần thục mọi thứ. Hầu như không có gì có thể làm khó tôi được. Quan trọng nhất, tôi phải cố gắng sắp xếp quỹ thời gian của mình để cho con nhiều nhất có thể.
Nhìn bên ngoài, Đỗ Mạnh Cường là nhà thiết kế có phần lạnh lùng, cao ngạo. Gác bỏ điều đó, anh là ông bố thế nào?
Tôi có một điều dở là người thật và trên mạng xã hội đều là một. Tôi không cố vẽ cho mình được lớp vỏ bọc hào nhoáng. Tôi vẫn đôi chút nóng tính nhưng đã được cải thiện khá nhiều từ khi nhận nuôi các con.
Tạm gác danh xưng NTK sang một bên, tôi thấy mình vẫn như bao ông bố khác. Buổi sáng, tôi dậy sớm cho con ăn sáng, đưa con đi học, chiều lại rước con về, cho con tắm, ăn uống, chơi cùng con, dạy con học. Tôi có thể làm hết mọi việc thuần thục, nhanh chóng.
Cuộc sống hiện tại bận rộn hơn trước nhiều. Đôi lúc tôi không còn thời gian dành cho mình. Nhưng luật bù trừ mà, muốn các con có nhiều thời gian bên cạnh bố hơn thì bản thân phải tự thu hẹp niềm vui riêng lại. Tôi không gọi đó là hy sinh, mà đơn giản là sự lựa chọn.
Tôi đổi một quãng thời gian trong đời mình để có được ít nhất 8 cuộc đời khác tốt đẹp hơn, hẳn cũng xứng đáng.
Điều gì khiến anh liên tiếp phá lệ khi từng nói không nhận thêm con nuôi khi đã nuôi bé thứ 5?
Trước mỗi lần nhận thêm con, tôi luôn trăn trở. Người thân, bạn bè khuyên răn nhiều vì sợ tôi đuối sức. Nhưng, tình thương không có biên giới.
Nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi, tôi luôn xúc động. Những trái tim đáng lẽ được lớn lên trong tình yêu thương tròn vẹn lại phải sớm chịu những vết cứa đau nhói. Tôi luôn trăn trở và chỉ mong thương hiệu SIXDO luôn phát triển để mục tiêu lập một viện mồ côi sớm được hiện thực hoá. Tôi hiểu điều mình làm chỉ rất nhỏ trong xã hội, nhưng thế giới rộng lớn sẽ thay đổi từ những viên gạch nhỏ đó.
Nuôi dạy 1 đứa trẻ đã không dễ, anh lại nuôi 8 đứa, điều gì khiến anh đau đầu nhất?
Hiện tại, các con còn nhỏ nên vấn đề lớn nhất là việc phân xử những cuộc tranh cãi, giành đồ chơi lẫn nhau. Nhưng mối lo lớn hơn là khi các con trưởng thành. Tôi không sợ con không tài giỏi xuất chúng, chỉ sợ con không trở thành người tử tế.
Do đó, chúng tôi chú trọng giáo dục tình cảm, cách ứng xử của con với mọi người xung quanh. Tôi mong ít nhất sau này khi bước ra xã hội, con sẽ được mọi người thương mến vì sự lễ phép, hết mình, cương trực nhưng luôn đầy lòng trắc ẩn.
Có bao giờ anh nghĩ đó là gánh nặng?
Gánh trên vai 8 cuộc đời, áp lực rất nhiều. Nhưng với tôi, đã chọn điều gì đó sẽ trách nhiệm đến cùng. Tôi chưa bao giờ xem đó là gánh nặng mà là niềm hạnh phúc trong trách nhiệm.
Ai cũng chỉ sống một lần. Khi chúng ta mất đi, mọi thứ sẽ là cát bụi. Nhưng điều gì chúng ta làm được cho đời sẽ ở lại. Từ 8 đứa trẻ này, có thể trong tương lai nhiều đứa trẻ khác được giúp đỡ, hỗ trợ thì tôi nghĩ những gì mình chọn, bỏ công sức đều đáng giá. Yêu thương chưa bao giờ là gánh nặng cả.
Anh có mong các con sau này sẽ đền đáp mình?
Mái ấm gia đình chỉ vững khi tình thương cho đi và được hồi đáp. Tuy nhiên, việc cầu mong con báo hiếu, trả ơn, thú thật tôi không nghĩ đến. Tôi chỉ là người đưa đò để các con cập bến tương lai. Khách sang đò sẽ có những lựa chọn khác nhau.
Nếu sau này, các con biết rõ về nguồn cội của mình, muốn quay lại với bố mẹ ruột, tôi vẫn ủng hộ. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn giờ điều tôi cần nghĩ, cần làm là làm sao để các con có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc, bình yên.
Với một gia đình đông con, anh dạy dỗ và định hướng cho các bé ra sao?
Việc giáo dục phổ thông chúng tôi yên tâm giao cho nhà trường. Thường buổi tối, tôi sẽ dành thời gian ôn bài cho Nhím, Tít. Kết quả học tập của con tôi cũng theo dõi sát sao. Tôi luôn khuyến khích con phải tìm được niềm vui trong học tập, tôn trọng mọi lựa chọn của con. Điều gì chưa ổn sẽ uốn nắn dần.
Chúng tôi xây dựng gia đình theo kiểu người Á Đông, có nghĩa luôn xem trọng tình cảm, sự kết nối. Điều này thực sự cần với 8 mảnh ghép không cùng huyết thống.
Về cơ bản, chúng tôi muốn trở thành bạn của con để đồng hành cùng con, cũng như dễ dàng bước vào thế giới của chúng. Từ nhỏ, chúng tôi tạo cho con môi trường bình đẳng về sự đối thoại. Với mọi việc, chúng tôi luôn sẵn sàng nghe con chia sẻ, dù tính chất sự việc như thế nào. Đây cũng là chìa khoá cho con sự tự tin, cũng như tính tự giác, tự chịu trách nhiệm… với mọi việc.
Dạy con đã khó, dạy con trong điều kiện tương đối đủ đầy càng khó hơn. Vì thế, chúng tôi chú trọng cách ứng xử của con với đồng tiền. Đặc biệt, sẽ luôn hướng con đến giá trị của lao động sau đồng tiền để sau này không tiêu xài hoang phí.
Còn việc xây dựng hình ảnh, phong cách cho con tuỳ thuộc vào thiên hướng con thể hiện ra bên ngoài.
Chi phí để anh nuôi các bé ăn học không ít. Anh làm thế nào để vừa làm việc kiếm tiền được, vừa chăm sóc tốt nhất cho các con?
Trước nay, việc kiếm tiền không khó với tôi. Do đó, tôi cũng khá thoải mái về kinh tế để chăm con. Nhưng gần đây tôi ít mua hàng hiệu hơn, mọi thứ gần như đều dành suy nghĩ cho con.
Trừ những khung giờ cố định dành cho con thì tôi còn khoảng 8-9 tiếng làm việc mỗi ngày. Tôi phải cố gắng tận dụng tốt khoảng này để giải quyết mọi việc. Khi tôi đi công tác thì bố Huy (doanh nhân Huy Cận) và bảo mẫu sẽ đảm nhận việc chăm các bé. Tôi sẽ gọi điện về thường xuyên để các con không nhớ bố.
Tôi nghĩ khi muốn, bạn sẽ cố tìm cách để chu toàn, khi không muốn sẽ có đến hàng tá lý do.
Các bé còn ở độ tuổi nhỏ, liệu có sự ghen tị nào giữa các con khi bố Cường lo cho tất cả?
Tình huống này thường xảy ra. Chẳng hạn, gần đây Sóc được ưu tiên chăm sóc nhiều hơn nên đôi khi, các con còn lại cũng buồn.
Sự ghen tị luôn dễ nảy sinh giữa những đứa trẻ. Tôi quan sát thật kỹ các con để sớm đọc được suy nghĩ của chúng và tìm cách giải quyết hợp lý.
Với Nhím, Tít hay Linda, tôi chọn cách ngồi nói chuyện để con hiểu được sự việc và thông cảm. Trường hợp quá nhỏ như Gấu, Én, MyMy hay Rồng, vẫn phải đảm bảo có thời gian, không gian để con được gần bố.
Có lúc, tôi chỉ ước mình có nhiều thời gian hơn cho các con, nhưng thực tế không thể thay đổi. Ai cũng chỉ có 24h nên giữa mong muốn và thực tại đôi khi chúng ta bị mắc kẹt. Tôi chỉ mong tình thương của mình đủ lớn để trong quá trình trưởng thành con sẽ cảm nhận được rõ ràng.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận